Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may trong quá trình chuyển đổi xanh theo hướng phát triển bền vững, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hiện đang triển khai gói tín dụng xanh 4.200 tỷ đồng với các ưu đãi hấp dẫn về lãi suất, chính sách tài sản đảm bảo và tỷ giá.
Chương trình triển khai đến 30/6/2024 hoặc đến khi giải ngân hết ngân sách.
Theo đó, các doanh nghiệp dệt may đủ điều kiện tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ các khoản vay ngắn hạn và các khoản vay dài hạn với lãi suất cạnh tranh để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch xanh theo hướng phát triển bền vững. Đồng thời, doanh nghiệp cũng được hưởng những ưu đãi về chính sách tài sản đảm bảo và ưu đãi tỷ giá lên tới 170 điểm cho các giao dịch mua bán ngoại tệ trên BIDV iBank.
Cụ thể, khoản vay xanh ngắn hạn là khoản vay dành cho các doanh nghiệp dệt may có phương án sản xuất kinh doanh các sản phẩm dệt may đạt tiêu chuẩn, được chứng nhận hoặc được dán nhãn bền vững (tiêu chuẩn tái chế toàn cầu – GRS; nhãn cotton bền vững – BCI; chứng nhận sản phẩm bền vững C2; tiêu chuẩn không xả thải hóa chất nguy hại – ZDHC;…).
Khoản vay xanh trung, dài hạn là khoản vay nhằm tài trợ các dự án xây dựng/cải tạo công trình xanh, thay thế cải tạo máy móc thiết bị hướng tới sử dụng năng lượng hiệu quả như hệ thống nhiệt điện, hệ thống thu hồi và sử dụng phụ phẩm, hệ thống xử lý chất thải,...
Bên cạnh các khoản vay, các doanh nghiệp cũng được tư vấn sử dụng các giải pháp tài chính toàn diện, hỗ trợ tăng cường hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp như tài trợ thương mại, bảo lãnh, quản lý dòng tiền, chuyển tiền quốc tế đi và đến,… đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ mang lại nhiều tiện ích dành cho các doanh nghiệp dệt may có hoạt động xuất nhập khẩu như Thư tín dụng trả chậm được thanh toán trước hạn; Chiết khấu hối phiếu đòi nợ kèm bộ chứng từ xuất khẩu; Tài trợ thực hiện hợp đồng xuất khẩu…
Chuyển dịch xanh theo hướng phát triển bền vững đang là xu thế tất yếu đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nhằm đáp ứng các “tiêu chuẩn xanh” của thị trường quốc tế và gia tăng xuất khẩu hàng hóa.
Theo đó, ngoài các chính sách ưu đãi từ BIDV, việc đáp ứng các tiêu chí xanh sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn trong tương lai từ các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính quốc tế quan tâm đến các dự án xanh.
Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2022 xác định một trong những nhóm giải pháp thực hiện Chiến lược là đổi mới khoa học, công nghệ và phát triển bền vững, xanh hoá ngành Dệt may, Da giầy.
Theo đó, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, công nghệ sạch trong ngành Dệt may, Da giầy; ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao năng lượng, giảm lượng nước xả thải, giảm phát thải khí nhà kính; tăng cường tái chế, tái sử dụng nguyên, nhiên vật liệu, chất thải; tập trung ưu tiên vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hoá, thân thiện với môi trường.
Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong sản xuất và phát triển các loại nguyên, phụ liệu trong nước chưa sản xuất được, các sản phẩm dệt may, da giầy chất lượng cao, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn, thân thiện môi trường; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong ngành Dệt may, Da giầy đầu tư nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Xây dựng chính sách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (in 3D, vật liệu mới, tự động hoá, robot, số hoá,...), ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo để tham gia sâu vào chuỗi giá trị, tạo bước chuyển biến thực chất trong quá trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngành Dệt may, Da giầy.
Thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may, da giầy trong nước tiếp cận, thực hiện quy hình xanh hóa trong sản xuất và đạt các chứng chỉ về bảo vệ môi trường, về tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các thị trường mục tiêu...