1) Khái niệm cụm công nghiệp làng nghề
Ở Việt Nam, các làng nghề được hiểu theo nhiều cách khác nhau và có nhiều tên gọi khác nhau. Các làng nghề thường được coi là nơi sản xuất các sản phẩm đơn giản, có tính chất truyền thống, với cách thức thủ công chủ yếu bằng tay hoặc sử dụng những công cụ sản xuất, máy móc thiết bị hết sức thô sơ. Chính vì vậy, các làng nghề thường được gọi tên là làng nghề thủ công, làng nghề truyền thống, hay làng nghề thủ công truyền thống (Trần, 1996; Bùi, 1998).
Gần đây, tên gọi cụm công nghiệp làng nghề (CCNLN) đã được sử dụng cho các làng nghề. Tuy nhiên, tên gọi này thường được sử dụng để mô tả một khu vực hạ tầng kỹ thuật nhất định được xây dựng, nhằm quy tụ các cơ sở sản xuất trước đây vốn nằm trong khu dân cư của các làng nghề.
Sự hình thành các CCNLN ở Việt Nam thường có tính tự phát và có lịch sử lâu đời. Tại sao các CCNLN đã và vẫn tiếp tục tồn tại là một câu hỏi cần được giải đáp.
Các cơ sở sản xuất trong CCNLN nằm ngay cạnh nhau, nên những thông tin mới về sản phẩm, quy trình sản xuất, công nghệ, và thị trường lan toả rất nhanh chóng giữa các cơ sở này. Nói cách khác, các cơ sở nằm trong CCNLN dễ dàng tiếp cận và sao chép những cải tiến về sản phẩm, quy trình sản xuất, kênh phân phối sản phẩm của các cơ sở khác.
Vì có một lượng cầu lớn các sản phẩm trung gian từ nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm cuối cùng trong CCNLN, nên nhiều cơ sở có thể tập trung chuyên môn hoá sản xuất các sản phẩm trung gian. Ngược lại, do có thể dễ dàng mua các sản phẩm trung gian trong CCNLN, nên nhiều cơ sở có thể tập trung sản xuất sản phẩm cuối cùng. Vì vậy, sự chuyên môn hoá và phân công lao động giữa các cơ sở sản xuất được hình thành.
Vì có thể dễ dàng tìm được việc làm do nhu cầu lao động trong CCNLN lớn, nên công nhân, kỹ sư, hoặc thậm chí cả người quản lý đều tìm đến. Nhờ đó, các cơ sở sản xuất có thể dễ dàng tuyển dụng được lao động có tay nghề cao. Chính vì vậy, các CCNLN tạo điều kiện cho thị trường lao động tay nghề cao phát triển. Trên thực tế, ngay ở làng nghề dệt len La Phù, nơi việc giao hàng cho các cơ sở vệ tinh ở các làng khác đóng vai trò quan trọng, một số lượng lớn lao động, kể cả chân tay đơn thuần và có kỹ năng cao, hàng ngày đổ dồn từ các nơi khác tới làm việc. Không những vậy, nhiều cơ sở sản xuất còn di chuyển cả trụ sở và nhà máy từ Hà Nội về La Phù để có thể dễ dàng tuyển dụng lao động và tận dụng những lợi ích khác của CCNLN.
Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, những lợi ích mà các CCNLN đem lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều này không chỉ là do các cơ sở sản xuất trong các CCNLN có quy mô nhỏ và vừa với nhiều bất lợi vốn có, mà còn do những yếu tố lịch sử để lại.
2) Giới thiệu mô hình phát triển công nghiệp dựa trên cụm công nghiệp của Sonobe và Otsuka và ý nghĩa đối với CCNLN ở Việt Nam
Qua nghiên cứu các cụm công nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm dệt may, sản xuất xe máy, thiết bị điện gia dụng, và bản mạch điện tử tại các nước và vùng lãnh thổ Đông Á bao gồm Nhật Bản, Đài Loan, và Trung Quốc, hai nhà kinh tế học Sonobe và Otsuka tại Cơ quan nghiên cứu cao cấp về phát triển quốc tế (FASID), Nhật Bản, đã phát hiện ra sự tương đồng đáng kinh ngạc trong quá trình phát triển của các cụm công nghiệp này và đã xây dựng một mô hình phát triển công nghiệp dựa trên cụm công nghiệp. Mô hình này có thể tóm tắt như sau. Các cụm công nghiệp phát triển qua ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn “khởi đầu”. Trong giai đoạn này, một số doanh nghiệp đi tiên phong nhưng mò mẫm trong việc sao chép để sản xuất các sản phẩm giống như các sản phẩm nhập khẩu. Nếu các doanh nghiệp này thành công và quy trình sản xuất được định hình, thì các doanh nghiệp khác sẽ sao chép sản phẩm cũng như quy trình sản xuất của các doanh nghiệp tiên phong. Vì việc sao chép từ các doanh nghiệp tiên phong dễ dàng hơn nhiều so với sao chép các sản phẩm nhập khẩu, nên rất nhiều doanh nghiệp mới sẽ gia nhập. Khi số lượng các doanh nghiệp tăng lên nhanh chóng cũng là lúc cụm công nghiệp chuyển sang giai đoạn “mở rộng về mặt số lượng”. Do số lượng các doanh nghiệp cũng như cung các sản phẩm (giống nhau do sao chép) tăng lên nhanh chóng, giá bán của sản phẩm sẽ giảm và do đó lợi nhuận của doanh nghiệp giảm. Vì lợi nhuận giảm nên một số doanh nghiệp sẽ tiến hành cải tiến sản phẩm, ví dụ sản xuất các sản phẩm chất lượng cao hơn, nhằm tăng lợi nhuận. Muốn vậy, các doanh nghiệp này phải sử dụng các nguyên liệu đầu vào có chất lượng tốt hơn và phải cải tiến quy trình sản xuất. Để làm cho sản phẩm của mình không bị nhầm lẫn với các sản phẩm tương tự, nhưng có chất lượng thấp hơn, các doanh nghiệp này cũng sẽ tìm cách để khách hàng có thể dễ dàng nhận ra sản phẩm của mình bằng cách gắn nhãn mác cho sản phẩm, mở các cửa hàng riêng, hoặc bán hàng thông qua các đại lý độc quyền. Tất cả các cải tiến này có tính toàn diện và được tiến hành đồng thời. Khi các doanh nghiệp thực hiện thành công các cải tiến toàn diện này, cụm công nghiệp sẽ chuyển sang giai đoạn thứ ba “giai đoạn cải tiến chất lượng”.
Trong mô hình này, hai nhà kinh tế học nhấn mạnh ý nghĩa của sự chuyển đổi từ giai đoạn hai sang giai đoạn ba đối với các nước đang phát triển. Cụm công nghiệp sẽ chuyển từ giai đoạn hai sang giai đoạn ba khi lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm sút do sự cạnh tranh của các doanh nghiệp khác mới gia nhập và do sự sao chép sản phẩm tràn lan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ không thể tiến hành các cải tiến toàn diện và cụm công nghiệp sẽ không thể chuyển sang được giai đoạn ba nếu như trong giai đoạn hai, chúng không thu hút được một nguồn nhân lực đa dạng bao gồm công nhân lành nghề, các kỹ sư, các nhà doanh nghiệp, và các thương nhân. Đây là nhân tố mấu chốt quyết định sự chuyển đổi và phát triển của cụm công nghiệp. Nói cách khác, nếu nguồn nhân lực chất lượng cao không tồn tại, các cụm công nghiệp sẽ bị bế tắc ở giai đoạn hai. Điều đó lý giải tại sao nhiều cụm công nghiệp ở các nước đang phát triển không thể chuyển sang được giai đoạn ba để phát triển. Nguồn nhân lực này phụ thuộc vào trình độ học vấn nói chung của cả quốc gia cũng như truyền thống sản xuất và kinh doanh của quốc gia đó. Nghiên cứu các cụm công nghiệp nói trên, Sonobe và Otsuka đều tìm thấy một điểm chung nhất là những chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn cao đều là những người đi đầu tiến hành các cải tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh và do đó, mở rộng quy mô nhanh nhất.
Mô hình phát triển công nghiệp dựa trên cụm công nghiệp của Sonobe và Otsuka có thể không phản ánh toàn bộ những gì đã và đang diễn ra ở các CCNLN ở Việt Nam. Cụ thể là giai đoạn hình thành các CCNLN ở Việt Nam có thể không bắt đầu từ quá trình sao chép các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Thế nhưng phần cốt lõi của mô hình, quá trình cụm công nghiệp chuyển từ giai đoạn mở rộng về mặt số lượng sang giai đoạn cải tiến chất lượng, có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoạch định chính sách thúc đẩy sự phát triển của các CCNLN hiện có ở Việt Nam. Trên thực tế, nhiều CCNLN hiện đã chuyển sang sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại để sản xuất các sản phẩm mới, các sản phẩm chất lượng cao. Trong các CCNLN này, các cơ sở sản xuất đã không ngừng cải tiến sản phẩm, quy trình sản xuất, và marketing đúng như mô hình của Sonobe và Otsuka. Nói tóm lại, mô hình phát triển cụm công nghiệp của Sonobe và Otsuka có ý nghĩa hết sức quan trọng để có thể hiểu được quá trình phát triển của các CCNLN ở Việt Nam. Đồng thời, mô hình này cũng là một khung lý thuyết quan trọng nhằm phân tích các nhân tố tác động tới sự phát triển của CCNLN ở Việt Nam, để có thể đưa ra các chính sách thúc đẩy thích hợp.
Tuy nhiên, để có thể đưa ra các chính sách cụ thể và hữu hiệu thúc đẩy sự phát triển của các CCNLN, cần phải có các nghiên cứu cụ thể ở Việt Nam. Hai câu hỏi lớn mà những nghiên cứu này cần phải trả lời là: 1) Các cơ sở sản xuất trong các CCNLN đã tiến hành các cải tiến như thế nào; và 2) Những nhân tố nào tác động tới các cải tiến đó. Để trả lời cho những câu hỏi này, những nghiên cứu định lượng dựa trên các cuộc điều tra thực địa sâu ở các CCNLN là rất cần thiết. Đây là một hướng nghiên cứu vẫn còn bỏ ngỏ nhưng đầy triển vọng. Trong các nghiên cứu tiếp theo, tác giả hy vọng sẽ có thể cung cấp những bài viết theo hướng này.
Tài liệu tham khảo:
Brenner, Thomas. (2004) Local Industrial Clusters: Existence, Emergence, and Evolution (London: Routledge).
Bùi, Văn Vượng. (1998) Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam (Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc).
DiGregorio, Michael. Robert. (2001) Iron Works: Excavating Alternative Futures in a Northern Vietnamese Craft Village, PHD Dissertation, University of California, Los Angeles.
JICA (Japan International Cooperation Agency), 2004. The Study on Artisan Craft Development Plan for Rural Industrialization in The Socialist Republic of Vietnam. JICA, Hanoi.
Marshall, Alfred. (1920) Principles of Economics: An Introductory Volume (London: Macmillan).
McIntyre, Robert. J., và Dallago, Bruno. (2003) Small and Medium Enterprises in Transitional Economies (New York: Palgrave Macmillan).
Nguyễn, Đình Phan. (2005) “Phát Triển Cụm Công Nghiệp Làng Nghề Trong Quá Trình Hội Nhập,” Tạp Chí Công Nghiệp, kỳ 1, 7/2005, 28.
Schmitz, Hubert. (1992) “On Clustering of Small Firms,” IDS Bulletin, 23(3), 64-69.
Schmitz, Hubert., và Nadvi, Khalid. (1999) “Clustering and Industrialization: Introduction,” World Development, 27, 1503-1514.
Sonobe, Tetsushi., và Otsuka, Keijiro. (2006) Cluster-Based Industrial Development: An East Asian Model (New York: Palgrave Macmillan).
Swann, Gavin. P., và Prevezer, Martha. (1996) “A Comparison of the Dynamics of Industrial Clustering in Computing and Biotechnology,” Research Policy, 25, 1139-1157.
Tạ, Long., Trần, Thị Hồng Yến., và Nguyễn, Thị Thanh Bình. (2006) Sự Phát Triển Của Làng Nghề La Phù (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội).
Trần, Quốc Vượng., và Đỗ, Thị Hảo (1996) Nghề Thủ Công Truyền Thống Việt Nam và Các Vị Tổ Nghề (Hà Nội: Nhà xuất bản văn hoá dân tộc).