Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) mới đây công bố sẽ giảm lãi suất cơ bản cho vay 1 năm (LPR) từ mức 4,15% xuống 4,05%; lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm cũng được điều chỉnh giảm từ 4,8% xuống mức 4,75%. Đây là động thái mới nhất được Chính phủ Trung Quốc đưa ra nhằm khẩn cấp hỗ trợ nền kinh tế nước này vượt qua những tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19.
Trước đó, vào ngày 17/2, PBOC đã cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MFL) trị giá 200 tỷ NDT (tương đương 28,6 tỷ USD) thời hạn 1 năm từ 3,25% xuống 3,15%. Đồng thời, PBOC cũng bơm thêm 100 tỷ NDT (tương đương 14,33 tỷ USD) vào hệ thống tài chính nước này thông qua các nghiệp vụ REPO thời hạn 7 ngày với mức lãi suất 2,4% nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản trên thị trường.
PBOC kỳ vọng các biện pháp này sẽ giúp giảm bớt các áp lực tài chính mà các doanh nghiệp Trung Quốc đang phải đối mặt khi dịch virus Covid-19 khiến toàn bộ nền kinh tế nước này bị đình trệ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích nhận định việc cắt giảm lãi suất LPR của PBOC chỉ có tác dụng nhỏ đối Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ông Bo Zhuang, trưởng ban phân tích thị trường Trung Quốc tại hãng nghiên cứu TS Lombard, nhận định PBOC cần “mạnh tay” hơn nữa để giúp nền kinh tế Trung Quốc chống đỡ với dịch virus Covid-19. Trong khi đó, PBOC cho biết có thể cắt giảm hơn nữa lãi suất cho vay trung hạn.
Ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế về thị trường Trung Quốc tại hãng tư vấn Capital Economics nhận định việc giảm mười điểm phần trăm của lãi suất cho vay cơ bản sẽ chỉ giúp các doanh nghiệp Trung Quốc “một chút” trong việc chống đỡ các thiệt hại do dịch virus Covid-19 gây ra. Do điều này chỉ giúp giảm mức lãi suất trung bình của các khoản vay 1 năm tại các ngân hàng Trung Quốc từ 5,44% xuống mức 5,34%.
Trong khi đó, việc tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp khoanh nợ, hoãn trợ nợ và tiếp cận các khoản nợ vay ưu đãi sẽ giúp ích nhiều hơn, theo ông Julian Evans-Pritchard.