Nhìn nhận về tình hình xuất khẩu cá tra năm 2019 cũng như những tháng đầu tiên của năm 2020, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam phân tích: Giai đoạn 2017-2018 lợi nhuận cao nên năm 2019 các hộ nuôi và doanh nghiệp tập trung tăng sản lượng cá tra. Nguồn cung cao đã gây áp lực lên giá.
Suốt năm 2019, tiêu thụ cá tra khó khăn chủ yếu do xuất khẩu sang các thị trường truyền thống giảm mạnh, điển hình là thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, dự kiến trong tháng 2 tới, Mỹ sẽ công bố kết quả chính thức của đợt rà soát thuế chống bán phá giá cá tra lần thứ 15. Trước đó, cuối năm 2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam.
"Đó được xem là tín hiệu tốt để khôi phục xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp thì mức độ phục hồi vẫn chưa thực sự rõ nét", ông Quốc nói.
Với thị trường chủ lực khác của cá tra là Trung Quốc, ông Dương Nghĩa Quốc đánh giá: Lượng tiêu thụ cá tra ở thị trường Trung Quốc đã khởi sắc từ cuối năm 2019. Bước sang năm 2020, đặc biệt là dịp giáp Tết, nhu cầu ở thị trường này vẫn tiếp tục tăng.
Với những tín hiệu tích cực từ 2 thị trường Trung Quốc và Mỹ, dự báo xuất khẩu cá tra thời gian tới có thể tăng nhưng mức độ tăng chưa nhiều.
Dù dự báo xuất khẩu cá tra khả quan hơn, song ông Dương Nghĩa Quốc cũng nhấn mạnh áp lực cạnh tranh đặt ra cho ngành cá tra Việt ngày càng lớn.
Đó là bởi, Trung Quốc đã bắt đầu nuôi được cá tra. Ngoài ra, Trung Quốc cũng bắt đầu siết chặt hơn quản lý chất lượng và tiêu chuẩn cá tra, không còn là thị trường "dễ tính".
Ngoài Trung Quốc, một số quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh, Indonesia... cũng đã nuôi được cá tra. Sản lượng của các nước này gộp lại gần bằng sản lượng cá tra Việt Nam.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, thời gian tới các doanh nghiệp cần đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng.
"Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp cần liên kết với nhau, khắc phục tình trạng “mạnh ai người đó bán”, liên tục xả kho với bất cứ giá nào khiến giá cá tra ngày càng xuống thấp", vị Chủ tịch Hiệp hội Cá tra nói.
Cạnh tranh gia tăng khi xuất khẩu, nhiều quan điểm cho rằng thúc đẩy tiêu thụ cá tra tại thị trường nội địa đầy tiềm năng là hướng đi khả thi cho ngành hàng này. Liên quan tới vấn đề này, ông Dương Nghĩa Quốc nhìn nhận đây là hướng đi đúng đắn.
Giả sử mỗi người ăn 2 kg cá tra/năm, như vậy cả nước tiêu thụ được 200.000 tấn cá. Đạt được kết quả này, những áp lực từ các thị trường xuất khẩu sẽ giảm đi rất nhiều.
"Để phát triển ở thị trường trong nước, ngành cá tra cần có kênh phân phối mạnh. Nhà nước cần có những ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng phải thúc đẩy hơn nữa khâu truyền thông, xúc tiến thương mại để người tiêu dùng ngày càng quen thuộc với mặt hàng cá tra", ông Dương Nghĩa Quốc nhấn mạnh.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): Năm 2019, xuất khẩu ước đạt gần 2 tỷ USD, giảm 11,7% so với năm 2018. Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sụt giảm mạnh 49%, còn 282 triệu USD. Lý do bởi lượng tồn kho tại thị trường cao, nhu cầu nhập khẩu giảm, giá xuất khẩu trung bình bị ép xuống mức thấp hơn 30 – 35% so với năm 2018. Năm 2019, Mỹ chỉ còn chiếm 14% giá trị cá tra xuất khẩu của Việt Nam, tụt xa so với vị thế số 1 của Trung Quốc (chiếm trên 32%).