Hội nghị được diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung.
Tham dự Hội nghị có ông Phạm Văn Hậu, Phó bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận, Ông Hồ Phước Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, các đơn vị chức năng của các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Giám đốc Sở Công Thương và trên 400 đại biểu từ 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung Tây Nguyên.
Hội nghị diễn ra sáng 19/8/2022, tại Ninh Thuận do Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ VIII, năm 2022, nhằm mục đích: Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị các đại biểu chủ động, tích cực đóng góp ý kiến cho Báo cáo của ngành Công Thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đồng thời tập trung thảo luận, trao đổi những kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các Sở, ngành ở địa phương, qua đó đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành Công Thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực.
Báo cáo kết quả hoạt động của ngành Công Thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Ông Võ Đình Vinh, Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận cho biết:
Mặc dù, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do các đợt dịch Covid-19 bùng phát với những biến chủng mới; sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, biến đổi khí hậu, thiên tai và xu hướng bảo hộ, xung đột thương mại tiếp tục gia tăng đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế, thương mại và đầu tư… của thế giới; nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp của khu vực vẫn duy trì ở mức tăng trưởng khá.
Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng.
Hoạt động thương mại phục hồi tăng trưởng tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khu vực miền Trung - Tây Nguyên 6 tháng đầu năm 2022 tăng 14,9%, cao hơn cả nước (11,7%); Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng toàn khu vực tăng trưởng cao (+28,2%).
Các tỉnh trong khu vực tăng cường tổ chức kết nối cung cầu, Hội chợ, phiên chợ, thực hiện tốt các giải pháp nhằm kích thích tiêu thụ tại thị trường nội địa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, giải phóng hàng tồn kho. Phối hợp Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa ổn định thị trường trong từng địa phương và khu vực.
Các tỉnh, thành phố trong khu vực đã quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, hệ thống kho tàng, bến cảng... đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng mặt bằng phát triển sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.
Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Công Thương được chú trọng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã chủ động triển khai kịp thời các chương trình, kế hoạch của Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố. Tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều thủ tục hành chính được rút ngắn, giảm thiểu thời gian cho người dân và doanh nghiệp.
Ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tập trung đẩy nhanh tái cơ cấu các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư… để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với bối cảnh mới của đất nước, trong khu vực và toàn cầu.
Quyết liệt thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; Đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa và phát triển thương hiệu Việt; phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng chống tham nhũng; lãng phí; xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp
Trên cơ sở dự báo kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm và tình hình thực tế, để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2022, ngành Công Thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên phấn đấu trong 6 tháng cuối năm đạt được các chỉ tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng bình quân chung của cả nước.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu 6 tháng cuối năm đạt 355.169,9 tỷ đồng, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm đạt 826.242,5 tỷ đồng, tăng 11,62% so với năm 2021, xấp xỉ bằng 100% kế hoạch năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu phấn đấu 6 tháng cuối năm đạt 6,03 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 14.412,2 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ và tăng 25,8% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu phấn đấu 6 tháng cuối năm đạt 4.794,9 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm đạt 10.643,6 tỷ USD, giảm 8,9% so cùng kỳ và tăng 10,1% kế hoạch.
Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên gồm 15 tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Tổng diện tích tự nhiên toàn khu vực là 108.907,6 km2, chiếm hơn 32,8% diện tích của cả nước, bao gồm vùng ven biển một phần Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với tổng chiều dài bờ biển hơn 1.456 km. Dân số của khu vực trên 16,8 triệu người, chiếm hơn 17% dân số cả nước.
Đây là khu vực có vị trí thuận tiện về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không để phát triển giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các tỉnh trong khu vực và với các nước như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á qua trục hành lang kinh tế Đông - Tây và hệ thống các Quốc lộ 9, 12, 14, 19, 24, 25, 29…
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú về rừng, núi, biển, đảo, vịnh nước sâu, đất đai, di sản văn hóa, di tích lịch sử… Đây là những tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế với các ngành công nghiệp chủ lực như: lọc hóa dầu, thủy điện, điện gió, điện mặt trời, công nghiệp đóng tàu; công nghiệp cơ khí, sản xuất thiết bị điện, điện tử, công nghiệp hỗ trợ; chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng…