Hội nghị công tác khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022 nhằm đánh giá tình hình thực hiện hoạt động khuyến công của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2022, phương hướng, biện pháp để hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2022, định hướng phát triển công tác khuyến công năm 2023, đề ra các biện pháp để hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả.
Đồng thời, hội nghị đẩy mạnh liên kết hợp tác, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mại, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn có cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao tỉ trọng công nghiệp.
Hội nghị công tác khuyến công được diễn ra dưới sự chủ trì của Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung, Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận Võ Đình Vinh và sự tham dự của trên 200 đại biểu từ 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 15 tỉnh, thành phố:
Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Tổng diện tích tự nhiên toàn khu vực là 102.035 km2, chiếm hơn 30% diện tích của cả nước, bao gồm vùng ven biển một phần Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây nguyên với tổng chiều dài bờ biển hơn 1.456 km. Dân số của khu vực trên 18 triệu người, chiếm hơn 21,2% dân số cả nước.
Chuỗi sự kiện ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022 diễn ra vào ngày 18-19 tháng 8 năm 2022 tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm bao gồm 4 nội dung: Hội nghị ngành Công Thương; Hội nghị công tác khuyến công; Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022; Lễ tôn vinh, trao Giấy chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022.
Theo báo cáo, tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2021 của 15 tỉnh, thành phố khu vực MT-TN là 48,79 tỷ đồng, đạt 95,24% so với kế hoạch năm (51,23 tỷ đồng). Trong đó:
Kinh phí khuyến công Quốc gia (KCQG): Tổng kinh phí thực hiện là 11,07 tỷ đồng, đạt 99,37% so với kế hoạch (11,14 tỷ đồng); so sánh với tổng kinh phí thực hiện KCQG toàn quốc năm 2021 (75,23 tỷ đồng) chiếm 14,71% và chiếm 22,68% kinh phí khuyến công toàn vùng.
Kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP): Tổng kinh phí thực hiện là 37,73 tỷ đồng, đạt 94,11% so với kế hoạch (40,09 tỷ đồng), chiếm 23,76% tổng kinh phí thực hiện KCĐP của cả nước năm 2021 (158,79 tỷ đồng) và chiếm 77,32% kinh phí khuyến công toàn vùng. Một số địa phương bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương ở mức khá trong khu vực cho hoạt động khuyến công là: Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Bình,... Địa phương có sự quan tâm đẩy mạnh hỗ trợ kinh phí đối với năm 2021: Gia Lai, Quảng Ngãi.
Theo báo cáo của Cục Công Thương Địa phương, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2022 được duyệt của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên (MT- TN) là 72,8 tỷ đồng, cao hơn 42,11% so với kế hoạch năm 2021 (51,23 tỷ đồng), trong đó:
Kinh phí KCQG giao theo kế hoạch 29,21 tỷ đồng, chiếm 20,86% tổng kinh phí KCQG năm 2022 (140 tỷ đồng) và chiếm 40,12% kinh phí khuyến công toàn vùng
Kinh phí KCĐP giao theo kế hoạch 43,59 tỷ đồng, chiếm 23,06% tổng kinh phí KCĐP đã được giao kế hoạch năm 2022 (189 tỷ đồng) và chiếm 59,88% kinh phí khuyến công toàn vùng.
7 tháng đầu năm 2022, kinh phí toàn vùng đã thực hiện đạt 20,7 tỷ đồng, đạt 28,44% kế hoạch năm, so với tỷ lệ thực hiện 7 tháng đầu năm 2021 cao hơn 62,15%. Trong đó: Kinh phí KCQG đã triển khai thực hiện 3,54 tỷ đồng đạt 12,11% kế hoạch năm; Kinh phí KCĐP 17,17 tỷ đồng đạt 39,38% kế hoạch năm.