Công ty CP Hội Thú y Việt Nam: Nhân giống thành công ngựa bạch

Công ty CP Hội Thú y Việt Nam là công ty đầu tiên tại Việt Nam nhân giống và bảo tồn thành công giống ngựa bạch quý hiếm. Người đã có công rất lớn đó là chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Giám đốc, chủ Tr

Con đường đi tìm… bạch mã

Trước đây, chị Hằng xin thầu 7ha đất bãi sông Hồng với mục đích lập trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhưng rồi cơ duyên không đến với chị, đàn gia súc, gia cầm đông đúc bỗng dưng không còn sót lại một con do dịch cúm H5N1 ở gia cầm và bệnh heo tai xanh ở lợn…Trăn trở không biết nuôi con vật gì đây? Một hôm, chị xem chương trình tivi nói về giá trị chữa bệnh của cao ngựa bạch, chị đã mạnh dạn xin ý kiến của Hội Thú y Việt Nam để nhập giống ngựa bạch từ trên Lạng Sơn, Cao Bằng… về nuôi tại trạng trại.

Đề nghị của chị được chấp nhận. Chị quay về gom hết tài sản trong gia đình, vay bạn bè được vài trăm triệu đồng, quyết định lên Lạng Sơn tìm mua ngựa bạch. Ban đầu mua được 10 con ngựa bạch thuần chủng, không đủ, chị tìm lên Cao Bằng, Thái Nguyên… mua thêm được 10 con nữa. Chị nghĩ, trang trại rộng 7ha mà có 20 con ngựa thì rất lãng phí và một lần nữa, chị xin phép Hội Thú y Việt Nam sang Tây Tạng - Trung Quốc tìm mua tiếp ngựa bạch về nhân giống. Lần đó, chị mua thêm được 20 con.

Chị Hằng tâm sự: “Ngựa trắng chỉ được xem là ngựa bạch phải hội tụ các yếu tố sau: Mắt có màu trắng mây, xung quanh con ngươi có một vành màu đồng lửa, khi mặt trời đứng bóng mắt bị loà, trời tối mắt đỏ như lửa, bộ phận sinh dục, mũi, mõm có màu hồng đỏ, bốn chân có móng sừng trắng ngà”. Chị cho biết thêm: “Ngựa bạch nếu thiếu những đặc điểm trên gọi là ngựa kim vì nó là sản phẩm lai F1 giữa ngựa bạch và ngựa mầu”.

Vừa qua, chị Hằng và Hội Thú y Việt Nam đã kiểm tra những con ngựa bố mẹ không còn khả năng sinh sản, hay đã già để mổ nấu cao cung cấp cho thị trường. Còn những con ngựa non, khả năng sinh sản cao sẽ được duy trì cho nhân giống.

Hiện, Trang trại đang cai sữa cho 6 con ngựa non và mua thêm 2 con ngựa bạch đực từ Cao Bằng về bổ sung cho đàn. Do mới nhập về đàn, nên 2 chú ngựa bạch này vẫn bị cách ly để tiêm vắcxin và kiểm tra bệnh tật, sau một tháng mới cho nhập đàn. Không chỉ làm cẩn thận như vậy, mỗi khi ngựa con được sinh ra, chị Hằng đều cẩn thận nhốt riêng khỏi đàn, bổ sung thêm khẩu phần ăn cho ngựa mẹ bằng cám ngô, bột, rau, cỏ xanh…

Hiện nay, thị trường bán cao ngựa bạch của chị đã có mặt ở Hà Nội, Tp. HCM, Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh… Chính cao ngựa bạch của chị đã chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người.

 Trang trại Vạn An của chị giờ đã nổi tiếng khắp miền Bắc, vì đã góp phần rất lớn cùng Hội Thú y Việt Nam bảo tồn gen ngựa bạch tại Việt Nam.

… Và những ước mơ

Việt Nam còn rất nhiều nơi thuận lợi để nhân giống ngựa bạch, bởi ngựa bạch rất dễ thích nghi với mọi điều kiện thời tiết khí hậu, lại không bị long móng, lở mồm như trâu, bò… trong khi đó, thị trường tiêu thụ cao ngựa bạch lại đang rộng mở. Không chỉ thế, việc nuôi ngựa bạch có thể nhanh chóng góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân tại nhiều địa phương.

Chị Hằng tâm sự: “Chỉ cần 50 - 60 triệu đồng là có thể mua được cặp ngựa bố mẹ về nhân giống. Trang trại luôn sẵn sàng cung cấp ngựa giống cho người dân có nhu cầu và sẽ hướng dẫn cách chăm sóc, cũng như quá trình nấu cao ngựa bạch…”.

Ngựa bạch rất thích ăn tạp, hầu như tất cả các củ, quả, rau và cỏ. Vì vậy, tháng 2 vừa qua, đàn ngựa bạch đã “cứu cánh” cho hàng chục hộ nông dân địa phương trồng rau mà không tiêu thụ được. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, người quản lý trang trại cho biết: “Những ngày đó, tôi đã huy động hết công nhân trong trang trại đi thu mua rau, quả của người dân về cho ngựa ăn dần. Nhiều hộ dân cho rau mà không lấy tiền, nhưng trang trại vẫn trả theo giá thị trường. Không chỉ vậy, vào mùa thu hoạch ngô bãi, người nông dân thu hoạch bắp và trang trại đã mua hết thân cây ngô về làm thức ăn khô cho ngựa vào mùa lũ”.

Hàng năm, nước sông Hồng dâng cao khoảng 1 - 2 tháng. Khi đó,  trang trại ngập sâu trong nước, đàn ngựa phải nhốt trên chuồng cao và phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thức ăn khô. Vì vậy, hàng năm, trang trại phải mua hàng chục tấn thân cây ngô, cỏ voi, cỏ gà… về thái, phơi làm thức ăn khô cho ngựa.

Vừa qua, Công ty của chị Hằng đã nhân giống thêm được 11 con ngựa bạch non. Đây là kết quả của một quá trình miệt mài lao động, tìm cách bảo tồn gen và nhân giống ngựa bạch tại Công ty CP Hội Thú y Việt Nam, mà đứng đầu là Phó Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hằng.  

Sắp tới, Công ty của chị sẽ cho người lên Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn… tìm mua thêm ngựa bạch về nhân giống để sẽ đạt 100 con ngựa sinh sản vào năm 2010!.

Doanh thu hàng năm của trang trại lên tới hàng trăm triệu đồng. Không chỉ vậy, trang trại của chị luôn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động, với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng. Trang trại của chị là mô hình điểm của miền Bắc và là trang trại tư nhân nuôi ngựa bạch thành công duy nhất tại Việt Nam.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trang trại được thành lập từ năm 2004, nhưng không hiểu sao chị Hằng đã gửi đề án, kế hoạch xin giấy chứng nhận đã lâu mà tới nay, huyện Thanh Trì vẫn chưa cấp cho chị?!. Thiết nghĩ, để tạo điều kiện cho trang trại phát triển, các cơ quan chức năng cần xem xét, cấp giấy chứng nhận cũng như có chính sách quan tâm hơn để cùng trang trại bảo tồn giống gen ngựa bạch qúy hiếm đang có nguy cơ biến mất tại Việt Nam.

 

  • Tags: