Bạc Liêu, Bến Tre và Kiên Giang là 3 tỉnh ven biển. Nông dân trồng lúa nơi đây hằng năm gặp không ít khó khăn do xâm nhập mặn vào cuối vụ Đông Xuân, đầu vụ Hè Thu.
Gói kỹ thuật tiên tiến, đồng bộ
PGS.TS. Mai Thành Phụng- Phó Trưởng ban cố vấn chương trình, cho biết: “Trên cơ sở quy trình do ban cố vấn biên soạn từ nền tảng thành công các năm 2016- 2017, trong đó áp dụng đồng bộ các giải pháp canh tác và tiến bộ kỹ thuật, như: 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng, quản lý nước ướt khô xen kẽ, quản lý dịch hại theo IPM, không phun thuốc bảo vệ thực vật trong 40 ngày đầu gieo sạ, sử dụng giống xác nhận phù hợp với từng vùng.
Đặc biệt trong khâu giảm giống chương trình không nói chung chung mà cụ thể lượng hoá bằng số giống gieo sạ không được cao hơn 80kg/ha. Cái mới của việc bắt bà con giảm giống là phải có giải pháp để cho lúa đủ số chồi trên đơn vị diện tích, từ đó giúp đảm bảo số bông, đảm bảo năng suất sau này.
Để đảm bảo số chồi khi gieo sạ thưa bắt buộc ruộng lúa phải được san phẳng, phải được tạo các rảnh thoát phèn, mặn và đặc biệt là phải sử dụng phân bón hợp lý, bón lót phân bón Đầu Trâu Mặn Phèn nhằm hoá giải mặn phèn, bón thúc Đầu Trâu TE A1 sớm để lúa nở bụi, đảm bảo số chồi và bón đón đòng đúng để đảm bảo tăng hạt chắc. Đây là gói sản phẩm mà Bình Điền cùng các nhà khoa học đã đúc kết được trong nhiều năm qua”.
Bình Điền còn giúp địa phương lắp đặt các trạm quan trắc tại đầu nguồn nước để thường xuyên nắm được các chỉ tiêu về chất lượng nước, như: độ mặn, độ pH, thủy triều… thông qua phần mềm ứng dụng Mekong; nông dân có thể cập nhật hằng giờ trên điện thoại để quyết định việc lấy nước vào ruộng lúa; trang bị cho nông dân máy phun phân bón, bút đo độ mặn cầm tay, bộ test đo pH; phân tích mẫu đất đầu vụ; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cùng các giải pháp canh tác thông minh cho nông dân trong điều kiện đất nhiễm mặn.
Ông Lê Văn Dũng- Trưởng phòng kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang rất tâm đắc với gói kỹ thuật canh tác của chương trình. Theo ông, các trạm quan trắc nước ở đầu nguồn rất hiệu quả, cảnh báo nhanh độ mặn, độ pH, giúp nông dân chủ động và chính xác khi lấy nước ngọt vào ruộng. Đây là mô hình tốt, Kiên Giang sẽ đầu tư nhân rộng.
Nông dân Lê Tuấn Kiệt, ở xã Phong Tân, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đánh giá cao phân bón lót Đầu Trâu Mặn Phèn. Ông nói: “Tôi sử dụng phân bón lót ĐT Mặn Phèn từ năm 2016 đến nay, thấy ruộng nhà mình giảm độ nhiễm mặn dần. Từ chỗ bón 150 kg/ha, nay giảm xuống chỉ còn 100 kg/ha.
Ở chân ruộng không bón lót ĐT Mặn Phèn, sau sạ được 7- 8 ngày, gặp nắng nóng lúa chết rất nhiều do bị ngộ độc mặn, còn bên ruộng có bón lót thì không. Không chỉ sử dụng trong mô hình, tôi còn vận động bà con xung quanh cùng dùng phân bón lót Đầu Trâu Mặn Phèn. Rất hiệu quả.”
“Mô hình lúa tôm sạch, có đóng góp của Công ty Bình Điền là rất thông minh, có một không hai trên thế giới. Chúng tôi mong Bình Điền hỗ trợ để đẩy lên (từ 40.000ha/năm 2021, đến 60.000ha/năm 2025", ông Huỳnh Quốc Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu, nói.
Theo KS. Trương Thị Bình, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre thì làm lúa vụ hè thu vừa rồi tại Bến Tre gặp nhiều cái khó, như quản lý đồng ruộng, đất giữ nước kém, nhiễm mặn nặng, thời tiết thất thường, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao… nhưng thực hiện gói kỹ thuật canh tác thông minh của Bình Điền tiết kiệm được chi phí đầu vào, năng suất lúa lại tăng, nên vẫn đạt được lợi nhuận tăng hơn 4,5 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.
Tính chung cả 3 tỉnh, năng suất đạt được trong mô hình tăng từ 170 kg, đến 650 kg/ha. Lợi nhuận tăng thêm từ 0,85 triệu đồng đến 4,73 triệu đồng/1ha.
“Mô hình đã có hiệu ứng tốt với xung quanh. Giảm giống, giảm đầu vào- nhất là thuốc bảo vệ thực vật, tăng lợi nhuận cho nhà nông… là đúng hướng đi của Bộ. Khuyến nông quốc gia sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bình Điền và nông dân đồng bằng sông Cửu Long trong vụ lúa Đông Xuân 2021- 2022 tới", ông Doãn Văn Chiến, phó Văn phòng thường trực Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại Nam bộ khẳng định.
Nông dân thành chuyên gia
PGS.TS. Mai Thành Phụng, chia sẻ: “Vì người nông dân, lấy người nông dân làm trung tâm. Giúp nông dân dần trở thành như là chuyên gia trên đồng ruộng của mình. Nông dân tự xử lý được các tình huống phức tạp xảy ra trong sản xuất do tác động của biến đổi khí hậu… là cái đích của chương trình.”
Ông Trần Văn Em, nông dân ở ấp Mường Kinh, xã Sơn Bình, huyện Hòn Đất, hồ hởi nói: “Làm lúa thông minh thế này, thật khỏe. Đầu vào toàn bộ có trong gói kỹ thuật, cứ vậy mà làm, không phải chăm chăm tối ngày thăm ruộng như trước, cứ ngồi nhà, hay đi du lịch ở xa vẫn biết ruộng của mình ra sao, có cần tưới hay rút bớt nước, tưới bao nhiêu nước là vừa tùy vào thời kỳ sinh trưởng của cây lúa. Cả việc so màu lá lúa cũng qua điện thoại được, để biết phải tăng giảm phân bón cho đúng kỹ thuật.”
Ông Phan Văn Tâm - Giám đốc Marketing, Công ty CP Phân bón Bình Điền khuyến cáo bà con nông dân cách thức bón phân đúng để giảm chi phí sản xuất.
Thực tế nhiều năm qua chương trình đã chứng minh cho bà con thấy, bón đúng, đủ cho lúa chẳng những giúp lúa trúng mà còn giảm chi phí phun thuốc. Bình Điền không dừng lại ở đó mà sẽ tiếp tục có bước cải tiến để giúp bà con giảm chi phí khi phân bón đang có xu hướng tăng cao; Bình Điền sẽ đưa tới bà con nông dân sản phẩm phân bón mới Đầu Trâu 3 trong 1 giúp giảm lượng bón, nhất là kali, cũng tức là giảm chi phí sản xuất cho nông dân.
Ông Phan Văn Tâm chia sẻ, nông dân mình đang phấn đấu để trở thành người nông dân hiện đại. Họ rất chủ động nghiên cứu, nhận ra tính hiệu quả của công nghệ và hào hứng ứng dụng nó vào công việc đồng ruộng của mình.
Bình Điền đang cùng với bà con nông dân ứng dụng số vào canh tác. Thông qua chương trình Canh tác lúa thông minh bà con đã tiếp cận đến chương trình kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ số, đó là tương lai của một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và phát triển bền vững.”