Bảng vàng 14 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam năm 2011

Năm 2011 vươn lên trong khó khăn, xuất khẩu của nước ta ngoạn mục. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2011 ước tính đạt 96,3 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2010, cao nhất trong 15 năm qua; nhập siêu
Cơ hội xuất khẩu rất lớn mở ra cho các ngành hàng. Năm 2010 có 10 mặt hàng đạt trên 2 tỷ USD là: Dệt may, giày dép, thủy sản, dầu thô, điện tử máy tính và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ, gạo; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; đá quý, kim loại quý và sản phẩm, cao su; Năm nay thêm 4 mặt hàng vào “Bảng vàng”, đó là “tân binh điện thoại” lần đầu có mặt vào luôn vị trí thứ 3, tiếp đến là cà phê đạt kỉ lục vì được giá, xăng dầu cũng không kém cạnh, và phương tiện vận tải và phụ tùng. (Xem bảng: 14 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2011)



1. Dệt-may đầu bảng kim ngạch từ năm 2009, chúng ta đã được nhiều thị trường lớn ưa chuộng bởi số lượng và chất lượng sản phẩm, nhân công đa cấp độ, công nghệ ngày càng hiện đại cùng với các giải pháp khôn ngoan của từng doanh nghiệp trong Ngành đã lách vào nhiều thị trường mới. Ngành Dệt may tự tự con số 15 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2012. Trong yếu tố tăng kim ngạch có cả phần tăng giá nguyên liệu (mua cao, bán cao) nhưng với kim ngạch đầu bảng, thị trường ngày càng mở rộng, chỉ cần đổi mới từng chi tiết công nghệ, giảm chi phí một vài loại nguyên vật liệu đầu vào sẽ tạo cơ hội tăng giá trị tăng thêm.

2. Dầu thô từ vị trí thứ 4 năm 2010 tiến áp ngôi đầu của một thời trụ vững. Năm nay, với trên 8 triệu tấn dầu thô xuất khẩu, thu về 7,2 tỷ USD, xếp thứ 2. Ngành Dầu khí những năm qua đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng khác và dịch vụ. Đó là nhà máy lọc dầu, nhà máy nhiên liệu sinh học, thăm dò và khai thác những mỏ dầu ở nước ngoài như Nga, Angiêri, Venezuena,...kiếm tìm ở hội đầu tư ở nhiều quốc gia, thăm dò mỏ mới ở biển Đông, dịch vụ dầu khí mở rộng ra ngoài khu vực,... năm nay đã đóng góp tới 13 tỷ KWh chiếm khoảng trên 12% sản lượng điện tiêu thụ của cả nước. Trong nhiều năm qua, Dầu khí là ngành kinh tế chủ lực với doanh thu chiếm tới trên dưới 30% GDP cả nước. Với chiến lược phát triển của Ngành giai đoạn 2016 - 2025 sẽ gia tăng trữ lượng đạt 35 – 45 triệu tấn quy dầu/năm, trong đó 25 – 35 triệu tấn quy dầu/năm ở trong nước và 15 triệu tấn quy dầu/năm ở nước ngoài, trong những năm tới ngành Dầu khí đầu tư nhiều hơn và dẫn dắt đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

3. Điện thoại bất ngờ vào vị trí cao trong bảng vàng. Đó là kết quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Dẫu đến bảng vàng hơi muộn nhưng những chiếc điện thoại xinh xinh, linh kiện nhỏ bé cùng các phần mềm tích cực đã đưa “con dế” sản xuất ở Việt Nam vào vị trí thứ 3 trong sự ngỡ ngàng của bao liền anh, liền chị! Khiêm tốn với 405 triệu USD năm đầu ra mắt, đến khi Samsung vận hành dây chuyền sản xuất thứ hai vào tháng 9/2011, thì tháng sau Hải quan “giật mình” với con số xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Quan trọng hơn là nhóm này xuất siêu đến 4 tỷ USD.

Thị trường điện thoại di động rất khả quan, ngay ở trong nước, những năm gần đây nhập tới trên 1 tỷ USD (nếu tính cả linh kiện thì năm nay nhập khẩu 2.449 USD). Giá như các nhà sản xuất trong nước sớm hiện thực hóa giấc mơ bằng việc đầu tư nhà máy sản xuất điện thoại cho người Việt Nam thì việc làm và thu nhập cũng không nhỏ, tiết kiệm được 1/3 kim ngạch xuất khẩu gạo mỗi năm!

4. Giày, dép xuất khẩu tăng 27% nhưng vẫn tụt hạng từ thứ 2 năm 2010 xuống thứ 4, cho thấy nhóm hàng “nâng niu” bàn chân phụ thuộc nhiều vào thị trường. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam dự báo, năm 2012, kim ngạch xuất khẩu da giày chỉ có thể tăng trưởng khoảng 10%. Khó khăn nhất trong năm 2012 là tín hiệu từ thị trường châu Âu (chiếm khoảng 49% thị trường xuất khẩu da giày Việt Nam). Nếu thị trường này có dấu hiệu hồi phục về kinh tế thì xuất khẩu da giày mới tăng trưởng được.

5. Con cá, con tôm đã không quản khó khăn vượt vũ môn. Chỉ mong đạt kế hoạch xuất khẩu thủy sản là 5,7 tỷ USD nhưng đã vươn tới trên 6 tỷ USD với sự đóng góp tích cực của nhà nuôi trồng đạt 3 triệu tấn, khai thác 2,2 triệu tấn và chế biến. Con tôm và cá da trơn của Việt Nam đã quen với các bếp ăn gia đình, nhà hàng ở nhiều nước từ nhiều năm qua bởi sản phẩm xuất khẩu đã được giám sát về cơ chế chính sách và quy trình sản xuất chế biến.

Còn lại 19 tỷ USD của nhóm nông lâm thủy sản phải kể đến những mặt hàng lớn như lâm sản (trong đó gỗ và sản phẩm gỗ là chủ lực), tiếp đến là rau củ quả, sắn lát,...Với 25 tỷ USD hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng khá, giá cả tăng và thị trường mở rộng thì đây là khối việc làm, thu nhập không nhỏ đối với nông dân, nhà sản xuất kinh doanh. Chuỗi giá trị gia tăng nông sản sớm được phân bổ hợp lí theo cơ chế thị trường hướng lợi cho nông dân. Nhóm hàng này còn một lượng xuất nhập khẩu tiểu ngạch không được thống kê với kim ngạch không quá nhỏ bé!

6. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vẫn kiên cường áp ngôi vị thứ 5. Dẫu giá trị gia tăng còn khiêm nhường nhưng sự có mặt của các tập đoàn nước ngoài ở Việt Nam như Canon sản xuất máy in và thiết bị quang học, Intel sản xuất chíp điện tử, Samsung đa sản phẩm, Fujitsu sản xuất bo mạch, Tập đoàn Nidec sản xuất đầu đọc quang học và mô tơ siêu nhỏ, Foxconn sản xuất linh kiện điện tử,... đã làm cho sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam đến nhiều nơi trên thế giới, tạo hiệu ứng tốt cho toàn Ngành. Trong đợt vận động đầu tư cuối năm, Việt Nam và Nhật Bản đã ghi nhớ thành lập hai khu công nghiệp hỗ trợ ở Hải Phòng và Vũng Tàu. Nhóm máy tính, linh kiện điện tử có thể gia tăng vào top thị trường lớn là Trung quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hồng Kông, Hà Lan, Singapore, Thái Lan,…là những quốc gia đi tìm lợi thế cạnh tranh về giá và ưu đãi đầu tư.

Gỗ và sản phẩm gỗ năm trước ở vị trí thứ 6 năm 2011 xuống thứ 8 với kim ngạch gần 4 tỷ USD trong điều kiện kinh tế thế giới khó khăn, tiêu dùng giảm ở một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, nhưng tăng ở thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngành gỗ đã nỗ lực phi thường để tăng kim ngạch, tận dụng triệt để các cơ hội tiếp cận thị trường nguyên liệu, sản phẩm, nắm bắt thay đổi thị hiếu người tiêu dùng từ đồ ngoài trời sang đồ trong nhà với mẫu sản phẩm mới,...

Sản lượng lúa năm 2011 ước đạt 42,3 triệu tấn, tăng 2,3 triệu tấn so với năm 2010, đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây; so cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tăng 4,4% về lượng và 14% về giá trị. Ngành lúa gạo nước ta bảo đảm an ninh lương thực khi lạm phát tăng cao, giữ vững được thị trường và kim ngạch xuất khẩu trong nhiều năm, đặc biệt là trong những năm qua nhiều quốc gia tăng lượng ngũ cốc.

Cà phê năm 2011 được giá cao, mang lại kim ngạch kỉ lục 2,7 tỷ USD, tăng gần 50% so với năm trước trong khi sản lượng không thay đổi lớn. Xuất khẩu cà phê bị chi phối mạnh của nước nhập khẩu; Mỹ, Đức chiếm vị trí hàng đầu cùng với các thị trường mới như Bỉ, Hà Lan... Rõ ràng, sản xuất nông nghiệp càng bấp bênh, càng phải kiên nhẫn bám thị trường. Theo dự báo, năm tới kim ngạch xuất khẩu cà phê cố gắng đạt mức năm nay.

Thành quả xuất khẩu đạt được năm 2011 là sự cố gắng rất cao của Chính phủ, các ngành, các cấp, đặc biệt là biện pháp điều chỉnh tỷ giá hồi tháng 2 đã tác động vào tăng xuất khẩu. Vai trò tích cực của Bộ Công Thương là điều chỉnh được nhập siêu bằng các biện pháp khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Quan trọng hơn là các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng ngày gắn bó, bám sát thị trường truyền thống, mở sâu vào thị trường mới như Châu Phi - Tây Nam Á... Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của cả nước khá vững vàng bởi kinh tế thế giới sớm phục hồi tích cực, nhu cầu tăng cả về lượng và giá. “Câu lạc bộ 2 tỷ” đón thêm những “anh hào” mới, vị trí trong bảng có thể thay đổi bởi nỗ lực của mỗi ngành và cả sự biến động của thị trường... Nhưng chạy theo kim ngạch bằng nhập nguyên liệu, bán thành phẩm về gia công, lắp ráp bằng giá nhân công trung bình là cách làm không mới. Nếu nội địa hóa được 5- 10% kim ngạch xuất khẩu sẽ tạo thêm hàng vạn việc làm, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giảm nhập siêu, phát triển bền vững.

Bài viết sẽ thiếu nếu không xướng danh hai dịch vụ du lịch và vận tải đã thu ngoại tệ tương đương với trên 8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tiếp đến phải kể đến lượng kiều hối từ 4 triệu kiều bào ta làm việc sinh sống ở nước ngoài, đạt tới “Một mùa vàng bội thu” với 9 tỷ USD (tăng gần 7 lần trong 10 năm). Đánh giá xu thế phát triển kinh tế bền vững thì việc gia tăng xuất khẩu dịch vụ, tăng tỷ trọng dịch vụ trong GDP là chỉ báo tích cực. Kì vọng của người viết bài này là xuất khẩu dịch vụ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, công nghệ phần mềm, nhân công có tay nghề... sẽ tạo được nhiều nguồn thu ngoại tệ. 

>>10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD năm 2010 và dự báo năm 2011
  • Tags: