Ngày 28/05/2024, tại Trụ sở Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ông Lê Ngọc Lâm – Tổng Giám đốc BIDV và Ông Jean-Pierre Marcelli – Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) Khu vực Đông Nam Á đã đại diện hai cơ quan ký kết Bản Ghi nhớ (MOU) nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, đặc biệt trong hoạt động tài chính xanh hướng tới phát triển bền vững giữa hai bên.
Bản ghi nhớ khẳng định BIDV luôn hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả với AFD triển khai các chương trình/dự án tại Việt Nam, dành sự ưu tiên hàng đầu cho các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu và các lĩnh vực chuyển dịch năng lượng công bằng phù hợp với thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam trong chương trình JETP, tạo điều kiện cho các dự án tiếp cận nguồn vốn của AFD. Thông qua bản ghi nhớ, AFD cam kết tăng cường hợp tác với BIDV trong lĩnh vực tài chính xanh, tiếp tục dành cho BIDV các nguồn vốn ưu đãi tài trợ các dự án phát triển bền vững, hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực, nâng cao quản lý rủi ro môi trường xã hội của Ngân hàng, cũng như hỗ trợ BIDV tham gia các mạng lưới/tổ chức quốc tế hoạt động về phát triển tài chính xanh.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV bày tỏ: “Bản ghi nhớ là dấu mốc quan trọng, thể hiện sự tin tưởng, sẵn sàng đồng hành hợp tác trong quá trình phát triển của cả BIDV và AFD trong giai đoạn mới. Là Ngân hàng luôn tiên phong thực thi các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, BIDV đã nhanh chóng đưa tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh vào chiến lược phát triển kinh doanh đến 2025, tầm nhìn đến 2030. Với sự hỗ trợ từ AFD, BIDV tin tưởng rằng Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai thành công các mục tiêu phát triển xanh và chuyển đổi thành Ngân hàng phát thải ròng bằng “0” (Net-Zero Bank) vào năm 2045, từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam”.
Ông Jean Pierre Marcelli – Giám đốc AFD Khu vực Đông Nam Á cho biết: “Kể từ khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam vào năm 1994 đến nay, AFD đã huy động hơn 3 tỷ EUR hỗ trợ cho mục tiêu phát triển bền vững và hướng tới nền kinh tế các bon thấp. AFD đánh giá cao sự hợp tác của BIDV trong phát triển tài chính xanh tại Việt Nam, với sự thành công nhanh chóng của việc triển khai hạn mức tín dụng xanh SUNREF trị giá 100 triệu USD và sắp tới đây là hạn mức tín dụng khí hậu 50 triệu EUR. Qua việc ký kết MOU, AFD khẳng định BIDV là một trong những đối tác tài chính chiến lược quan trọng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục cùng BIDV thúc đẩy tài chính khí hậu tại Việt Nam thông qua hoạt động cho vay lại của ngân hàng trong đó đặc biệt chú trọng vào các dự án ứng phó biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng bền vững. Đồng thời với vai trò là thành viên tích cực trong các mạng lưới tài chính xanh toàn cầu và khu vực, AFD sẵn sàng ủng hộ và hỗ trợ BIDV tham gia các tổ chức này”.
BIDV là ngân hàng chủ lực trong hệ thống ngân hàng Việt Nam và là ngân hàng hàng đầu trong quản lý nguồn vốn ủy thác nước ngoài. Từ năm 2005 đến nay, BIDV và AFD đã thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác giữa hai bên thông qua việc triển khai cho vay lại, phục vụ hiệu quả nhiều dự án của AFD như Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ 127,6 triệu EUR, Dự án Thuỷ điện Ialy mở rộng 74,7 triệu EUR, Dự án Tăng cường lưới điện miền Nam 80 triệu EUR, Hạn mức tín dụng xanh SUNREF 100 triệu USD... Bản ghi nhớ được ký kết giữa BIDV và AFD sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các bên, tạo dựng các giá trị bền vững cho cộng đồng.
AFD là cơ quan Nhà nước và là định chế tài chính công của Pháp. AFD thành lập chi nhánh tại Việt Nam từ năm 1994. Chiến lược trọng tâm của AFD nhằm hỗ trợ triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu xoay quanh: chuyển đổi năng lượng carbon thấp, tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các đô thị và lãnh thổ trước biến đổi khí hậu và hỗ trợ cho giới trẻ.
Trong 27 năm hoạt động tại Việt Nam, AFD đã cam kết hỗ trợ Việt Nam tổng mức vốn ODA khoảng 2,1 tỷ EUR cho gần 100 chương trình, dự án phát triển bền vững, phân bổ trong các ngành kinh tế quan trọng như: năng lượng, giao thông, hạ tầng thích ứng với biến đối khí hậu, môi trường… Đặc biệt, thời gian vừa qua, AFD đã tập trung hỗ trợ cho lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này rất phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.