Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Xử lý 239 vụ vi phạm trong “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm”

Chỉ tính riêng trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024”, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 239 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 2,51 tỷ đồng.

Thực hiện Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 04/4/2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Văn bản số 716/TCQLTT-CNV ngày 03/4/2024 của Tổng cục Quản lý thị trường về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024”.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, yêu cầu các Đội Quản lý thị trường chủ động xây dựng, quyết liệt triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND Thành phố và chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Xử lý 239 vụ vi phạm trong “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm”
Các lực lượng chức năng của Hà Nội đang kiểm tra hàng hóa vi phạm

Chỉ tính riêng trong một tháng kiểm tra từ ngày 15/4 đến ngày 15/5/2024, Các Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã thực hiện  kiểm tra, xử lý 239 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt vi phạm hành chính 2,51 tỷ đồng. Xử lý buộc tiêu hủy hàng hóa, tang vật vi phạm 2,119 tỷ đồng.

Cụ thể, một số vụ việc vi phạm điển hình đã bị lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389Thành phố Hà Nội xử lý trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm".

Ngày 07/5/2024, Đội Quản lý thị trường số 24 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội 7, phòng Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (PC03) - Công an thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra đối với cơ sở tập kết kinh doanh hàng hoá do ông Nguyễn Văn Thắng là chủ cơ sở, địa chỉ: Số 115 đường Đồng Tiến, thôn Quyết Tiến, xã La Phù, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn cơ sở kinh doanh đang đưa ra lưu thông trên thị trường 1.260kg xúc xích (210 thùngx6kg/thùng)và 2.048,4kg (232 thùng) cánh gà đông lạnh nhập lậu, trị giá 308,5 triệu đồng.

Hiện vụ việc đang được trình Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 97,5 triệu đồng và buộc chủ cơ sở phải tiêu hủy toàn bộ thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.

Ngày 08/5/2024, Đội Quản lý thị trường số 14 phối hợp với Đội 6, Phòng Cảnh sát kinh tế - CATP Hà Nội kiểm tra container chứa hàng đang để tại bãi xe Tổ 21 xóm bãi, Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội do ông Lê Thế Kiên có địa chỉ tại  phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai là chủ.  Tại đây lực lượng chức năng đã  phát hiện 1.500kg nầm lợn và 400kg lạp xưởng nhập lậu không đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện vụ việc đang được các cơ quan phối hợp xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.

Ngày 20/5/2024, Đội Quản lý thị trường số 10 (huyện Mê Linh - Sóc Sơn) phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế - Môi trường (PC 03) Công an thành phố Hà Nội, Công an huyện Mê Linh kiểm tra một kho lạnh tại địa chỉ: Lô 11, khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại kho chứa hàng số lượng lớn thực phẩm động lạnh (11.900 kg dạ dày lợn, có nhãn chữ nước ngoài, do nước ngoài sản xuất, được chứa đựng trong 1190 thùng, loại 10 kg/thùng). Đại diện chủ hàng chưa xuất trình được các hóa đơn, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng trên. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng xác minh, xử lý vi phạm.

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Xử lý 239 vụ vi phạm trong “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm”

Qua những vụ việc vi phạm điển hình về an toàn thực phẩm trên, Cục Quản lý thị trường Hà Nội - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành Phố Hà Nội khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua thực phẩm nói chung, thực phẩm tươi sống, đông lạnh nói riêng tại các cơ sở kinh doanh, chế biến có đảm bảo về an toàn thực phẩm (siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng của các doanh ngiệp có uy tín trên thị trường).

Khi mua hàng yêu cầu người bán hàng xuất hóa đơn bán hàng và không nên tiêu dùng, sử dụng các sản phẩm thực phẩm không được bảo quản đúng cách, thực phẩm đã bị biến đổi, nấm mốc, ôi thiu nhất là tại các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm đường phố không đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.

Diệu Hân