Bước qua “Vạn sự khởi đầu nan”
Khởi nguồn từ những giọt bia đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1875 tại 187 đường Nguyễn Chí Thanh ngày nay. Sau ngày miền Nam giải phóng, ngày 1/6/1977, Công ty Rượu Bia Miền Nam tiếp nhận và quản lý, đổi tên thành Nhà máy Bia Sài Gòn, chuyển sang thời kỳ mới, đây chính là viên gạch đầu tiên xây dựng nên nền móng cho Tổng công ty CP Bia Rượu NGK Sài Gòn, cũng là sự khởi đầu của lịch sử xây dựng và phát triển thương hiệu Bia Sài Gòn.
Ngay trong năm đầu tiếp quản, tập thể cán bộ công nhân viên nhà máy đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức: Hệ thống thiết bị xuống cấp; nguyên liệu tồn kho cạn dần trong khi nguồn bổ sung không được bao nhiêu; nhiên liệu được cung cấp thiếu thốn và nhỏ giọt; phụ tùng tồn kho để sửa chữa đã cạn; sức mua của người dân suy giảm, nhiều đơn vị thương nghiệp giảm chỉ tiêu nhập hàng; đời sống người lao động lao đao. Mặc dầu lãnh đạo công ty lúc bấy giờ hết sức tích cực chủ động xoay sở tìm cách tháo gỡ nhưng cũng chỉ đủ để sản xuất cầm chừng, thậm chí có lúc chỉ sản xuất để giữ men.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Lương thực và Thực phẩm (nay là Bộ Công Thương) toàn nhà máy đã phát huy sức mạnh tập thể, phát động, thực thi hiệu quả hàng loạt các phong trào thi đua, cải tiến hợp lý hóa giữ vững sản xuất. Duy trì sản xuất cho một thương hiệu lâu đời như Bia Sài Gòn không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn hướng đến phát triển cơ cấu hài hòa giữa công nghiệp nhẹ với công nghiệp nặng và sản xuất hàng tiêu dùng mà ngành Công Thương được giao trách nhiệm.
Năm 1985, kỳ tích cuối cùng đã xuất hiện: Nhà máy sản xuất được 760 tấn Malt từ lúa mì, nhờ đó mà có đủ nguyên liệu để sản xuất liên tục. Để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, nhà máy còn thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học như dùng Ezim để giảm tiêu hao nguyên liệu nhập, dùng Matures để rút ngắn chu kỳ lên men tăng sản lượng.
“Vạn sự khởi đầu nan” đã vượt qua, Bia Sài Gòn đã tìm được chỗ đứng trong ngành hàng tiêu dùng của cả nước; để hôm nay, mỗi cán bộ, người lao động SABECO có thể tự hào, trên mỗi bước đường trưởng thành của ngành Công Thương, đều có những hình ảnh của Bia Sài Gòn và sự chung tay đóng góp của mình trong đó.
Chiến lược tăng tốc
Nhìn suốt cả chặng đường phát triển, Bia Sài Gòn đã duy trì được đà tăng tốc suốt hơn 4 thập kỷ qua; nhưng con đường không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Đã có thời kỳ như năm 1997, cơn bão khủng hoảng tài chính tiền tệ trên thế giới và khu vực nổ ra, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế Việt Nam nói chung và Bia Sài Gòn nói riêng. Cùng thời điểm, Tổng Công ty cũng gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các loại bia địa phương, bia liên doanh và nước ngoài, sản phẩm bia lon có lúc tồn kho trên 800.000 thùng.
Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, với trách nhiệm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, góp phần vào bình ổn thị trường, Bia Sài Gòn kiên trì thực hiện chương trình đầu tư cải tạo cơ sở, nâng cao sản lượng, chất lượng, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, giữ vững tốc độ tăng trưởng.
Năm 2003, Sabeco khởi động chiến lược tăng tốc, đặt mục tiêu đến 2010 đạt sản lượng 1 tỷ lít bia/năm, mặc dù khi đó sản lượng của Sabeco mới đạt 300 triệu lít bia/năm. Đây là 1 thách thức rất lớn, đồng nghĩa với việc bình quân mỗi năm Sabeco phải tăng sản lượng lên khoảng 80 đến 100 triệu lít bia.
Sabeco đã triển khai 2 hình thức mở rộng quy mô. Một là đầu tư những dự án lớn nhất Việt Nam, ngang tầm châu Á để giải quyết bài toán phát triển chiều sâu, lâu dài. Hai là mở rộng các cơ sở sản xuất vệ tinh tại nhiều địa phương. Chiến lược này đã nhanh chóng cho thấy tính hiệu quả trong việc đảm bảo tốc độ và quy mô tăng trưởng sản lượng. Tháng 11 năm 2010, Sabeco cán mốc 1 tỷ lít bia.
Đó không chỉ là con số đơn thuần nếu ta biết rằng, năm 2007 khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều người không khỏi lo theo dõi ngành Công Thương sẽ quản lý thị trường trong nước thế nào khi hội nhập sâu rộng. Trước đó, năm 1991, Công ty TNHH Nhà Máy Bia Việt Nam (VBL), được một tên tuổi lớn nhất làng bia thế giới - Heineken được thành lập.
Năm 2007, mua lại tập đoàn Foster’s Việt Nam và thành lập 2 Nhà máy bia ở Đà Nẵng và Tiền Giang. Do đó, con số 1 tỷ lít bia năm 2010 của Sabeco chiếm 46% thị phần lúc đó, gấp hơn 2 lần con số 20% của Heineken còn là một trong những minh chứng hùng hồn, xua tan đi những e ngại của buổi đầu hội nhập.
“4C” - mô hình phát triển bền vững
Năm 1993, Nhà máy Bia Sài Gòn đổi tên thành Công ty Bia Sài Gòn; đến năm 2008, chính thức thành lập Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO); năm 2016 chính thức đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán; và đến năm 2018, SABECO đã trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đây chính là một bước để Tổng công ty chuyển mình vươn lên khẳng định vị thế hàng đầu tại Việt Nam và vươn tầm thế giới.
Tổng giám đốc SABECO - ông Bennett Neo, khẳng định: “Xuyên suốt chặng đường 146 năm qua, SABECO đã cùng đất nước Việt Nam trải qua nhiều biến động. Chính những giá trị lịch sử đó đã tạo nên một SABECO vững mạnh và bền bỉ như ngày hôm nay. Chúng tôi tự hào với những di sản và giá trị truyền thống của Công ty và sẽ tiếp tuc kế thừa, phát huy mạnh mẽ hơn nữa thương hiệu Việt để SABECO luôn là niềm tự hào của người Việt Nam, tiếp tục song hành cùng sự đi lên không ngừng của đất nước Việt Nam”.
Ông Lâm Du An, một kỹ sư cơ khí của Nhà máy Bia Sài Gòn, nay là Phó tổng giám đốc phụ trách sản xuất và kỹ thuật, chia sẻ về cảm xúc hơn 30 năm gắn bó: “Tôi luôn xem SABECO là ngôi nhà thứ hai và những đồng nghiệp như là người thân trong gia đình. Mỗi chặng đường mà chúng tôi trải qua đều mang đậm tinh thần của Bia Sài Gòn và mỗi khi nghe ai nhắc đến Bia Sài Gòn hay SABECO, tôi đều hãnh diện, tự hào vì mình là một phần trong đó”.
Việc xác định và duy trì giá trị niềm tự hào bia Việt trong thời kỳ mới sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Sabeco trong các chiến lược phát triển, nhất là khi ngành Công Thương đẩy mạnh chiến lược phát triển các thương hiệu quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, cho biết, những thương hiệu bản địa như Vinamilk, Sabeco, Vietnam Airlines, Vingroup... đang giúp Việt Nam có được những thương hiệu quốc gia vươn ra khẳng đinh thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới.
Năm 2021, dịch Covid-19 đang tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường trong nước, làm giảm nhu cầu tiêu thụ bia và tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh nói chung của các doanh nghiệp. Do vậy, nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất bia đặt kế hoạch tiêu thụ bia giảm so với năm 2020. Trong khi đó, Sabeco vẫn dự kiến doanh thu tăng 20%, đạt 33.491 tỉ đồng.
Trong chiến lược phát triển bền vững của mình, SABECO đã xây dựng một mô hình phát triển bền vững “4C”: Consumption (Tiêu thụ) - Conservation (Bảo tồn) - Country (Đất nước) - Culture (Văn hóa). Mô hình 4C này được phát triển với bốn yếu tố chính là khuyến khích người tiêu dùng tiêu thụ bia có trách nhiệm; hoạt động kinh doanh và sản xuất với nguyên tắc bảo tồn và bảo vệ môi trường; đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành Công Thương và nền kinh tế, và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.