Theo báo cáo của các tỉnh, địa phương, năm nay thời tiết thuận lợi nên sản lượng nông sản vào mùa cao hơn năm ngoái, chất lượng nông sản đồng đều, nhiều vùng trồng có ứng dụng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng các tiêu chuẩn như Viet Gap, Global Gap… tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều nước khiến nhiều thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam ảnh hưởng đáng kể.
Trong khi đó, ngay tại thị trường trong nước, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam đã khiến một lượng lớn nông sản, thủy hải sản, trái cây đến mùa lên đến hàng triệu tấn gặp rất nhiều khó khăn trong đầu ra tiêu thụ. Thêm vào đó, do yếu tố dịch bệnh nên việc vận chuyển hàng hoá giữa các tỉnh, địa phương trên cả nước cũng rất hạn chế.
Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương cũng như các bộ, ban ngành từ Trung ương đến địa phương nhận định việc tìm đầu ra cho các sản phẩm địa phương, nông sản địa phương là việc làm cấp bách, từ đó sớm có phương pháp đồng hành, hỗ trợ cụ thể nhằm tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương trên phạm vi cả nước.
Với vai trò đầu mối của Bộ Công Thương về quản lý và phát triển thương mại điện tử, Bộ đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các Bộ ngành Trung ương như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như UBND các tỉnh, Sở ban ngành địa phương đã, đang và tiếp tục triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ, có ý nghĩa thiết thực, có hiệu quả và đóng góp tích cực giúp ổn định đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm nông sản của các địa phương trên cả nước.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các sàn thương mại điện tử tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn và kết nối thương mại cho các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã; đồng thời tổ chức các sự kiện, chương trình đặc biệt trên các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ các đặc sản của địa phương, góp phần đưa các sản phẩm này đến gần hơn với người tiêu dùng.
Từ ngày 12 - 14/04/2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Sàn thương mại điện tử Sendo tổ chức “Ngày Đặc sản Sơn La” với các chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã ở Sơn La và người tiêu dùng trên cả nước đối với các sản phẩm đặc sản của Sơn La.
Từ ngày 20 - 22/04/2021 đã diễn ra chương trình “Ngày hội xứ Dừa - Quê hương Bến Tre” với những ưu đãi đặc biệt dành cho doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã của Bến Tre như bưởi Giồng Trôm, hàng chục loại sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chế biến từ cây dừa được bán qua sàn thương mại điện tử. Theo số liệu thống kê, ngay trong những ngày đầu mở bán đã có hàng nghìn đơn hàng được bán ra trên khắp các tỉnh, thành phố.
Từ ngày 05/5/2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, Tổng công ty bưu chính Viettel Post tổ chức chương trình hỗ trợ tiêu thụ Hành tím Vĩnh Châu, chỉ sau gần 10 ngày đã hỗ trợ tiêu thụ được gần 200 tấn hành Vĩnh Châu.
Sau “Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ Vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021” do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức, sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã chính thức được mở bán ngay trên trang chủ với vị trí ưu tiên trên sàn thương mại điện tử Voso cùng chính sách giá ưu đãi, hấp dẫn.
Từ những ngày đầu tháng 6/2021, vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang lần đầu tiên chính thức phân phối trên cả 6 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam là Vỏ Sò, Sen Đỏ, Shopee, Tiki, Postmart, Lazada thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia".
Từ tháng 7/2021, tiếp nối thành công của các sự kiện “Phiên chợ nông sản Việt", Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp cùng sàn thương mại điện tử Sendo bắt đầu triển khai chương trình “Tuần lễ nông sản Việt" là hoạt động thiết thực, thường kỳ và liên tục nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân địa phương đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên kênh phân phối mới và tiếp cận phương thức bán hàng livestream cũng như từng bước xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm nông sản địa phương trên môi trường số.
Đầu tháng 8 khi bắt đầu tới mùa Nhãn lồng Hưng Yên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên liên tục phối hợp tổ chức Hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức, kết nối thương mại điện tử nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Theo đó, Sàn thương mại điện tử Sendo tiếp tục cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã để mở hướng đưa sản phẩm Nhãn lồng Hương Chi - Hưng Yên bán trên Sàn thương mại điện tử Sendo, Voso và Postmart.
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số thị trường tiêu thụ lớn các mặt hàng nông sản như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg đã ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ hàng hoá nói chung và mặt hàng nông sản nói riêng, đặc biệt là khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hoá theo phương thức thương mại điện tử.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các Sàn thương mại điện tử lớn đề nghị tăng cường hỗ trợ chuẩn bị nguồn hàng, xây dựng các chương trình bán hàng thiết yếu đảm bảo không đứt gãy nguồn cung hàng hóa, đồng thời khẩn trương làm việc với các Sàn thương mại điện tử Voso (Viettel Post), Sendo, Postmart, Tiki (Tiki Ngon) và các đối tác vận hành thương mại điện tử… để tổ chức hàng hóa, tăng cường nguồn hàng cho người dân khu vực thực hiện giãn cách.
Có thể nói, qua những kinh nghiệm triển khai và nỗ lực thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan và các địa phương, các Sàn thương mại điện tử trong cả nước triển khai thực hiện hết sức hiệu quả các chương trình kết nối thương mại điện tử.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết:
Trước bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều quốc gia; trong đó, có Việt Nam khiến nguồn cung đứt gãy, lưu thông hàng hoá gặp khó khăn. Chính vì vậy, hoạt động xúc tiến thương mại mặt hàng nông sản được triển khai tập trung vào việc chủ động cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hoá của các nước.
Cùng với đó, Cục Xúc tiến thương mại còn hỗ trợ kết nối trên môi trường số nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho các địa phương. Đặc biệt, việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên môi trường số và qua kênh thương mại điện tử cho các thương nhân đã có khoảng 5.200 lượt doanh nghiệp đa dạng các ngành hàng được tiếp xúc với các nhà nhập khẩu từ các thị trường thuộc 5 châu lục.
Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại còn kết nối đưa sản phẩm nông sản của các địa phương lên các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Sendo, Shopee, Tiki, Sendo, Postmart. Mặt khác, Cục còn phối hợp với các địa phương tổ chức hàng trăm hội nghị kết nối tiêu thụ, hội chợ triển lãm trên môi trường số.
Để đẩy mạnh hơn nữa xúc tiến thương mại trên môi trường số, tới đây Cục Xúc tiến thương mại tập trung vào các nhóm giải pháp ngắn hạn. Cụ thể như việc tăng cường cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử.
Thông qua các chương trình này, Cục dự kiến sẽ tổ chức 60 phiên tư vấn về các thị trường, khu vực thị trường xuất khẩu, mục tiêu hỗ trợ tối thiểu 600 lượt doanh nghiệp, hợp tác tiếp cận thông tin; tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo từng khu vực, theo nhóm ngành hàng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến; quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế…
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết:
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chủ trì và phối hợp với nhiều đơn vị thuộc Bộ Công Thương như Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức các hoạt động nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, ứng dụng thương mại điện tử.
Với việc kết hợp giữa thương mại truyền thống và hiện đại là bước đi hiệu quả và thiết thực vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa vừa phòng chống dịch COVID-19 trong hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Do có sự chuẩn bị sớm và chủ động, các chương trình hỗ trợ địa phương phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương, sản phẩm Việt uy tín qua thương mại điện tử, qua Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia đã được triển khai mạnh mẽ từ năm 2020.
Riêng trong năm 2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hỗ trợ thành công gần 20 địa phương cả nước tiêu thụ sản phẩm địa phương nói chung, nông sản tới vụ nói riêng qua việc phương thức phân phối kết hợp online - offline.
Chẳng hạn như, các chương trình thúc đẩy bán hàng nông sản, đặc sản vùng miền địa phương qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên các sàn thương mại điện tử đã được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các Sở Công Thương địa phương và các nền tảng thương mại điện tử lớn như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart triển khai chương trình Đặc sản Sơn La, Ngày hội xứ Dừa – Bến Tre, Phiên chợ Nông sản Việt, Tuần lễ Nông sản Việt, Chương trình đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Hải Dương, vải thiều Bắc Giang, Na Chi Lăng, Bưởi Phúc Trạch…
Bên cạnh đó, các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và hàng nghìn tấn nông sản xoài mận Sơn La, bơ Đắc Lắc, nho Ninh Thuận, lê Tai Nung Lào Cai, bưởi da xanh Bến Tre, sầu riêng RI6 Trà Vinh, hành tím Sóc Trăng, vải thiều Hải Dương, vải thiều Bắc Giang… đã được tổ chức tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử qua các mô hình thương mại điện tử khác nhau.Đáng lưu ý, trong Chương trình đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Bắc Giang đã có tới trên 9.000 tấn vải thiều được giao tới tay người tiêu dùng cả nước thông qua các sàn thương mại điện tử với gần 1 triệu đơn hàng (không kể các nền tảng xã hội khác).
Đặc biệt, lần đầu tiên mô hình kết hợp giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử đã được triển khai hết sức hiệu quả giữa BigC/Go! với Tiki; Vinmart, Foodmap với Lazada và đã được nhân rộng với các hình thức kết hợp ngày càng đa dạng, linh hoạt với tình hình thức tế.
Đơn cử như mới đây, nhằm tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân tại Hương Khê-Hà Tĩnh, trên 1.000 tấn bưởi Phúc Trạch đã được phối hợp và tiêu thụ qua các nền tảng thương mại điện tử.
Không dừng lại ở đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số còn liên tục phối hợp với các sàn thương mại điện tử nỗ lực lên các phương án tổ chức phân phối hàng một cách phù hợp, đảm bảo tối đa lượng cung hàng hóa thiết yếu cho người dân Tp. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội nhằm đảm bảo an toàn chống dịch. Bởi vậy, hàng loạt các Chương trình như Đi chợ tại nhà của Sendo, Đi chợ Online Lazada, Đi chợ hộ của Voso, Thực phẩm Bình ổn của Shopee hay các chương trình khác của Tiki, Postmart và các đối tác được triển khai mạnh mẽ.
Mặt khác, hàng trăm tấn nông sản, thực phẩm, nhu yếu phẩm được tiêu thụ mỗi ngày thông qua thương mại điện tử và chuyển phát thương mại điện tử đã góp phần “chia lửa” với các hệ thống siêu thị, hệ thống chợ bị phong tỏa mà người dân không tiếp cận được với phương thức mua sắm truyền thống.
Đặc biệt, với nhu cầu chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, ứng dụng thương mại điện tử ngày càng hiệu quả. Do đó, hàng loạt các hệ thống siêu thị như BigC, Aeon, Vinmart, Saigon Coop, Lottte Mart (kết hợp với Tiki) đã nhanh chóng xây dựng và phát triển các nền tảng thương mại điện tử để vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho địa phương vừa đẩy nhanh tiêu thụ hàng hoá theo phương thức hiện đại.