Sự tăng tốc liên tục của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 5 năm qua là điều hết sức đáng mừng, thể hiện sức mua của thị trường trong nước đã gia tăng mạnh mẽ, tạo nguồn động lực mạnh hơn thúc đẩy sản xuất phát triển. Song, thực tế ấy đáng mừng, nhưng cũng đáng lo. Tuy thị trường bán lẻ nước ta liên tục sôi động, nhưng tốc độ tăng trưởng vượt trội cũng chỉ đạt 7,79% (năm 2004) và 8,43% (năm 2005), chủ yếu là dựa vào sự tăng tốc của thị trường hàng hóa đầu ra, còn lại là xuất khẩu và đầu tư. Mặt khác, trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO cũng đồng nghĩa với việc sẽ phải mở cửa thị trường bán lẻ trong nước và đương nhiên sẽ xuất hiện nhiều tập đoàn lớn vào Việt Nam, rất có thể còn xuất hiện thêm những điều đáng lo khác.
Cửa hàng tạp hóa trong nước sẽ bị “xóa sổ”?
Tại hội nghị bàn tròn về phát triển mạng lưới phân phối hiện đại do Saigon Times Club tổ chức, đơn vị bán lẻ Sài Gòn Co.op Mart, SATRA và hệ thống bán lẻ G7 Mart đều có chung quan niệm: “Chúng ta cứ lo cho sản xuất mà quên rằng chính hệ thống bán lẻ mới là ngành bị đe dọa dữ dội khi gia nhập WTO”.
Trong thời điểm hiện nay, các nhà bán lẻ như Sài Gòn Co.op Mart, SATRA, City Mart, Maximart đã cạnh tranh vất vả với hai đại gia Big C và Metro Cash & Carry. Hệ thống các cửa hàng nhỏ lẻ, các tiệm tạp hóa gia đình (chiếm đến 90% kênh bán lẻ) sẽ ra sao? Một số người cho rằng, mô hình kinh doanh truyền thống cần phải thay đổi toàn diện về quy mô lẫn phương thức kinh doanh chứ không thể có gì bán nấy, hàng hóa lẫn lộn như hiện nay. Theo đó, các cửa hàng bán lẻ phải chuyên bán thực phẩm hay quần áo, văn phòng phẩm… với cách thức bán hàng nhanh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp hơn. Hệ thống G7 Mart được ông Đặng Lê Nguyên Vũ xây dựng dựa trên nền là các cửa hàng đang hoạt động hiệu quả. Các cửa hàng sẽ có bảng hiệu mặt tiền cùng kiểu, cách thức trưng bày tiện dụng và phong cách phục vụ chuyên nghiệp như nhau.
Đứng trước sự sống còn của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trước thời mở cửa, các doanh nghiệp phải tự cứu mình trước khi Nhà nước có biện pháp. Ông Trần Du Lịch-Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM cho biết: “Doanh nghiệp tự cứu lấy mình bằng cách phải tổ chức lại hệ thống phân phối và học hỏi từ cách tổ chức của Metro Cash & Carryï qua việc cung ứng, giá cả, đảm bảo chất lượng…”
Những cửa hàng tạp hóa sẽ còn tồn tại hay không? Theo nhận định của ông Lê Trí Thông, thạc sĩ quản trị kinh doanh, đồng thời là chủ nhiệm dự án “Hỗ trợ phát triển mạng lưới bán lẻ Việt Nam” (vừa được UBND TP.HCM phê duyệt), thì: “Trong vòng 5 năm sau khi gia nhập WTO, ở các thành phố lớn, 30% số cửa hàng trên sẽ biến mất! Ở các tỉnh và vùng nông thôn sẽ chậm hơn, nhưng cũng không tránh khỏi quy luật đào thải này!”. Điều đó cũng có nghĩa là, một khi ý thức người tiêu dùng nâng cao, họ sẽ tự tìm đến những “cửa hàng chuyên môn hóa”.