TÓM TẮT:
Phân tích báo cáo tài chính là quá trình vận dụng các phương pháp và kỹ thuật phân tích để đánh giá thực trạng năng lực tài chính, xu hướng diễn biến các hoạt động tài chính doanh nghiệp thông qua các thông tin được trình bày trên báo cáo tài chính, cung cấp cho nhà quản lý và các đối tượng quan tâm cơ sở để đánh giá, dự đoán về tài chính của doanh nghiệp. Phân tích báo cáo tài chính không những phục vụ những đối tượng đang quản trị điều hành doanh nghiệp, mà còn cung cấp những thông tin cho các đối tượng quan tâm đến tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp, như: các chủ nợ, cổ đông và các đối tác đầu tư tiềm năng.
Từ khóa: Phân tích báo cáo tài chính, năng lực, xu hướng, hoạt động tài chính.
1. Những thách thức tiềm ẩn trong phân tích báo cáo tài chính
Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp niêm yết và doanh nghiệp nhà nước đều quan tâm đến phân tích báo cáo tài chính nhằm phục vụ việc điều hành doanh nghiệp cũng như minh bạch hóa, để thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, đa phần doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, không đủ nguồn lực tài chính lẫn nhân lực để thực hiện phân tích báo cáo tài chính và nếu có tiến hành phân tích báo cáo tài chính thì cũng rất sơ sài, chủ yếu vẫn là do bộ phận kế toán thực hiện. Bên cạnh đó, việc phân tích báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức tiềm ẩn khác, có thể gây ra tác động làm sai lệch kết quả phân tích:
Một là, lạm phát có thể ảnh hưởng và làm sai lệch thông tin tài chính được ghi nhận trên các báo cáo tài chính khiến việc tính toán và phân tích trở nên sai lệch, có thể sẽ gây ảnh hưởng đến giá trị của dòng tiền, làm cho dòng tiền ở các năm khác nhau, sẽ có một thời giá tiền tệ khác nhau. Điều này làm cho việc so sánh, phân tích số liệu giữa các năm có sự sai lệch.
Hai là, phân tích báo cáo tài chính sẽ trở nên đầy đủ và có ý nghĩa hơn nếu có hệ thống chỉ tiêu trung bình ngành. Thông qua chỉ tiêu trung bình ngành, nhà quản lý tài chính sẽ so sánh đối chiếu để biết được vị thế của doanh nghiệp mình, từ đó đánh giá thực trạng tài chính của doanh nghiệp cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, thực tế phân tích ở Việt Nam chưa đưa ra được hệ thống chỉ tiêu trung bình ngành để đối chiếu, so sánh. Điều này, làm giảm đi phần nào ý nghĩa trong việc đánh giá tình hình tài chính công ty.
Ngoài ra, các yếu tố thời vụ cũng làm ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của công ty và khiến cho các tỷ số tài chính có khuynh hướng thay đổi bất thường. Do đó, phân tích báo cáo tài chính thường có ý nghĩa nhất trong các công ty nhỏ và không có hoạt động đa ngành.
Ba là, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Việt Nam không tách bạch rõ ràng các khoản chi phí tiền thuê và lãi vay, nên ít khi các nhà phân tích sử dụng tỷ số đo lường khả năng thanh toán lãi vay và khả năng trả nợ.
Bốn là, dù đã có nhiều nỗ lực song mức độ tin cậy của số liệu trên báo cáo tài chính không cao. Phân tích báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp Việt Nam ít khi được tiến hành vì mục đích đánh giá và kiểm soát bởi các nhà quản lý trong nội bộ doanh nghiệp, mà chủ yếu lại do ngân hàng hay công ty chứng khoán thực hiện. Bên cạnh đó, kể cả các báo cáo tài chính đã qua kiểm toán, thì kết quả phân tích và đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp thông qua phân tích báo cáo tài chính thường chỉ có giá trị tham khảo, hơn là phản ánh đúng thực trạng.
Với nội dung phân tích gắn với hệ thống các chỉ tiêu tài chính cơ bản sử dụng khi phân tích báo cáo tài chính, có thể nói, hoạt động phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp hiện nay trong các doanh nghiệp chưa thể thỏa mãn được nhu cầu thông tin của các đối tượng khách hàng. Điều này, một mặt do hệ thống chỉ tiêu cơ bản phản ánh tình hình tài chính doanh nghiệp được sử dụng để phân tích còn quá sơ sài, đơn giản; mặt khác, do những hướng dẫn liên quan đến cách thức tính toán từng chỉ tiêu không rõ ràng, thiếu cụ thể nên phần lớn trị số của các chỉ tiêu do doanh nghiệp xác định (đã được kiểm toán) đều không chính xác.
Có thể khái quát những tồn tại về nội dung phân tích báo cáo tài chính hiện hành trong các công ty kiểm toán độc lập trên các mặt chủ yếu sau:
- Sự thiếu đầy đủ của hệ thống thông tin phân tích báo cáo tài chính
Có thể thấy, những chỉ tiêu tài chính cơ bản mà các công ty quen sử dụng để phản ánh tình hình tài chính về thực chất chỉ là những chỉ tiêu sử dụng để đánh giá khái quát tình hình tài chính của doanh nghiệp chứ không thể phản ánh đầy đủ thực trạng tài chính và an ninh tài chính của doanh nghiệp. Bởi vì, với những chỉ tiêu tài chính cơ bản này, các nhà quản lý, các nhà đầu tư, các nhà tín dụng,... không thể biết được liệu doanh nghiệp đang được xem xét có lâm vào tình trạng phá sản hay không. Thực tế cho thấy, có khá nhiều doanh nghiệp mặc dầu huy động vốn trong kỳ rất tốt, mức độ độc lập tài chính khá cao, khả năng thanh toán nợ ngắn hạn bảo đảm và khả năng sinh lợi của vốn cao, nhưng cũng chính doanh nghiệp đó đang lâm vào tình trạng phá sản vì không có khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn đã có văn bản đòi nợ của chủ nợ.
- Sự thiếu thống nhất về nội dung phân tích báo cáo tài chính
Hầu như nội dung phân tích báo cáo tài chính chủ yếu dựa vào nội dung cùng với các chỉ tiêu tài chính cơ bản do các doanh nghiệp phản ánh trên báo cáo tài chính. Những nội dung này hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức của các cán bộ kế toán tại các công ty và do vậy, hệ thống chỉ tiêu tài chính cơ bản được sử dụng cũng không giống nhau. Sự thiếu thống nhất về chỉ tiêu tài chính cơ bản sử dụng để phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp khiến cho việc so sánh, đánh giá tình hình tài chính giữa các doanh nghiệp hết sức khó khăn.
- Sự thiếu chính xác của các chỉ tiêu phản ánh
Có thể nói, đây là tồn tại khá phổ biến trên các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp (kể cả các báo cáo tài chính đã được các công ty kiểm toán có uy tín kiểm toán). Việc xác minh tính chính xác của các chỉ tiêu này ít khi được kiểm toán viên thực hiện.
Điểm đặc trưng khi thu thập thông tin trên các báo cáo tài chính là chưa phân biệt được bản chất của các chỉ tiêu. Chính vì vậy, các chỉ tiêu trên đều được thu thập theo năm hoặc thu thập tại một thời điểm nhưng lại đại diện cho cả năm. Đối với các chỉ tiêu phản ánh năng lực hoạt động và khả năng sinh lợi là những chỉ tiêu mang tính thời kỳ (phản ánh kết quả của cả kỳ kinh doanh), khi tính toán phải sử dụng số bình quân năm thì các doanh nghiệp lại sử dụng trị số của các yếu tố đầu vào (tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ) tại thời điểm cuối năm để đại diện cho cả năm. Điều này đã dẫn đến sự thiếu chính xác của hầu hết các chỉ tiêu phản ánh năng lực hoạt động hay khả năng sinh lợi của doanh nghiệp, làm cho nhìn nhận của các nhà quản lý, các nhà đầu tư về doanh nghiệp thiếu chính xác.
2. Những hạn chế về phân tích báo cáo tài chính trong các doanh nghiệp của Việt Nam nhìn từ góc nhìn kế toán quản trị
Theo quy định hiện nay, hệ thống báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp Việt Nam bao gồm: Bảng cân đối kế toán; Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Thuyết minh Báo cáo tài chính. Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là hai báo cáo cơ bản. Để đảm bảo tính thống nhất và tính so sánh, đòi hỏi việc lập các báo cáo tài chính phải tuân thủ theo chuẩn mực kế toán quy định. Điều này làm nảy sinh một số hạn chế nhất định đối với nhà quản trị doanh nghiệp khi sử dụng phân tích số liệu, thông tin của các báo cáo tài chính nhằm ra quyết định quản trị doanh nghiệp.
Thứ nhất, ra quyết định quản trị và thông tin kế toán. Để đạt được mục tiêu đề ra, các nhà quản trị doanh nghiệp luôn phải đối mặt với việc thực hiện tốt 4 chức năng cơ bản sau:
- Lập kế hoạch.
- Tổ chức và điều hành.
- Kiểm soát và đánh giá.
- Ra quyết định.
Trong đó, ra quyết định là chức năng xuyên suốt các khâu trong cả quá trình quản trị doanh nghiệp. Nhà quản trị doanh nghiệp chỉ có thể thực hiện được tốt nhất việc ra quyết định khi có được các thông tin cần thiết kịp thời, cụ thể và chính xác. Thông tin mà các nhà quản trị cần được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau nhưng các thông tin từ kế toán là cơ bản, giữ vai trò nền tảng trong việc phát hiện vấn đề, phân tích nguyên nhân và đề xuất các phương án giải quyết và ra quyết định phù hợp.
Thứ hai, các giao dịch được ghi nhận trên sổ kế toán tạo lập thành các dữ liệu trên Báo cáo tài chính được thực hiện theo nguyên tắc nguyên giá. Do đó, tất cả những giá trị trong báo cáo không phải là giá trị thị trường. Vì vậy, nếu chỉ trên cơ sở báo cáo tài chính để phân tích và ra quyết định thì không sát thực tế.
Thứ ba, các báo cáo tài chính thường được ghi lại trong khoảng thời gian là một năm. Chỉ tiêu doanh thu, chi phí và thu nhập trên báo cáo kết quả kinh doanh được xác định, bằng cách sử dụng kế toán dồn tích. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ kéo dài trong một năm. Bảng cân đối kế toán năm được xác lập tại thời điểm 31/12 hàng năm. Để giúp nhà quản trị ra các quyết định trong ngắn hạn (theo tuần, tháng hay quý) một cách kịp thời, cần phải dựa trên các báo cáo tài chính cập nhật hơn.
Thứ tư, báo cáo tài chính cung cấp thông tin mang tính tổng hợp và toàn diện, về tình hình tài sản, nguồn vốn và kết quả hoạt động của toàn doanh nghiệp, trong kỳ kế toán. Do đó, tính chi tiết tới từng bộ phận, từng sản phẩm dịch vụ, từng khoản mục cấu thành của các chỉ tiêu trong báo cáo không được thể hiện.
3. Một số đề xuất giải pháp
Một là, nâng cao chất lượng công tác kế toán, nhất là kế toán quản trị doanh nghiệp nhằm cung cấp một hệ thống thông tin đa dạng, kịp thời và chính xác cho các nhà quản trị, để họ thực hiện tốt việc điều hành và quản trị doanh nghiệp. Hiện nay, kế toán quản trị ở không ít doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức và còn hạn chế, trong việc thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ của mình.
Hai là, ngoài báo cáo tài chính hàng năm, các doanh nghiệp cần lập báo cáo tài chính đầy đủ theo tháng, theo quý. Nhằm cung cấp thông tin giúp các nhà quản trị ra quyết định điều hành mọi hoạt động một cách kịp thời, nhất là ra quyết định ngắn hạn. Thực tế cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp đã có báo cáo kết quả kinh doanh theo tháng, quý và quyết toán cuối năm. Tuy nhiên, bảng cân đối kế toán và báo cáo lưu chuyển tiền tệ, không phải doanh nghiệp nào cũng đã xây dựng được theo tháng, quý.
Ba là, các doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty cổ phần và những doanh nghiệp có đầu tư chứng khoán, hàng năm cần xác định giá trị tài sản và nguồn vốn của mình theo giá thị trường song hành với việc xác lập bảng cân đối kế toán theo nguyên giá, như quy định chung. Như thế, sẽ giúp nhà quản trị doanh nghiệp ra các quyết định đầu tư, quyết định nguồn vốn, quyết định chính sách cổ tức,... phù hợp hơn với thực tế thị trường.
Bốn là, nâng chất lượng báo cáo tài chính hàng năm của các doanh nghiệp. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng, một báo cáo tài chính tốt, đảm bảo tính chính xác, rõ ràng, minh bạch sẽ giúp cải thiện việc kinh doanh, quản lý hoạt động, xây dựng lòng tin và uy tín của công ty. Điều này phụ thuộc rất lớn vào tâm huyết, đạo đức và trình độ chuyên môn của các nhân viên kế toán của doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Tài chính (2000), Quyết định số 219/2000/QĐ - BTC ngày 29/12/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành và công bố sáu (06) Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam (đợt 2).
2. http://www.vse.org.vn/
3. http: //www.hastc.org.vn
LIMITATIONS ON FINANCIAL STATEMENT ANALYSIS OF VIETNAMESE ENTERPRISES
Master. TRAN THI THANH TAM
University of Economic and Technical Industries
ABSTRACT:
Financial statement analysis is the process of applying analytical methods and techniques to assess the current situation of financial conditions and performance of enterprises through enteprises’s financial statements. This kind of analysis provides detailed financial information about enterprises for not only managers but also creditors, shareholders and potential investment partners of enterprises.
Keywords: Financial statements analysis, capacity, trend, financial performance.
Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây