Dự báo trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận nói chung và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm nói riêng sẽ có nhiều thời cơ, cơ hội mới để phát triển kinh tế-xã hội, đó là: những thành tựu về kinh tế-xã hội trong thời gian qua tiếp tục được phát huy, Quốc phòng, An ninh được giữ vững; đồng thời một số dự án đầu tư lớn mang tầm quốc gia sẽ được triển khai trên địa bàn (nhà máy điện hạt nhân, tuyến đường ven biển, đường cao tốc, đập hạ lưu sông Dinh,…), do đó việc khai thác tiềm năng về đất đai và vị thế thuận lợi của đô thị ven biển miền Trung của thành phố sẽ được nâng lên. Định hướng phát triển chung của thành phố trong thời gian tới là: 

Tập trung khai thác các tiềm năng về đất đai, lợi thế của đô thị ven biển miền Trung để phát triển kinh tế - xã hội, khai thác và huy động tốt các nguồn lực, tranh thủ sợ hỗ trợ của Trung ương, của Tỉnh; tạo môi trường thuận lợi thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển. Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “ Thương mại - Dịch vụ, Công nghiệp-Xây dựng, Nông nghiệp - Thủy Sản”; trong đó Thương mại - Dịch vụ là khâu đột phá, công nghiệp chế biến là động lực. Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa - xã hội. Tiếp tục đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng đô thị, tạo bước đột phá, quyết tâm xây dựng thành phố đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2015.

Mục tiêu phát triển tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 với các nội dung (kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng…). Cụ thể là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững theo mô hình kinh tế “xanh, sạch”.

a. Về kinh tế:
- Tốc độ tăng GDP đạt được 16 – 18% giai đoạn 2011-2015, 19 – 20% giai đoạn 2016-2020;
- GDP bình quân đầu người đạt 2.800 USD;
- Cơ cấu kinh tế theo GDP với tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, nông – lâm – thủy sản, dịch vụ là: 52%, 20% và 28%;
- Tốc độ tăng thu ngân sách giai đoạn 2011-2015 khoảng 17-18%, 19-20% giai đoạn 2016-2020;
- Tốc độ tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân 29-30%/năm giai đoạn 2011-2015 , 24-25% giai đoạn 2016-2020;
- Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 24-25%/năm; giai đoạn 2016-2020 khoảng 29-30%/năm;
- Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 260 ngàn tỷ đồng.

b. Về xã hội:
- Tốc độ tăng dân số tự nhiên giai đoạn 2011-2015 khoảng 1,15% và 1,1% giai đoạn 2016-2020;
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1,2% đến 1,5%/năm;
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, trong đó đào tạo nghề đạt trên 45%.

c. Về môi trường:
- Nâng độ che phủ rừng lên trên 45% vào năm 2015 và giữ độ che phủ 50% vào năm 2020;
- Cải thiện chất lượng môi trường;
- Bảo tồn, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học…

Tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Thuận đến năm 2030 là xây dựng tỉnh trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai, phát triển theo mô hình “tăng trưởng kinh tế gia tốc” dựa trên 4 trụ cột là nâng cao năng lực cạnh tranh; cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng; phát triển thương hiệu và tăng cường năng lực; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh. Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, có tính cạnh tranh cao, phát triển kinh tế - xã hội – môi trường theo hướng nhanh, bền vững… 

Các nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu, bao gồm: Tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; 

Huy động nguồn lực để tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; Phát triển nguồn nhân lực; Tập trung giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, trọng tâm công tác giảm nghèo ở các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Bảo vệ môi trường, phát triển theo mô hình kinh tế xanh, sạch để phát triển bền vững; Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Mở rộng hợp tác liên kết phát triển vùng, cả nước và hội nhập kinh tế quốc tế. 

Sự cam kết, hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả và ngày càng nhiều hơn của Trung ương; sự cải thiện nhanh chóng về hệ thống cơ sở hạ tầng; chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân… đang mở ra cho Ninh Thuận những cơ hội mới trong phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của người dân. 

Sự phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Thuận sẽ tập chung vào 4 lĩnh vực then chốt, đó là du lịch; nông-lâm nghiệp; công nghiệp chế tạo và năng lượng sạch; và cuối cùng là giáo dục, đào tạo. 

Về mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng của cả nước, Nhà nước đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận với quy mô công suất 4.000 MW. Nhà máy thứ nhất sẽ được khởi công vào năm 2014 và vận hành thương mại vào năm 2020. Ngoài ra, Ninh Thuận cũng xúc tiến thu hút đầu tư vào các dự án năng lượng gió, năng lượng mặt trời với tổng công suất từ 1.500 đến 2.000 MW, từng bước hình thành vùng trọng điểm năng lượng sạch của quốc gia. Phát triển loại hình thủy điện tích năng đầu tiên trên cả nước với quy mô 1.200 MW trên hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2020. 

Về du lịch, Ninh Thuận đang từng bước xây dựng các khu du lịch trọng điểm của cả nước và khu vực Đông Nam Á với nhiều loại hình du lịch độc đáo và chất lượng dịch vụ tốt, với mục tiêu đóng góp 8% GDP và giải quyết 10% lao động vào năm 2020. Tỉnh phấn đấu vào năm 2015 đón khoảng 1,3 – 1,4 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 15% là khách quốc tế.

  • Tags: