Hãy nói theo ngôn ngữ… chợ trời!
Một chuyên gia chứng khoán giải thích hết sức bình dân thế này: Nếu so sánh thao tác mua bán ở trên thị trường chứng khoán với một thương trường gần gủi, dễ hiểu cho người không có chuyên môn thì không có danh từ nào sát nghĩa hơn là … chợ trời. Một khi có được sự so sánh căn bản này thì “giải mã” những danh từ mua bán chuyên dùng cho chứng khoán sẽ dễ dàng đến không thể ngờ.
Thuật ngữ: Giá thị trường (market order), mệnh lệnh vô điều kiện. Để dễ hiểu, chúng ta có thể gọi đây là mệnh lệnh mua bán bằng... mọi giá. Mệnh lệnh này đơn giản nhất vì nó không hề có điều kiện kèm theo. Giá cả cổ phần đang chào mời bao nhiêu thì sẽ bán cho người muốn mua với giá đang mời chào...với bất cứ giá nào. Ưu điểm là có thể mua ngay cổ phần gần như là lập tức vì mệnh lệnh này được ưu tiên mua trên bán trước. Khuyết điểm là người mua có thể trả giá rất cao nếu chỉ gặp người muốn bán với giá cao.
Khi bạn bán cổ phiếu mà dùng lệnh này thì bạn cũng có thể mất nhiều tiền nếu chỉ gặp người muốn mua với giá rất thấp. Nhưng dân chuyên môn khuyên người nào mới vào thị trường chứng khoán “những con cừu ngớ ngẩn” của “chợ trời chứng khoán” đừng dùng loại mệnh lệnh này, họ chỉ nên dùng khi họ biết cách khai thác bảng đấu giá và được theo dõi thị trường trực tuyến.
Giá ấn định (limit order), mệnh lệnh có điều kiện? Ở chợ trời, muốn mua bán sát giá thì phải “cò kè bớt một thêm hai”, ai có nhiều thủ thuật trả giá và chịu khó trả giá thì người đó càng có thể mua hàng hóa với giá càng… rẻ. Trong thị trường chứng khoán, thao tác mua bán cách này gọi là mua bán theo giá ấn định (at limit order). Những mệnh lệnh này cũng an toàn hơn, nó cho phép bạn ấn định mua bán cổ phiếu với mức giá cả, thời gian, điều kiện... mà bạn ấn định. Có rất nhiều loại mệnh lệnh theo giá ấn định như stop, stop limit, day, GTC...
Ưu điểm của những loại lệnh tự động này là bạn sẽ được mua bán cổ phần theo giá cả mà bạn muốn. Khuyết điểm là loại mệnh lệnh này không thể thực hiện nếu mức giá cả của bạn ấn định không ăn khớp với giá niêm yết. Nếu bạn xem xét kỹ lưỡng biểu đồ giá cả, được mua bán với nhiều loại mệnh lệnh ấn định (at limit ) thì bạn có thể tự vạch ra nhiều chiến lược mua bán, chụp được nhiều cơ hội.
Vị chuyên gia này kể lại một kỷ niệm lúc còn học chứng khoán bên trời Tây: Lúc mới chân ướt chân ráo vào thị trường chứng khoán, tôi thấy cổ phần của Eurotunnel trên thị trường chứng khoán Euronext, một công ty khai thác các dịch vụ giao thông đường hầm dưới eo biển Pháp -Anh, cứ giao động ở mức 0,26 Euros đến 0,28 Euros. Chiến lược của tôi là mua 0,26 Euros và bán ra ở 0,28 Euros để lời được hơn 7% sau mỗi lần mua bán. Nghĩ là làm. Tôi đặt mệnh lệnh mua theo giá giới hạn là 0.26 Euros.
Chờ mấy ngày trời mà chẳng mua được cổ phiếu nào mặc dù giá Eurotunnel cứ trồi lên sụt xuống nhiều lần trong mức đó. Mất tính kiên nhẫn, tôi ra lệnh mua theo giá thị trường. Sau vài ba phút chờ đợi, tôi bật ngửa khi màn ảnh vi tính báo rằng công ty trung gian đã mua cho tôi phân nửa cổ phần là 0.27 Euros và phân nửa kia giá 0.28 Eur. Để không bị lỗ, tôi phải đổi chiến lược ngắn hạn swing trading thành chiến lược penny stock; ra lệnh bán theo giá giới hạn (sell limit ) ra ở mức cao hơn, và phải “ngâm” tiền lâu hơn là thời gian mong muốn…
Sau này khi có thêm kiến thức về chứng khoán, tôi mới hiểu rằng, người mua không chắc mua được cổ phần với giá đang niêm yết trên sàn chứng khoán vì nó chỉ ghi lại giá cả của sự mua bán cuối cùng. Khi tôi đặt một mệnh lệnh là tôi mở một cuộc giao dịch mới, giá đang niêm yết chỉ còn là mốc giao dịch và không chắc chắn mua bán được với giá đó mà phải tùy thuộc vào những yếu tố khác. Vì lý do kỹ thuật này, tôi không khai thác được chiến lược dựa trên sự giao động của cổ phần công ty Eurotunnel.
Hè phố còn có luật, huống chi ở chợ trời…
Người nào muốn mua bán sát giá thì phải biết đọc và khai thác bảng đấu giá (orderbook). Bảng đấu giá được chia làm hai bên, bên mua (BID) và bên bán (ASK). Lấy ví dụ cũng ở bên Tây (vừa chắc ăn, vừa đỡ… mếch lòng anh em cùng nghề đang ở trong nhà): Bên muốn mua cổ phiếu (bid) được ghi 5 mức giá muốn mua với giá cao nhất cùng với số lượng mệnh lệnh và số lượng cổ phiếu. Bên bán (ask) cũng ghi 5 mức giá muốn bán thấp nhất. Trong bảng đấu giá này có 2 lệnh đặt mua tổng số 37 cổ phiếu với giá 18.50 Euros, 4 lệnh mua 1065 cổ phiếu với giá 18.20 Euros… Bên bán thì có 1 lệnh bán 82 cổ phiếu với giá 19.50 Euros, 5 lệnh bán 280 cổ phiếu với giá 19.63 Euros…
Cách khai thác bảng đấu giá thế này: Bảng đấu giá trực tuyến thay đổi dữ liệu chừng hai đến ba lần trong mỗi phút, công ty trung gian cung cấp cho bạn dịch vụ này thì bạn mới có thể mua bán sát giá được, nếu không đọc được bảng đấu giá trực tuyến mà chỉ 15, 30 phút sau cũng là đã quá muộn màng, không thể mua bán kiểu rất ngắn hạn. Cũng như chợ trời, sự giao dịch chỉ được thực hiện khi phe bên này đồng ý với giá cả mà phe bên kia đưa ra. Nếu không thì mọi giao dịch bị ngưng trệ, giá niêm yết trên sàn đứng yên.
Theo bảng đấu giá này, phe mua chỉ có thể mua 82 cổ phiếu với giá 19.50 Euros, 280 cổ phiếu với giá 19.63 Euros… nếu họ muốn mua nhiều hơn thì họ phải trả giá cao hơn cho những cổ phần còn lại. Giả sử như bạn muốn mua 100 cổ phiếu lập tức, thì bạn phải ra lệnh market. Lệnh market có đặc điểm là không hiện trên bảng đấu giá vì lệnh “mua trên bán trước” này được lập tức được thi hành. Kết quả là bạn mua được 82 cổ phiếu với giá 19.50 Euros và 18 cổ phiếu còn lại với giá 19.63 Euros. Giá niêm yết trên sàn sẽ nhích lên ở mức 19.63 Euros. Muốn an toàn hơn thì bạn có thể ra lệnh mua theo giá ấn định (buy limit) 50 cổ phiếu với giá 19.63 Euros, thì kết quả cũng tương tự như vậy. Vì khi bạn ra lệnh chậm một chút, bị người khác hớt tay trên mua hết những cổ phiếu giá 19.50 Euros và 19.63 Euros, thì mệnh lệnh của bạn không có hiệu lực vì không ăn khớp với thị trường đang lên.
Chúng ta cũng cần sự hiểu biết này để tránh được nhiều “tai nạn” tài chính. Ở chợ trời, có hai mốc thời gian mà giá cả biến động rất lớn là buổi sáng khi người ta cần mua những hàng hoá cần thiết và buổi chiều khi người bán muốn bán tháo bán đổ để rảnh tay về nhà. Trong thị trường chứng khoán cũng vậy, hai giờ đầu và hai giờ cuối của một phiên dịch trong ngày là hai khoản thời gian nên chú ý nhất vì số lượng giao dịch dồi dào và giá cả giao động mạnh. Ngoài hai mốc thời gian này ra, khó có thể mua bán mua theo giá đang niêm yết vì hai bên phe bán lẫn mua đang “ghìm” nhau, dùng nhiều thủ đoạn để lường gạt, chèn ép người khác để có lợi cho họ.
Một mánh khóe cổ điển nhất của những tay “đá cá lăn dưa” trong thị trường chứng khoán là đặt và xóa những mệnh lệnh mua cổ phiếu gần với giá niêm yết, để cho người khác muốn mua phải nhích mức giá chào mời lên, rồi bất thình lình ra lệnh at market, bán những cổ phần đang sở hữu một cách đàng hoàng và đúng… luật.
Nhắc nhở từ chuyên gia: Nên lưu ý là tối thiểu thì công ty trung gian phải cho bạn khai thác 2 mệnh lệnh mua và bán theo giá ấn định, buy limit order và stop loss order để khai thác được nguyên tắc vàng của chứng khoán: bán cổ phần lỗ, giữ cổ phần lời.
Thị trường chứng khoán là một môi trường đầy cơ hội, bạn phải có tâm lý của một con thú săn mồi. Tính trời phú cho con thú săn mồi là biết nằm yên một nơi để chờ đợi cơ hội. Khi bạn ra mệnh lệnh mua tự động theo giá cả ấn định, buy limit, là ra lệnh cho tiền bạc của bạn “rình mồi” và sẽ “vồ” lấy cổ phần khi giá cả rơi vào đúng mức của bạn đặt ra. Nghệ thuật ở chỗ là nếu bạn đặt giá quá cao thì bạn dễ bị mua hố, và nếu bạn đặt giá quá thấp thì bạn chẳng mua được cổ phiếu. Biết mua đúng giá thì phi vụ mua bán thành công 75%.
Nhưng thị trường chứng khoán cũng là một môi trường đầy hiểm nguy, chỉ cần một tích tắc thời gian thôi là bạn đang ở vị trí kẻ săn mồi trở thành một… con mồi. Biết đặt mệnh lệnh tự động bán khi giá cả xuống, stop loss order, làm một con thỏ đế rút chạy để bảo toàn tài chính cũng là… một nghệ thuật. Nếu bạn đặt stop loss gần với giá niêm yết quá thì dễ bị bán, còn xa quá thì dễ bị lỗ nặng.
Tùy theo chiến lược của mỗi người, stop loss có thể giao động từ -0,1% đến -15% nhưng lúc nào nó cũng ít hơn ba lần sell limit. Nếu gặp may mắn, giá cả cổ phần tăng thì bạn có thể thay đổi stop loss order, nhích giá bán với mức cao hơn để bảo toàn phần lời.
Phương pháp này được gọi là trailing stop, theo góc nhìn của chuyên gia, có ba mức giá trailing stop quan trọng nhất là stop protection (bảo vệ), sell limit (bán theo giá ấn định) và stop tactical (chiến lược). Theo đó, khi cổ phần lên, bạn nên đổi mức giá stop loss, nhích lên sao cho vừa trường hợp khi cổ phần đi ngược lại, giá rớt xuống và lỡ phải bán đi, bạn vẫn có cân bằng tài chính dù đã trả chi phí giao dịch (stop protection). Khi cổ phần giao động gần đến mức giá mà bạn cần bán, thì bạn nên ra lệnh bán theo giá ấn định, sell limit. Khi giá của cổ phần đến mức có thể bán được thì tự động nó sẽ được bán ra, phi vụ của bạn thành công.
Nhưng nếu cổ phần có xu hướng tăng trưởng rất tốt, hơn cả mức mà bạn mong muốn thì bạn đừng nên bán vội với sell limit mà đặt stop loss ngay ở mức mà bạn muốn bán ra trong chiến lược vạch sẵn, rồi nhích dần theo sự tăng tiến của cổ phần. Bằng cách này thì bạn có thể kiếm lời nhiều hơn là chiến lược đã vạch ra (stop tatical).
Một nhắc nhở khác cũng từ chuyên gia chứng khoán: Các công ty trung gian dùng từ ngữ riêng để gọi nhiều mệnh lệnh tương tự nhau, bạn nên hiểu rõ chức năng của từng mệnh lệnh một để khai thác hết khả năng của nó và nhờ đó, thiết lập được nhiều chiến lược mua bán phong phú và sát giá cả hơn.
Trong tương lai, nhờ sự phát triển của tin học, sẽ có nhiều chương trình phân tích kỹ thuật đi song song với nhiều lệnh mua bán với giá ấn định khác nhau, người mua bán chứng khoán càng có nhiều công cụ để thiết lập những cuộc mua bán gần như là tự động, họ chỉ là những người “kỹ thuật viên” cai quản tiền bạc, chăm lo nó như người du mục chăn nuôi bầy cừu của mình.
Cũng cần nhập tâm rằng biết phân tích bảng đấu giá và biết đặt nhiều mệnh lệnh khác nhau là điều không thể thiếu cho những ai muốn lăn lộn trong thị trường chứng khoán. Một khi đã thành thạo các cách đặt lệnh theo giá ấn định, họ tiết kiệm được thời gian, khỏi phải ngồi lì, nhìn chăm chăm vào những con số đang niêm yết của thị trường, có thể vừa hành nghề chính thức và vừa có thể mua bán chứng khoán với giá cả theo ý của mình
Trong những trường phái dùng cách phân tích để biết cổ phần lên hay xuống đang thịnh hành hiện nay, thì trường phái phân tích kỹ thuật đang áp đảo những trường phái khác. Nhờ công nghệ thông tin và Internet, cách phân tích kỹ thuật “đăng quang” vì nó cho phép những người sử dụng rành rẽ phương pháp này mua bán mau lẹ với một số vốn tương đối nhỏ trong một thời gian ngắn.
Muốn trở thành tín đồ của trường phái phân tích kỹ thuật thì phải chấp nhận “giáo điều” này: Giá cả cổ phần là kết quả của tất cả những yếu tố kinh tế như xu hướng thị trường, tâm lý khách hàng, môi trường chính trị, tin tức lẫn tin đồn, khả năng phát triển, lời lỗ của công ty… Vì vậy các “cao thủ” trong trường phái phân tích kỹ thuật chỉ chú trọng về biểu đồ, đến sự giao động giá cả và số lượng cổ phiếu được mua bán mà phán đoán sự lên xuống của nó, ít khi nào họ tốn thời gian để chú tâm vào công ty cổ phần này hoạt động về lãnh vực gì và cũng không cần biết bản báo cáo tài chính nó ra sao. Người càng muốn mua bán ngắn hạn chừng nào thì bản biểu đồ của họ phải càng có nhiều thông tin về giá cả chừng đó.
Ngồi mát, ăn bát vàng?
Bất kỳ ai lăn lộn trong thị trường chứng khoán cũng hiểu rằng, có rất nhiều cách để mua bán chứng khoán. Từ yếu tố chủ quan như bản tính cá nhân, khả năng tài chánh, sự hiểu biết về kinh tế đến các tác động khách quan: Xu hướng của thị trường, nhà môi giới chứng khoán…mà mỗi người mua một vẻ, bán một kiểu, không ai giống ai.
Tuy nhiên trong xã hội văn minh, bất cứ thứ gì cũng phải được phân loại, cân đo đong đếm để đặt tên thì chứng khoán cũng không ngoại lệ, người ta cũng phân ra hai trường phái: Đầu tư và đầu cơ.
Trước hết nói về trường phái đầu tư (Investor). Người đầu tư cơ bản là người mua chứng khoán với mục đích kiếm lợi nhuận sau một thời gian dài từ 1 -2 đến 10-15 năm. Những người này xem xét rất kỹ bản báo cáo tài chính của công ty mà họ muốn bỏ tiền vào. Theo Philip Fisher, một trong những “thuyết giáo gia” của lãnh vực đầu tư thì có đến ...15 câu hỏi cần thiết khi người đầu tư muốn quyết định mua cổ phần hay không. Nào là sản phẩm, dịch vụ, ban quản lý, sự nghiên cứu để phát triển, lợi nhuận, chiến lược phát triển, nhân sự, kế toán... Sau khi xem xét từ mọi khía cạnh, người đầu tư nhận thấy phần ưu điểm có vượt trội hơn phần yếu điểm của công ty hay không rồi mới quyết định.
Một trong những nhà đầu tư kiểu này được biết nhiều nhất là tỷ phú Warren Buffet, người giàu thứ nhì thế giới, sau Bill Gate. Đầu tư kiểu này trùng khớp với mục đích của thị trường chứng khoán lẫn những công ty muốn được niêm yết để có vốn được gọi là kiểu phân tích căn bản (fundamental analysis)
Với trường phái đầu cơ (speculator), thì đó được xem rằng trong những cách làm giàu nhanh chóng nhờ Internet hiện nay, có những người giàu nhờ chứng khoán bằng cách mua và bán trong một thời gian rất ngắn từ vài ngày đến vài giây!. Những “triệu phú tại gia”’ loại này đang nở rộ, lan tràn đến hầu hết các thành phần của xã hội, từ thợ thuyền đến trí thức, từ về hưu đến thất nghiệp, học sinh đến công nhân... Họ phe phẩy ở nhà hoặc ở bất cứ nơi nào trên trái đất với điều kiện là nơi đó có internet.
Không nhân viên, không văn phòng, không lệ thuộc vào bất cứ ai, vừa được tự do thời gian lẫn không gian. Họ là những “tướng lãnh” tân thời, sử dụng tiền bạc như sử dụng cựu binh thu phục những tân binh khác theo về “dưới trướng”. Quyền lực của họ là trí óc, tùy theo sự điều binh khiển tướng của “thủ lĩnh” mà quân đội càng ngày càng phát triển hùng hậu hoặc suy yếu.
“Tuy nhiên không phải chỉ có tiền bạc là lập tức mua bán chứng khoán được. Người nhập cuộc phải nhận định rằng mình hợp với trường phái nào thì mới mong thành công lâu dài. Và dù là tín đồ của phái nào đi nữa thì cũng có chút kiến thức của phái kia vì phân tích căn bản được dùng để mua cái gì (what) và phân tích kỹ thuật để mua khi nào (when). Hai thứ đều bổ sung cho nhau”, chuyên gia chứng khoán Đoàn Thanh Tùng hiện đang hành nghề tại Liège, Belgium nhắc nhở như vậy với những ai khoái mua, bán cổ phiếu với máu đỏ đen của trò cờ bạc.