Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu hoạt động của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Ngân hàng MSB, mã cổ phiếu MSB - sàn HoSE) đạt 7.031 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 3.690 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,9% và 4% so với cùng kỳ năm trước.
Bóc tác dữ liệu cho thấy, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này trong nửa đầu năm đạt 4.708 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 của Ngân hàng MSB đạt 11,6%, cao gần gấp đôi so với mức 6% của toàn ngành ngân hàng.
Nếu chỉ tính riêng quý 2/2024, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng MSB đã giảm 1% so với quý trước. Nguyên nhân chính là do biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng này đã giảm còn 3,79% trong quý 2/2024, so với mức 3,9% của quý 1/2024, và hơn đáng kể so với mức 4,31% vào cuối quý 2/2023.
Theo đánh giá của Chứng khoán Dầu khí, việc các ngân hàng nói chung và Ngân hàng MSB nói riêng tăng lãi suất huy động từ đầu quý 2/2024 là nguyên nhân chính khiến cho NIM thu hẹp. Bên cạnh đó, tỷ lệ CASA của Ngân hàng MSB giảm từ 28,18% trong quý 1/2024 xuống chỉ còn 24,74% trong quý 2/2024 cũng khiến cho ngân hàng này mất đi một phần vốn huy động với chi phí rất rẻ.
Đối với vấn đề chất lượng tài sản, tỷ lê nợ xấu nội bảng của Ngân hàng MSB tại ngày 30/6/2024 là 3,08%, giảm 10 điểm cơ bản so với cuối quý 1/2024, nhưng lại tăng 21 điểm cơ bản so với hồi đầu năm nay. Việc đánh giá lại nợ liên đới CIC đã góp phần khiến cho tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng MSB tăng nhanh hơn.
Ngân hàng MSB cũng đã dùng dự phòng cụ thể để xoá 521,5 tỷ đồng nợ xấu trong kỳ. Dù vậy, Chứng khoán Dầu khí nhận định, tốc độ hình thành nợ xấu mới lại có dấu hiệu gia tăng khi tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng lên mức 2,1% so với 1,8% của 2 quý liền trước. Điều này cho thấy khả năng trả nợ của khách hàng chưa phục hồi và có nguy cơ làm tăng áp lực trích lập cho Ngân hàng trong những quý tiếp theo.
Đáng chú ý, tỷ trọng cho vay những ngành có hệ số rủi ro tín dụng cao như kinh doanh bất động sản và tài chính của Ngân hàng MSB được Chứng khoán Dầu khí đánh giá là tương đối lớn với dư nợ chiếm 15,2%.
Điểm sáng là tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Ngân hàng MSB trong quý 2/2023 đã tăng lên mức 58,6% - mức cao nhất trong 4 quý gần đây. Đồng thời, ngân hàng này tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ số an toàn với tỷ lệ CAR đạt mức 12,13%. Con số này cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8% của chuẩn Basel II và cũng thuộc nhóm các ngân hàng có bộ đệm rủi ro tốt.
Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (MTLT) cũng được kiểm soát ở mức 26%, đảm bảo dưới mức trần quy định là 30% theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN nhờ huy động tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm tăng trưởng khá tốt, tăng 14,4%, trong nửa đầu năm nay. Đồng thời, cơ cấu nợ theo kỳ hạn của Ngân hàng MSB cũng chuyển dịch một phần từ ngắn hạn sang trung hạn.
Dựa trên điều kiện thị trường hiện tại, Chứng khoán Dầu khí dự phóng tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng MSB cả năm 2024 là 15.104 tỷ đồng và lãi ròng đạt 5.217 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,2% và 12,3% so với năm 2023.