Báo cáo đoàn tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV Ngô Tố Ninh cho biết, công ty rất quan tâm triển khai thực hiện các nghị quyết do Bộ Chính trị đề ra.
Điển hình như về thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Từ năm 2019, công ty đã tập trung xây dựng phương án và triển khai tin học hóa, tự động hóa (THH, TĐH) theo hướng tiên tiến, hiện đại, phù hợp với thực tế vận hành.
Đến năm 2024, công ty tiếp tục phối hợp cùng các tập đoàn công nghệ lớn như Honeywell, Viettel… tập trung xây dựng đề án chuyển đổi số. Công ty cũng từng bước phát triển, hiện đại hóa, tăng tính tự động hóa của hệ thống nhằm tối ưu hóa vận hành, kiểm soát tốt tiêu hao nguyên vật liệu.
Các nội dung nổi bật được công ty thực hiện như: kết nối các hệ thống điều khiển, giám sát tại các khu vực trong nhà máy; tự động hóa vận hành lò hơi Phân xưởng Nhiệt điện; tự động hóa vận hành 12 lò sinh khí thuộc Phân xưởng Khí hóa than; thiết lập các vòng lặp điều khiển tự động lò nung, khu vực hòa tách, kết tinh, cô đặc và hiệu chỉnh dung dịch...
“Những gì có thể tối ưu hóa, tự động hóa, công ty đều chủ động thực hiện. Bây giờ nhà máy có rất ít lao động thủ công”, ông Ninh chia sẻ.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được công ty cụ thể hóa dưới nhiều kết quả khác nhau.
Đến nay, sản lượng alumin quy đổi tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ đạt 708.000 tấn/năm; doanh thu giao khoán bình quân đạt 3.123 tỷ đồng/năm; lợi nhuận giao khoán đạt 155 tỷ đồng/năm; nộp ngân sách Nhà nước đạt 327 tỷ đồng/năm.
Tại buổi làm việc, nhiều nội dung liên quan tới hoạt động của Nhà máy Alumin Nhân Cơ được các đơn vị chia sẻ như: vấn đề giải phóng mặt bằng khai thác bô xít; bố trí tái định cư; cơ chế giải phóng mặt bằng khi địa phương muốn ứng trước tiền; vấn đề thương mại cho sản phẩm alumin; hoàn thổ sau khai thác bô xít…
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển ghi nhận những kết quả đạt được của dự án khai thác bô xít tại Đắk Nông. Hiệu quả về khai thác bô xít tại Đắk Nông chứng minh sự đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta khi triển khai thí điểm các dự án bô xít tại Tây Nguyên.
Với những kiến nghị đã nêu, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp nhận và có thông tin với các bộ, ngành trong thời gian tới. Trong đó, vấn đề về điện, Ban Kinh tế Trung ương sẽ có những đề xuất làm sao có cơ chế thuận lợi nhất, đi trước một bước, giúp cho ngành công nghiệp bô xít-alumin-nhôm phát triển.
Các đơn vị cũng cần có thêm những đánh giá tổng thể về hạ tầng giao thông, điện, nước… để có những kiến nghị lên Trung ương. Tiếp đó là việc xây dựng mô hình vận hành chung của hệ thống.
Bởi vì hiện nay, mới có 2 dự án khai thác bô xít là Đắk Nông và Lâm Đồng. Sắp tới, khi mở rộng quy hoạch sẽ có thêm nhiều dự án mới được triển khai. Vì vậy, rất cần có những đánh giá mang tính đồng bộ và có định hướng để hình thành một tổ hợp lớn về bô xít hiệu quả.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển mong muốn các bộ, ngành, chính phủ tiếp tục quan tâm cho các dự án bô xít tại Đắk Nông và các dự án tiếp theo của TKV.