Chất lượng môi trường lao động kém.
Trong những năm qua, do chính sách cải cách kinh tế, phát triển kinh tế nhiều thành phần, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNV&N) các loại thuộc khu vực ngoài quốc doanh tăng lên nhanh chóng và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế của cả nước. Tuy phát triển nhanh, nhưng do hạn chế về vốn, nên việc đầu tư công nghệ của các DNV&N hầu hết đều cũ, nát, lạc hậu. Điều này dẫn đến những hạn chế về chất lượng sản phẩm và gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.
Đánh giá một cách tổng quát, công nghệ sản xuất của các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ có mức độ nhìn chung là thấp, quá trình đổi mới công nghệ diễn ra khá chậm và không đồng đều. Vì vậy, không phải chỉ tốc độ phát triển ở các DNV&N khác nhau mà cả tốc độ cải thiện môi trường, giảm thiểu ô nhiễm do hiện đại hoá công nghệ sản xuất cũng rất khác nhau, hơn thế nữa, đặc thù gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở cùng ngành giống nhau là chủ yếu.
Nói tới môi trường lao động kém chất lượng, chính là nói tới các loại ô nhiễm trong các cơ sở sản xuất. Ô nhiễm đầu tiên phải kể đến của môi trường trong các cơ sở sản xuất công nghiệp là ô nhiễm vi khí hậu. Bên trong các cơ sở sản xuất công nghiệp đều chịu ô nhiễm nhiệt, nhất là về mùa nóng. Nhiệt độ không khí thường cao hơn bên ngoài từ 1,50C đến 60C. Độ ẩm tương đối cũng luôn cao hơn 78%, nhất là ở các cơ sở chế biến thuỷ sản, chế biến thực phẩm. Tốc độ gió chủ yếu do quạt trục thổi mát nên phân bố không đều và quẩn. Hầu hết các phân xưởng đều không có sơ đồ thông gió hợp lý. Điều này cho thấy đến trên 78% các phân xưởng sản xuất bị ô nhiễm nhiệt- ẩm.
Trong giai đoạn phát triển công nghệ và kỹ thuật hiện nay, tiếng ồn cũng là một trong những yếu tố được liệt vào thành phần gây ô nhiễm môi trường. Cùng với quá trình cơ giới hoá, sự xuất hiện của các thiết bị máy móc một mặt đã giải phóng cho người lao động thoát khỏi công việc cực nhọc, nhưng lại đem đến những yếu tố có ảnh hưởng không nhỏ đến con người. Đó là sự suy giảm thính lực và nặng hơn là bệnh điếc nghề nghiệp. Một số thiết bị công nghệ gây tiếng ồn lớn và thậm chí rất lớn như: máy nghiền, máy đột dập, máy nén, máy dệt… đã làm giảm thính lực của người lao động trong môi trường đó.
Điều tra cũng phân tích tỷ lệ các phân xưởng bị ô nhiễm bụi trong các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ. Ngành Giấy, Phân bón hoá chất, Khai khoáng, Luyện kim, Vật liệu xây dựng đã không “hổ danh”: đều có tỷ lệ ô nhiễm bụi cao trên 20%, có nghĩa là cứ 100 phân xưởng của các ngành này thì có đến trên 20 phân xưởng bị ô nhiễm. Những loại hình công nghệ sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm bụi cao còn lại như: công nghệ nghiền, sản xuất hơi, dệt, thiết bị làm sạch bề mặt, đúc, luyện cán thép… cùng với các hoạt động khác, chính là nguyên nhân gây ra ô nhiễm bụi và ảnh hưởng trước hết là tới môi trường lao động. Điều tra cũng cho thấy một số cơ sở liên doanh quy mô vừa và nhỏ nồng độ ô nhiễm bụi cũng khá cao và vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép.
Nguy hiểm và khó nhận biết đối với người lao động là ô nhiễm do hơi khí độc hại. Do tính chất của sản xuất, nguồn thải các loại hơi khí độc hại của mỗi ngành sản xuất khác nhau cũng khác nhau, ngoài 4 loại hơi khí độc cơ bản là: SO2, CO, CO2, NO, trong danh mục chỉ thị môi trường lao động còn có các hoá chất sau: xylen, toluen, xăng, cacbua hydro… tổng cộng có khoảng 33 chỉ thị môi trường theo các loại hơi khí độc hại khác nhau. Trong tổng số hơn 200 phân xưởng sản xuất của các cơ sở khảo sát có nguy cơ ô nhiễm hơi khí độc cao, tỷ lệ các phân xưởng bị hơi khí độc trung bình vào khoảng trên 17%. Số liệu cũng cho thấy, tỷ lệ ô nhiễm cao chủ yếu tập trung vào các phân xưởng sản xuất của các ngành cơ khí, vật liệu xây dựng, dệt may và da giầy, luyện kim, vật liệu xây dựng. Ttheo thống kê, chỉ thị ô nhiễm môi trường di các khí độc hại cơ bản CO, CO2 là lớn nhất.
Có thể kết luận rằng, rõ ràng mức độ ô nhiễm môi trường lao động trong các phân xưởng sản xuất còn chiếm một tỷ lệ khá cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, trong đó ô nhiễm nhiệt và tiếng ồn vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, các ngành sản xuất ô nhiễm nhất vẫn là ngành sản xuất hoá chất, vật liệu xây dựng, dệt, khai khoáng…
Người lao động luôn thiếu một sự bảo hộ đầy đủ.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì mỗi năm, trên thế giới có gần 4 triệu tai nạn lao động xảy ra ở các mức khác nhau với 350.000 người chết, bên cạnh đó còn có 340.000 người chết do tiếp xúc với các chất độc hại.
ở nước ta, cho đến nay chúng ta chưa thể thống kê được hết các số liệu về TNLĐ và Bệnh nghề nghiệp trong khu vực sản xuất vừa, nhỏ và sản xuất nông nghiệp, do trong những năm gần đây, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế sản xuất ngoài quốc doanh, đặc biệt trong khu vực tư nhân và sản xuất nông nghiệp đã diễn ra với tốc độ cao. Đó là những tín hiệu đáng mừng về sự phát triển kinh tế- xã hội, nhưng nó cũng nảy sinh ra nhiều vấn đề đáng lo ngại, trong đó có công tác quản lý lao động, quản lý an toàn vệ sinh lao động và chăm lo sức khoẻ cho người lao động.
Cũng theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động, trong 1017 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, trong 5 năm qua đã xảy ra 3166 vụ tai nạn lao động làm 3324 người bị nạn, có 135 vụ TNLĐ chết người, làm 146 người bị chết và 549 người bị thương nặng. Cao nhất là ở ngành Xây dựng và sản xuất Vật liệu xây dựng với tần suất TNLD K= 27,2. Sau đó tới khai thác than và khoáng sản (K= 21,5), chế biến thực phẩm- nông- lâm sản (K= 19,3).
Tại ngành Xây dựng, TNLĐ xảy ra chủ yếu là do ngã cao, vật rơi, điện giật. Tại ngành khai thác khoáng sản, chủ yếu xảy ra TNLĐ do ngã cao, nổ mìn, vật rơi, sập hầm. Các ngành còn lại tỷ lệ TNLĐ do điện giật gây ra là cao hơn cả. Nguyên nhân có nhiều, nhưng lớn nhất phải nói là do công tác quản lý, các cơ sở sản xuất đã không tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, thiếu các biện pháp an toàn, mặt bằng sản xuất chật hẹp, công nghệ chắp vá, không tổ chức huấn luyện kiến thức bảo hộ lao động đầy đủ cho người lao động. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là nhận thức và ý thức của người lao động còn kém.
Tuy nhiên, người lao động không chỉ phải đối phó với những TNLĐ nguy hiểm, thương vong trực tiếp. Có một loại khái niệm mới mà vài năm nay chúng ta hay nhắc tới, đó là bệnh nghề nghiệp. Theo điều tra khảo sát, bệnh thường gặp và bệnh có tỷ lệ cao nhất ở người lao động là các bệnh có liên quan đến ô nhiễm môi trường như: viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi (37,75%). Tiếp đó là các bệnh không chỉ liên quan đến môi trường mà còn cả điều kiện lao động, tư thế và cường độ nhịp điệu lao động do người lao động chủ yếu chuyển từ lao động nông nghiệp và lao động giản đơn sang nên chưa thích nghi được với các dây chuyền công nghệ mới trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay, như các bệnh về cơ, xương, khớp (9,86%). Ngoài ra, còn một số bệnh khác như các bệnh đường tiêu hoá (9,34%) và các bệnh mắt, ngoài da, phụ khoa…
Trong số 106.272 người được khám sức khoẻ định kỳ tại các cơ sở sản xuất tiến hành điều tra khảo sát, có 606 người mắc bệnh nghề nghiệp (0,57%) với tỷ lệ bệnh bụi phổi Silic cao nhất (41,7%), 34,2% mắc bệnh điếc nghề nghiệp. Số còn lại là các bệnh chủ yếu như sạm da nghề nghiệp, nhiễm độc hoá chất, viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp… Điều tra đã cho thấy, một điều đáng lo ngại là tỷ lệ bệnh bụi phổi Silic khá cao. Bệnh này xảy ra chủ yếu với người lao động làm việc trong các nhà máy cơ khí, luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác than và khoáng sản… Nguyên nhân là do ở các ngành này một phần vì công nghệ sản xuất còn lạc hậu, mặt bằng sản xuất không hợp lý, không có hoặc có nhưng không đầy đủ hệ thống gió hút bụi và một phần cũng đáng quan tâm ở góc độ quản lý là phụ trách doanh nghiệp và người lao động vẫn còn thiếu ý thức trong việc bảo vệ sức khoẻ người lao động.
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường trong sản xuất nói chung và với các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ nói riêng là một trong những vấn đề thời sự và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhất là trong quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế.