Hãng tin Bloomberg cho biết chính quyền địa phương lẫn trung ương tại Trung Quốc đang nới lỏng các tiêu chí kiểm dịch để các nhà máy tại nước này có thể quay trở lại sản xuất nhanh hơn trong bối cảnh hàng triệu doanh nghiệp tại Trung Quốc đối mặt nguy cơ phá sản và các chuỗi cung ứng toàn cầu từ sản xuất xe ô tô đến quần áo bị gián đoạn nghiêm trọng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hối thúc các doanh nghiệp nước này tái khởi động sản xuất và người dân quay trở lại các hoạt động thường nhật nhằm giúp nền kinh tế Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020. Trong thời gian qua, nhằm kiềm chế dịch virus Covid-19 lây lan, Chính phủ Trung Quốc đã buộc phải ngưng phần lớn các hoạt động kinh tế và đứng trước thách thức tốc độ tăng trưởng kinh tế về mức thấp kỷ lục.
Nới lỏng các biện pháp y tế, bất chấp rủi ro dịch bệnh
Giới chức y tế Trung Quốc cho biết đã nới lỏng các biện pháp kiểm dịch tại 4 tỉnh, gồm Vân Nam, Quảng Đông, Quý Châu và Sơn Tây để giúp các hoạt động kinh tế - xã hội tại đây dần trở lại mức bình thường. Các thành phố lớn vốn phụ thuộc vào hoạt động sản xuất như Đông Quản và Trung Sơn cho biết không yêu cầu công nhân phải cách ly kiểm dịch miễn là tình trạng sức khoẻ tốt và các nhà mày đã đáp ưng các yêu cầu an toàn kiểm soát dịch bệnh mới sẽ không cần phải đợi được cấp phép để trở lại hoạt động.
Tại Thâm Quyến – thủ phủ công nghệ cao của Trung Quốc, các doanh nghiệp cho biết chính quyền thành phố sẽ cho khởi động nhà máy ngay lập tức nếu đảm bảo các biện pháp kiểm soát sự lây lan của virus Covid-19 như khử trùng khu vực sản xuất, cấp phát ít nhất 2 khẩu trang một ngày và kiểm tra nhiệt độ cơ thể của nhân viên thường xuyên. Trên thực tế, một số báo cáo cho thấy nhiều doanh nghiệp mặc dù không tuân thủ theo hướng dẫn những vẫn được cấp phép hoạt động trở lại.
Nhà kinh tế học Iris Pang tại tập đoàn ngân hàng ING Bank NV (Hồng Kông) cho biết việc đưa các nhà máy quay trở lại hoạt động như bình thường đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo duy trì thu nhập cho người công nhân, tình hình tài chính của các doanh nghiệp và hoạt động xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc lược bỏ các biện pháp kiểm dịch để nhanh chóng thúc đẩy hoạt động sản xuất là một con dao hai lưỡi. Bà Iris Pang đặt ra một vấn đề “Nếu như một nhà máy được cho phép quay trở lại hoạt động trong ngày hôm nay và một tuần sau, một công nhân được phát hiện nhiễm virus thì nhà máy này lại phải đóng cửa để kiểm dịch trong 2 tuần tiếp theo”.
Chính quyền thành phố Đông Quản hiện yêu cầu các chủ sở hữu nhà máy tự chịu trách nhiệm về xử lý các rủi ro dịch bệnh phát sinh và đối mặt với các mức phạt nặng nếu dịch bệnh bùng phát.
Thiếu hụt lao động
Mặc dù được nới lỏng các quy định để có thể nhanh chóng sản xuất trở lại, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động trầm trọng. Theo dữ liệu của Bộ Giao thông Trung Quốc chưa đến 30% trong tổng số 300 triệu công nhân nhập cư đã di chuyển từ các khu vực làng quê trở lại các khu vực đô thị lớn. Công nhân nhập cư là lực lượng duy trì các hoạt động kinh tế của hầu hết các ngành sản xuất và dịch vụ.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Dong Liu - Phó chủ tịch một hãng dệt may sử dụng hơn 400 công nhân tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) cho biết “Nhà máy của tôi vẫn còn thiếu khá nhiều công nhân do đó công suất sản xuất chỉ khôi phục được một phần”.
Ông Dong Liu cũng cho biết ông nộp đơn xin khởi động lại nhà máy vào ngày 17/2 và được cấp phép hoạt động trở lại ngay ngày tiếp theo sau khi thanh tra y tế đến kiểm tra.
Nhiều công nhân nhập cư hiện đang lo ngại rủi ro nhiễm bệnh khi quay trở lại các khu đô thị vốn tập trung nhiều người. Một số khác thì không chắc chắn liệu có việc không trong bối cảnh các hoạt động kinh tế đều giảm sút và nhiều công nhân khác không thể di chuyển đến các khu đô thị khi các địa phương tại Trung Quốc áp đặt việc hạn chế đi lại. Dịch vụ giao thông công cộng tại Trung Quốc vẫn chưa quay trở lại bình thường khi nhiều chuyến tàu chỉ bán vé hạn chế và các tuyến bus bị tạm ngưng hoạt động.
Chính quyền tỉnh Chiết Giang, tỉnh có quy mô kinh tế thứ tư Trung Quốc, đã đưa ra một gói tài chính trị giá 100 triệu NDT (14,2 triệu USD) để hỗ trợ chi phí cho các công nhân muốn quay trở lại làm việc tại các nhà máy của tỉnh này; thậm chí, tổ chức các chuyến xe và tàu riêng để đưa công nhân trở lại các khu công nghiệp.
Huy động đủ công nhân chỉ là trở ngại đầu tiên mà các doanh nghiệp Trung Quốc phải đối mặt để tái khởi động sản xuất trở lại. Do các yêu cầu kiểm dịch tại các địa phương khác nhau nên vẫn còn nhiều nhà máy phải ngưng hoạt động, điều này khiến các nhà máy khác trong cùng chuỗi sản xuất phải chờ đợi nguồn cung nguyên liệu sản xuất đầu vào. Nhiều doanh nghiệp cho biết đang phải chờ các nhà cung ứng và doanh nghiệp vận tải hoạt động trở lại để khơi thông dòng chảy hàng hoá, nguyên liệu sản xuất.
Ông Jacky Han – chủ một doanh nghiệp sản xuất phụ tùng xe ô tô tại Thanh Đảo (Sơn Đông, Trung Quốc) cho biết nhà máy của ông vẫn đang chật vật tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu đầu vào, đến giải quyết các khó khăn trong hoạt động logistics, đóng gói và kho bãi cho hàng hoá.
Ưu tiên duy trì tăng trưởng kinh tế
Trong bối cảnh chưa có dấu hiệu cho thấy dịch virus Covid-19 đã hoàn toàn được kiểm soát tại Trung Quốc đồng thời hàng loạt ổ dịch lớn bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới, chính quyền các địa phương Trung Quốc đang chịu áp lực lớn trong việc vừa đảm bảo kiểm soát dịch bệnh vừa đảm bảo đạt được mục tiêu phát triển kinh tế.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson cuối tuần trước, ông Tập Cận Bình tự tin khẳng định Trung Quốc sẽ đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hồi đề ra năm nay.
Trong ngày 23/2, ông Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định ưu tiên hàng đầu hiện nay của Trung Quốc là đảm bảo tăng trưởng kinh tế bất chấp các tác động của dịch virus Covid-19. Trung Quốc hiện đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức “khoảng 6%” trong năm 2020. Trong năm 2019, tăng trưởng GDP của nước này chỉ đạt 6,1% - mức thấp kỷ lục trong 29 năm trở lại đây.
Nhiều chuyên gia y tế hiện cảnh báo tình trạng dịch virus Covid-19 hiện tại có khả năng sẽ biến thành “đại dịch”. Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa công nhận đây là “đại dịch”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn lo ngại “thế giới cần chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra một đại dịch”.