Hiện nay, Bình Phước đang chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án giao thông kết nối liên vùng tạo động lực phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước (Ban QLDA) phát huy chức năng nhiệm vụ, tập trung triển khai hiệu quả vốn đầu tư công để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9%. Trên cơ sở đó, năm 2024, tỉnh tiếp tục kế thừa thành tựu, khắc phục hạn chế, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế xã hội, trong đó tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án giao thông tạo lực kết nối liên vùng để phát triển kinh tế xã hội, đồng thời hoàn thiện mạng lưới giao thông thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực, khai thác tối đa tiềm năng của tỉnh.
Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác đầu tư xây dựng hệ thống các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Ban QLDA hoạt động với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện tốt chức năng quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình của tỉnh Bình Phước. Một số dự án đang được Ban QLDA tập trung thực hiện có thể kể đến như: đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành; cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; xây dựng Đường giao thông phía Tây QL13 đoạn Chơn Thành - Hoa Lư tỉnh Bình Phước; xây dựng đường phía Tây QL13 kết nối Bàu Bàng; nâng cấp, mở rộng ĐT.753 kết nối với sân bay quốc tế Long Thành Đồng Nai và cảng Cái Mép, Thị Vải Bà Rịa Vũng Tàu.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư, Ban QLDA đã tăng cường quản lý đầu tư công, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị thực hiện dự án, bám sát và thực hiện theo quy hoạch được duyệt, nâng cao tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án. Đơn vị tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương trong triển khai thực hiện dự án; chú trọng công tác theo dõi, đánh giá thực hiện đối với các dự án được giao trong kế hoạch đầu tư công; quản lý tốt chất lượng công trình, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để đưa công trình vào khai thác sử dụng và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án.
Ban quản lý đã kiểm tra, rà soát từng dự án, đặc biệt là các dự án khởi công mới, kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, phạm vi, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, định hướng, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư, kết quả đầu ra của từng dự án. Nhờ vậy, công tác quản lý dự án ngày càng tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư các dự án.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Ban QLDA ĐTXD tỉnh Bình Phước: Trong quá trình thực hiện dự án, Ban quản lý luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và sự quan tâm phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương trong trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các dự án quan trọng, các dự án trọng điểm, góp phần thực hiện có hiệu quả các dự án.
Thời gian tới, Ban QLDA sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về tổ chức quản lý dự án xây dựng công trình, nâng cao công tác lựa chọn và quản lý nhà thầu, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, trong đó tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các công trình đang triển khai thi công để sớm hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, nhất là các dự án giao thông quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn, lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước như: Dự án Xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước; Xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).