Chiều ngày 30/5/2014, tại Hội trường, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Sau đó, QH đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Trong buổi làm việc, đã có 17 đại biểu QH phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau: Về quy hoạch BVMT; Đánh giá môi trường chiến lược; Tác động môi trường; Đối tượng phải lập kế hoạch BVMT; Nguồn lực về BVMT; Về ứng phó với biến đổi khí hậu; BVMT biển và hải đảo; Về BVMT trong nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; Trong nhập khẩu phế liệu; Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT; Cơ quan chuyên môn về BVMT...
Tạp chí Công Thương xin lược ghi 3 ý kiến phát biểu của Đại biểu QH để bạn đọc tham khảo:
*Đại biểu QH Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa): Đề nghị bỏ khoản 17, Điều 7 của Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi)
Điều 7, Dự án Luật BVMT có quy định về những hành vi bị nghiêm cấm. Về cơ bản tôi đồng tình với nhiều nội dung quy định trong điều này. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 17 là: “Các hành vi bị nghiêm cấm khác về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật”. Bởi vì việc quy định hành vi cấm liên quan đến quyền của công dân, nó cho phép cơ quan, tổ chức không được tiến hành các hoạt động này và trường hợp bị nghiêm cấm hoặc bị hạn chế là phải do luật quy định theo quy định của Hiến pháp. Do đó, quy định Khoản 17 là quy định các hành vi bị nghiêm cấm khác về BVMT theo quy định pháp luật, như vậy sau khi luật này ban hành có thể có những văn bản dưới luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm khác - trái với tinh thần quy định của Hiến pháp. Đề nghị bỏ Khoản 17 của Điều 7.
*Đại biểu QH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình): Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước chưa rõ và khâu tổ chức thực hiện Luật còn yếu
Một trong những hạn chế của pháp luật nói chung, trong đó có Luật BVMT hiện hành nói riêng, đó là quy định trách nhiệm quản lý nhà nước chưa rõ và khâu tổ chức thực hiện Luật còn yếu. Trong Luật BVMT người dân quan tâm đến những vấn đề rất cụ thể liên quan trực tiếp tới quyền lợi của họ như thanh tra, kiểm tra, khi xảy ra sự cố môi trường thì cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết, ai phải chịu trách nhiệm, ai phải bồi thường thiệt hại, trình tự thủ tục để người dân bảo vệ quyền lợi ích bị xâm phạm như thế nào, có thuận lợi hay không, chứ không phải là những vấn đề lớn, vĩ mô như đánh giá môi trường chiến lược, quy hoạch BVMT, đánh giá tác động môi trường... Trên thực tế, những vấn đề cụ thể người dân quan tâm nhưng còn nhiều hạn chế, vì vậy tôi tán thành với những sửa đổi của Dự thảo trong việc xác định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước.
Về trách nhiệm của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, pháp luật hiện hành cũng đã có rất nhiều quy định liên quan tới phê duyệt, xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều dự án trình độ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường được hoạt động. Vì vậy rất cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan phê duyệt. Việc Dự thảo quy định cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định và quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động, tôi cho rằng quy định chịu trách nhiệm trước pháp luật là quy định không rõ. Thế nào là chịu trách nhiệm trước pháp luật? Cá nhân đó có phải chịu trách nhiệm xử lý kỷ luật hay không? Có phải liên đới bồi thường thiệt hại hay không? - Đó là những vấn đề cần quy định rõ.
Dự thảo lần này có một quy định rất mới, theo tôi là một vấn đề rất lớn, đó là Khoản 1, Điều 174 quy định cộng đồng dân cư có quyền khiếu nại, khởi kiện - tôi cho rằng đây là một quy định trái với quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, cũng như Luật Khiếu nại quy định về các chủ thể có quyền khởi kiện, cũng như khiếu nại. Vấn đề quyền khởi kiện của tập thể cũng đã được bàn khi xây dựng Luật Khiếu nại. Vì đây là vấn đề phức tạp, cho nên đề nghị cần cân nhắc vấn đề này, nếu có quy định thì phải sửa đổi ở các luật có liên quan, không phải sửa đổi ở trong Luật BVMT như quy định tại Khoản 1, Điều 174. Nếu cộng đồng dân cư khởi kiện hoặc khiếu nại thì trình tự, thủ tục thực hiện những quyền đó được thực hiện như thế nào thì phải được quy định ở trong Luật Tố tụng Dân sự cũng như Luật Khiếu nại.
* Đại biểu QH Phạm Trường Dân (Quảng Nam): Phải xử lý hình sự đối với những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng
Về nguyên tắc BVMT tại Khoản 8, Điều 4 Dự thảo có quy định: “Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại và các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật”. Theo tôi, quy định như vậy chỉ chỉ rõ trách nhiệm khắc phục bồi thường thiệt hại, còn trách nhiệm khác theo pháp luật là chung chung. Đề nghị quy định rõ hơn, trong đó có quy định xử lý hình sự đối với những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Về đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, khoản 3, Điều 19 Dự thảo quy định: “Dự án có tác động xấu đến môi trường và xã hội”. Theo tôi quy định như thế rất chung chung. Tôi đề nghị cần quy định cho rõ, đó là đối với các dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khai thác nuôi trồng thủy sản tác động xấu đến môi trường.
Về trách nhiệm của chủ dự án trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức, khoản 4, Điều 29 Dự thảo có quy định chủ đầu tư “Tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan quản lý về BVMT kiểm tra việc triển khai thực hiện các công trình, biện pháp BVMT, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; cung cấp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến dự án khi được yêu cầu”. Theo tôi quy định như thế là chưa chặt chẽ. Tôi đề nghị quy định chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm, chứ không phải chỉ tạo điều kiện thuận lợi như Dự thảo. Quy định như vậy mới thể hiện tính pháp lý cao buộc chủ đầu tư phải thực hiện.