Thực trạng vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân
Thời gian gần đây, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân (DLCN) trở thành mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng. Năm 2005, Việt Nam đưa Luật Giao dịch điện tử vào sử dụng, cũng từ đó, ứng dụng TMĐT của các doanh nghiệp ngày càng tăng. Đặc biệt từ cuối năm 2007, nhiều doanh nghiệp đã triển khai và áp dụng chu trình TMĐT hoàn chỉnh. Các công đoạn của giao dịch từ quảng cáo, chào hàng, giao kết hợp đồng thanh toán, giao hàng, chăm sóc khách hàng… đều có thể thực hiện qua môi trường điện tử. Việc thu thập thông tin khách hàng trên môi trường mạng đã trở thành tất yếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đặc thù của giao dịch TMĐT là được thực hiện hoàn toàn trên mạng, các đối tác thực hiện giao dịch mua bán, thanh toán, nhận hàng… mà không cần phải gặp trực tiếp nên nhu cầu về thông tin cá nhân ngày càng lớn, bao gồm cả thông tin riêng tư, nhạy cảm nhất.
Năm 2008, theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), trong các lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ du lịch, sản xuất hàng hóa, dịch vụ phần mềm, đào tạo, bất động sản, xây dựng, hiệp hội... về bảo vệ DLCN cho khách hàng, trong đó, đã có 84% doanh nghiệp thông báo trước về mục đích sử dụng thông tin cá nhân của khách hàng; hầu hết cho biết không tiết lộ thông tin của khách hàng cho bên thứ ba. Tuy nhiên, mới có 18% xây dựng qui chế bảo vệ DLCN cho khách hàng, 40% cho biết sẽ xây dựng quy chế này trong tương lai. Riêng về biện pháp bảo vệ có khoảng 67% doanh nghiệp có triển khai cả hai nhóm giải pháp công nghệ và quản lý để bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng. Có thể nói, các doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm đến bảo vệ DLCN trong TMĐT. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng khi mà các doanh nghiệp Việt Nam ý thức được việc bảo vệ khách hàng trong quá trình giao dịch.
Cần hoàn thiện khung pháp lý
Khái niệm bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư về thông tin cá nhân trên môi trường điện tử vẫn còn là vấn đề khá mới mẻ đối với Việt Nam. Hệ thống pháp luật vẫn còn thiếu những qui định chế tài cụ thể về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng. Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp cũng như người dân vẫn còn bỡ ngỡ với khái niệm này. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và TMĐT, đặc biệt là sự xâm nhập sâu rộng của Internet vào mọi mặt đời sống xã hội, những tác động tiêu cực của việc sử dụng thông tin cá nhân bất hợp pháp cũng gia tăng, biểu hiện rõ nhất là việc thu thập, sử dụng bất hợp pháp địa chỉ thư điện tử làm quảng cáo hoặc các hành vi đánh cắp thông tin tài khoản cá nhân để trục lợi, phát tán thông tin và hình ảnh riêng tư, lừa đảo qua thẻ ATM… Về vấn đề này, ông Dương Hoàng Minh cho rằng, pháp luật Việt Nam cần sửa đổi để phù hợp với nguyên tắc bảo vệ DLCN phù hợp với APEC. Đồng thời, bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng một cách hữu hiệu, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, việc vi phạm DLCN đã xảy ra không ít ở Việt Nam. Việc xử lý các hành vi này còn nhiều bất cập là hiện nay nước ta không có luật riêng để xử lý những vi phạm trên, mà nằm rải rác ở Bộ Luật Dân sự 2005, Luật Giao dịch điện tử 2005, Luật Công nghệ thông tin 2006… Mới đây nhất là Luật sửa đổi bổ sung một số điều ở Bộ Luật Hình sự, bổ sung một số điểm liên quan đến sử dụng, phát tán trao đổi thông tin…
Với thực trạng trên, ông Minh khuyến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ DLCN trong TMĐT, tham khảo các mô hình nước ngoài, đặc biệt là trong các nền kinh tế APEC; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng để bảo vệ DLCN; Tăng cường năng lực cho các cơ quan hoạch định chính sách, các cơ quan thực thi pháp luật về bảo vệ DLCN.
Đối với các doanh nghiệp, ngoài việc cần xây dựng qui chế nội bộ về bảo vệ DLCN, các doanh nghiệp tích cực tuân thủ luật pháp. Đặc biệt, tích cực tham gia các chương trình chứng thực như chương trình cấp chứng nhận Website TMĐT uy tín TrustVn… Về phía người tiêu dùng, cần nâng cao ý thức vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân; chỉ cung cấp thông tin cho những tổ chức có quy chế bảo vệ DLCN rõ ràng, minh bạch…
Ông Peter Cullen, Chiến lược gia trưởng về bảo vệ DLCN, Tập đoàn Microsoft cũng khuyến nghị: Việt Nam cần quan tâm tới luật pháp về an toàn thông tin và bảo vệ thông tin cá nhân để bảo vệ công dân trước việc sử dụng thông tin cá nhân với mục đích gây hại; Xây dựng một hành lang pháp lý nhằm tạo dựng niềm tin và thúc đẩy TMĐT phát triển...
Trưởng nhóm Bảo vệ DLCN của APEC, ông Colin Minihan gửi thông điệp đến các doanh nghiệp Việt Nam: Bảo vệ DLCN trong bối cảnh TMĐT tại khu vực APEC phát triển nhanh sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng. Ông cũng cho rằng: Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng chung tay xây dựng một phương pháp bảo vệ DLCN của APEC hiệu quả.