Nhằm thúc đẩy tham vọng toàn cầu về khí hậu cũng như đảm bảo công bằng xã hội trong quá trình chuyển đổi xanh, tạo ra việc làm xanh và hạn chế gia tăng bất bình đẳng.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã đồng chủ trì buổi lễ trực tuyến tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh (GSP) giữa Việt Nam và Đan Mạch. GSP mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác hơn 50 năm giữa Việt Nam và Đan Mạch.
Quan hệ chiến lược lịch sử giữa Việt Nam và Đan Mạch
Trong những năm từ 1993 đến 2015, Đan Mạch là một trong những quốc gia có chương trình Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) song phương lớn nhất cho Việt Nam, đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo cũng như đóng góp vào những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong quá trình chuyển mình từ một nước nghèo thành một nước có thu nhập trung bình thấp với tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội ấn tượng như hiện nay.
Năm 2013, Đan Mạch và Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện, nâng tầm quan hệ song phương của hai nước từ hợp tác phát triển truyền thống lên quan hệ đối tác chính thức bao trùm các lĩnh vực như đối thoại chính trị, thương mại và đầu tư, tăng trưởng xanh, năng lượng, an toàn thực phẩm, văn hóa, v.v.
Kể từ đó, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững luôn là chủ đề nổi bật trong mọi chương trình hợp tác chiến lược giữa Đan Mạch và Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, y tế, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục, thương mại và đầu tư, v.v.
Việt Nam - đối tác quan trọng trong quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch và có ngành công nghiệp đang phát triển ngày càng tiêu tốn nhiều năng lượng. Tuy nhiên, với vị thế là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á và dân số hơn 100 triệu người.
Việt Nam có vai trò to lớn cũng như là một đối tác quan trọng trong tương lai xanh của thế giới. Thỏa thuận thiết lập GSP đã đưa mối quan hệ hợp tác vốn đã thân thiết và thành công giữa Việt Nam và Đan Mạch lên một tầm cao mới.
Ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết: ‘Đối tác Chiến lược Xanh sẽ tập trung giải quyết các vấn đề có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế của Việt Nam cũng như hướng các nỗ lực tới việc sử dụng nhiều hơn công nghệ xanh và thực hành bền vững. Chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào sự thành công của mối quan hệ đối tác này vì hai nước chúng ta không những phải đối mặt với nhiều thách thức giống nhau mà còn cùng chia sẻ mức độ tham vọng và cam kết cao.
Tuy xuất phát điểm có thể khác nhau nhưng cả hai nước chúng ta đều hướng đến một mục tiêu chung: một tương lai xanh. Khi chúng ta cùng chung tay và chí hướng, GSP sẽ là công cụ quan trọng hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu quốc gia đầy tham vọng về chuyển đổi xanh cũng như thực hiện cam kết quốc tế đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong quan hệ đối tác này, Đan Mạch có thể đóng góp bằng các kinh nghiệm, tri thức, công nghệ và giải pháp xanh. Chính phủ Đan Mạch cũng mong muốn quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh giữa Đan Mạch và Việt Nam sẽ khơi nguồn cảm hứng cũng như tạo ra một hình mẫu về hợp tác song phương Bắc-Nam.'
GSP là thỏa thuận hợp tác đôi bên cùng có lợi với mục đích thúc đẩy hợp tác chính trị, mở rộng quan hệ kinh tế liên quan đến tăng trưởng xanh, tạo thêm việc làm, tăng cường hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu và phát minh các giải pháp trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và biến đổi khí hậu, tập trung vào việc quyết tâm thực hiện Thỏa thuận Paris và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc.
Tiếp theo tuyên bố này, hai phía Việt Nam và Đan Mạch sẽ nhanh chóng bàn bạc và đưa ra một kế hoạch hành động của GSP với các mục tiêu tham vọng và hành động cụ thể. Kế hoach hành động này sẽ đẩy mạnh việc trao đổi kiến thức và kinh nghiệm thực hành tốt nhất, tăng cường xây dựng năng lực, thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong các chương trình hợp tác chiến lược giữa hai nước đang tiến hành trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp thực phẩm, y tế, giáo dục, thống kê, v.v.
Kế hoạch này cũng sẽ bao gồm các sáng kiến mới trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như phát triển bền vững, khí hậu, giải pháp hàng hải, v.v.
Việc ký kết thỏa thuận này đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác của hai nước cũng như thiết lập một khuôn khổ vững chắc để hỗ trợ Việt Nam phát triển một nền kinh tế có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, ít phát thải carbon cũng như thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn.