Bát Tràng thời hội nhập

“...¦ớc gì anh lấy được nàng, để anh mua gạch Bát Tràng về xây”. Nhưng ngày nay, người Bát Tràng không còn làm gạch nữa. Gốm sứ Bát Tràng đã lan toả không chỉ đến mọi gia đình, làng quê trên đất nước Việt Nam mà còn vươn ra thế giới. Bát Tràng hiện đang ở đỉnh cao của sự phát đạt, nhưng tiềm ẩn trong sự thịnh vượng đó là dấu hiệu chững lại và xu thế đi xuống của một làng nghề nổi tiếng...

 

Bắt đầu từ một cái tên

Nguyên văn Từ điển Địa danh lịch sử văn hoá Việt Nam viết về Bát Tràng như sau: Làng Bát Tràng ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, trên bờ trái sông Hồng. Về đời Trần gọi là xã Bát Khối (Bát Tràng và Thổ Khối). Dân làng Bạch Bát ở Ninh Bình di cư ra đó và sản xuất đồ sành, sứ có tiếng. Gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả ở nhiều nước trên thế giới. Chất lượng sản phẩm cao, xuất khẩu nhiều nên cuộc sống của dân làng khá giả.

Thế nhưng tác giả Anh Vân lại viết: Cách Hà Nội 10km về phía đông nam thuộc huyện Gia Lâm, làng gốm Bát Tràng đã tồn tại khoảng hơn 500 năm nay. Tên Bát Tràng được hình thành từ thời Lê vào thế kỷ 15, đó là sự hội nhập giữa 5 dòng họ gốm nổi tiếng là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm của làng Bồ Bát xứ Thanh Hoá di cư về phía kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp với dòng họ Nguyễn ở đất Minh Tràng này... Vào thế kỷ 16 – 17, gốm sứ Bát Tràng đạt đến đỉnh cao về chất lượng với các mảnh gốm sứ có ghi ngày tháng và chữ ký của thợ gốm được tìm thấy cho đến ngày hôm nay. Danh tiếng của gốm Bát Tràng bắt đầu mất dần vào đầu thế kỷ 18 khi các sản phẩm gốm sứ Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường.

Vậy là, cùng một địa danh vẫn có những cách hiểu khác nhau, thậm chí đối chọi nhau từ những khái niệm cơ bản như xuất xứ, năm sinh, tên gọi... Mặc dầu vậy, vẫn có điểm chung là sự hội tụ của những tay nghề điêu luyện với chất lượng tuyệt vời của đất sét trắng nơi đây.

 

Tranh cãi cũng từ cái tên

                Chưa lâu lắm, tình cờ ngồi trong quán nước dưới chân đê sông Hồng, tôi được chứng kiến một “sự thật”. Một nhóm thanh niên khá trẻ đang bàn luận sôi nổi với một vị trung niên dáng vẻ tin cậy. Cô gái mắt đỏ lên vì khóc, bức xúc nói: Đấy chú xem, hôm qua các cụ lại phản ứng nữa, còn gay gắt, mắng mỏ chúng cháu nữa cơ. Các cụ bảo, cho bọn nó làm trang web quá bằng bán rẻ thương hiệu à. Nhưng có phải bọn cháu làm cho chúng cháu đâu mà làm cho cả làng đấy chứ. Bọn cháu xây dựng trang web để người Bát Tràng bán hàng ra thế giới chứ có phải như ngày xưa cãi nhau chỗ đặt biển đề tên làng đâu.

Sau đó, nghe nói trang web mà các bạn trẻ xây dựng đã được khai trương với địa chỉ www.battrang-ceramics.org. Mừng cho các bạn trẻ Bát Tràng dám nghĩ, dám làm. Vui vì một mặt hàng thủ công mỹ nghệ vốn là thế mạnh của Việt Nam được tiếp cận gần hơn với thế giới hiện đại. Nhưng vẫn còn canh cánh nỗi lo về tư duy chỉ “khư khư giữ của” mà không cùng lo chung tay xây đắp cho thương hiệu đó mạnh lên, bền hơn.

 

Chững lại và đi xuống?

Chắc hẳn chưa bao giờ người Bát Tràng “giàu” như bây giờ. Hẳn rồi, Quang Vinh ceramics doanh thu năm qua khoảng 25 tỷ đồng, gốm Phước Tiên cũng thu trên chục tỷ... Đường sá được cải tạo sạch sẽ, nhà cửa khang trang, cửa hàng rạng rỡ, hàng hoá sầm uất, người bán kẻ mua nhộn nhịp. Nhưng tất cả lại như nét sơn bóng phủ ngoài những bất ổn, bởi quy luật phát triển đến đỉnh điểm của thịnh tức là bắt đầu của suy. Và Bát Tràng hiện đang đứng trước nguy cơ đó.

Trước đây, Bát Tràng nổi tiếng với các sản phẩm rất gần gũi với người dân Việt như chân đèn, lư hương, độc bình, song bình, bát vẽ, ấm chén, bình tích... Ngày nay, Bát Tràng “đi cùng thời đại” đã có thêm nhiều đồ gốm mỹ nghệ như lọ hoa, đĩa treo, tranh, tượng, phù điêu, con giống, trang sức... Nhưng hầu như nhà nào cũng làm bấy nhiêu mặt hàng mà mẫu mã, chủng loại lại chẳng khác nhau là mấy. Bởi chẳng mấy ai nghĩ đến hay “dám” làm như bà chủ Quang Vinh ceramics là thuê hẳn 5 nhà thiết kế người Hà Lan chuyên chỉ sáng tác các sản phẩm xuất khẩu. Và cũng ít người có thể tìm tòi, nung nấu nghiên cứu các loại men mới cho sản phẩm của mình như nghệ nhân Trần Độ - ông chủ Tiên Phước. Cũng hiếm người tìm cho mình một lối đi riêng như đồ gốm giả cổ của nghệ nhân Trần Độ, tranh gốm khổ lớn của Tiến Khang hay đèn gốm, đồ mỹ nghệ cao cấp của Tuấn “đồng nát”... Trong khi đó, kiểu làm ăn “chộp giật” như tặng phần trăm hoa hồng cao để hướng dẫn viên du lịch dẫn khách vào cửa hàng cho “chém đẹp” lại được không ít cửa hàng ở đây áp dụng. Hay như căn cứ vào tâm lý dễ dãi của khách hàng, không ít gia đình nơi đây đã coi việc sản xuất hàng loạt những sản phẩm rẻ tiền, chất lượng thấp là nguồn sống chính mà không mấy chú trọng đến việc nâng cao tay nghề, tìm kiếm thị trường.

Trong “thời điểm nhạy cảm” này, nếu Bát Tràng nói chung, các hiệp hội trong làng và các nghệ nhân tâm huyết nói riêng, nếu không cùng ngồi lại với nhau, cùng dự đoán xu thế thị trường, vạch ra lộ trình phát triển hợp lý thì việc Bát Tràng đi vào ngõ cụt sẽ là một tương lai không xa.

  • Tags: