Đối tượng trong doanh nghiệp chủ yếu là cán bộ, công nhân trong độ tuổi lao động, vì vậy quan hệ trong doanh nghiệp là quan hệ hành chính, điều hành, chấp hành.
Trong xu thế mở cửa hội nhập, bên cạnh những thuận lợi như tiếp cận nhanh với tri thức của nhân loại, vốn, khoa học công nghệ… sẽ có đầy rẫy những khó khăn, trong đó xuất hiện những nguy cơ mới, đó là sự “xâm lăng” về văn hoá. Tôi rất tâm đắc với nhận định của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: “Mở cửa ắt có gió bụi và ruồi muỗi, nguồn hàng và lối sống ngoại lai sẽ tràn vào nước ta…”. Như vậy, khi mở cửa, với sự xuất hiện của các công ty đa quốc gia, tập đoàn tài chính lớn, các công ty lớn từ nhiều nước sẽ mang theo những tập quán, phong tục, phong cách quản lý mới riêng của từng nước vào nước ta đó là điều chắc chắn. Nghị quyết Đại hội X đã khẳng định, chúng ta tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Để giữ gìn nền văn hoá nước nhà, kế thừa tinh hoa văn hoá nhân loại, theo tôi cần nhiều giải pháp, trong đó, xây dựng văn hoá doanh nghiệp cũng là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách.
Thực tế cho thấy, văn hoá doanh nghiệp được coi là động lực để phát triển doanh nghiệp. Nói đến văn hoá trong doanh nghiệp, là nói đến những vấn đề liên quan đến tính chất hoạt động, mọi mối quan hệ trong và ngoài doanh nghiệp. Nhưng, văn hoá doanh nghiệp gắn liền với thương hiệu, tên gọi của đơn vị. Xây dựng văn hoá của doanh nghiệp nghĩa là phải tạo dựng cho được niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Ví dụ, nói tới Rạng Đông là người ta biết tới bóng đèn, phích nước và hiện nay là đèn compac…
Văn hoá doanh nghiệp được thể hiện qua việc tổ chức lao động có khoa học, có hiệu quả không? Nghĩa là, với chi phí ít nhất, tiết kiệm nhất mà lại có thể đạt hiệu quả cao nhất
Văn hoá doanh nghiệp được thể hiện trong giao tiếp, giới thiệu sản phẩm, cạnh tranh, thương mại… kể cả việc bố trí cơ sở vật chất, trang trí cơ quan, môi trường làm việc của công nhân, qua việc tiếp khách, các phương tiện giao tiếp, trong việc chuyển phát thông tin quản lý.
- Văn hoá trong sinh hoạt đảng, công đoàn, sinh hoạt chuyên môn…, trong việc khen thưởng, kỷ luật… Nói chung là liên quan đến mọi hoạt động nội tại của doanh nghiệp cũng như trong mối quan hệ của doanh nghiệp với xã hội.
Để làm rõ vấn đề này, xin nêu một số kinh nghiệm thực tế trong quá trình lãnh đạo các tổ chức đảng trong doanh nghiệp trong thời gian qua ở Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội
Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội là đảng bộ cấp trên cơ sở chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Thành uỷ Hà Nội và sự phối hợp chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng bộ Công nghiệp. Hiện nay, Đảng bộ Khối gồm 151 tổ chức cơ sở đảng trong đó có 117 tổ chức đảng trong doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là sau Nghị quyết TW5 (khoá VIII) bên cạnh việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, Đảng uỷ Khối đã tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt phương châm: “ Xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng văn hoá là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài”. Đảng uỷ Khối chỉ đạo các đơn vị căn cứ vào điều kiện, nhiệm vụ cụ thể, lựa chọn xây dựng cho mình ít nhất một tiêu chí văn hoá riêng, đặc trưng, sau đó sẽ cùng thảo luận, trao đổi, giới thiệu để các đơn vị trong Khối cùng học tập, vận dụng. Qua triển khai thời gian qua cho thấy, nhiều đơn vị đã cụ thể hoá thành một số tiêu chí văn hoá khá hay: Công ty TNHH NN một thành viên Thiết bị đo điện với “văn hoá điện thoại” nghĩa là không bao giờ để khách chờ sau 3 hồi chuông; Công ty Cổ phần Phân lân Nung chảy Văn Điển với “Xây dựng môi trường làm việc văn hoá” giao cho từng đội sản xuất tự quản lý vệ sinh khu vực làm việc của đơn vị mình, nhờ vậy sản xuất của Công ty luôn đảm bảo xanh, sạch, đẹp. Điện lực thành phố Hà Nội đã xây dựng được hình ảnh người thợ điện thủ đô văn minh, thanh lịch, hiện đại…
Trong bối cảnh chung của đất nước, khi Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, các doanh nghiệp thuộc Khối Công nghiệp Hà Nội còn có một số những khó khăn như: trình độ tay nghề của người lao động còn thấp, trình độ quản lý còn những hạn chế, số lượng lao động qua đào tạo chưa cao, đặc biệt là hiện tượng chảy máu chất xám (cán bộ, công nhân lành nghề)…
Tác phong làm việc, tính công nghiệp hoá trong các doanh nghiệp nhà nước chưa cao, tập quán, thói quen làm việc trong thời kỳ bao cấp vẫn còn xuất hiện ở một số cán bộ và người lao động; tính nhạy bén, thích ứng của doanh nghiệp nhà nước với hội nhập, cơ chế hoạt động mới còn chậm
Bên cạnh đó, kỹ năng, trình độ hiểu biết luật pháp quốc tế của cán bộ, người lao động còn yếu. Do đó sẽ có nhiều thiệt thòi khi buôn bán quốc tế…..
Để xây dựng văn hoá doanh nghiệp, khắc phục những khó khăn tồn tại theo chúng tôi, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
- Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong việc xây dựng văn hoá trong doanh nghiệp. Phát huy trí tuệ tập thể trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, ngắn hạn dài hạn để triển khai thực hiện.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, ý thức tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế cơ quan. Với nhiều nội dung, hình thức khác nhau cho cán bộ và công nhân lao động. Cần lồng ghép, thông qua các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, các cuộc thi tìm hiểu, hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn… sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Để làm tốt công tác tuyên truyền đến từng người lao động thời gian qua, Đảng uỷ Khối Công nghiệp Hà Nội đã xây dựng được một đội ngũ báo cáo viên, giảng viên kiêm chức bao gồm các đồng chí báo cáo viên của Trung ương, Thành phố, các trường chính trị và vừa qua đã thành lập thêm đội ngũ báo cáo viên cơ sở gồm 70 người là cán bộ ở ngay cơ sở để kịp thời tuyên truyền, giải thích các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Thành phố, Bộ Công nghiệp và Đảng uỷ Khối tới người lao động. Đây là hình thức khá hiệu quả, phù hợp với môi trường sản xuất, kinh doanh.
- Đẩy mạnh công tác phát triển đảng, nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị, phát huy tính gương mẫu của đảng viên.
- Phát huy cao độ dân chủ, văn hoá doanh nghiệp chỉ thực sự được xây dựng trên cơ sở nền tảng dân chủ. Muốn vậy cần đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống nội quy, quy chế, quy định trong cơ quan. Thực tế cho thấy, quy chế, quy định càng chi tiết cụ thể bao nhiêu thì việc thực hiện càng thuận lợi bấy nhiêu.
- Xây dựng môi trường đoàn kết, nhất trí trong doanh nghiệp, tạo ra không khí cởi mở, tương trợ, hiểu biết giúp đỡ lẫn nhau, thăm hỏi nhau khi nhà có việc hiếu, hỉ… ở đây cần phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị- xã hội, đặc biệt là vai trò của lực lượng đoàn viên, thanh niên
- Cải tiến nội dung cũng như hình thức các cuộc họp, sinh hoạt, đặc biệt là hình thức sinh hoạt chi bộ cho phù hợp, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, không nhàm chán. Ví dụ, sinh hoạt chi bộ trong doanh nghiệp phải nhanh gọn, bàn những vấn đề thiết thực. Chi bộ phải thực sự là “tổ ấm”, nơi mọi người chia sẻ, giãi bày tâm tư, nguyện vọng, nơi đóng góp trí tuệ, công sức vì sự phát triển của đơn vị. Vấn đề cần bàn trong họp chi bộ đảng ở doanh nghiệp cũng khác tại khu dân cư, bàn những vấn đề của phòng, tổ đội sản xuất, của cả đơn vị gắn liền với chuyên môn. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều vấn đề giải quyết được ở chi bộ mà chuyên môn nhiều khi không giải quyết được.
- Khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ, người lao động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Xây dựng cơ chế khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh. Phát huy nội lực trên cơ sở trí tuệ của tập thể, mạnh dạn có cơ chế để tạo động lực và thu hút cán bộ, thợ lành nghề làm việc ổn định, đóng góp công sức, chí tuệ cho doanh nghiệp.
- ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị hiện đại phục vụ quá trình quản lý, điều hành và sản xuất… trong doanh nghiệp.
- Lựa chọn xây dựng chương trình tổng thể ngắn hạn, dài hạn, phát triển doanh nghiệp. Lựa chọn mặt hàng, lĩnh vực kinh doanh phù hợp, chú trọng xây dựng thương hiệu doanh nghiệp gắn với sản phẩm , dịch vụ với nét văn hoá riêng đặc sắc.