Phòng vệ thương mại là nội dung thuộc Chương 6 của Hiệp định CPTPP gồm 2 phần chính: các quy định về biện pháp tự vệ và các quy định về chống bán phá giá và chống trợ cấp. Trong nội dung về biện pháp tự vệ có điều khoản nói về biện pháp tự vệ chuyển tiếp.
Lý do căn bản để thiết kế điều khoản tự vệ chuyển tiếp là, trong giai đoạn chuyển tiếp, khi nhiều dòng thuế của các thành viên CPTPP được xóa bỏ hoàn toàn sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng lượng nhập khẩu gia tăng đột biến từ các thành viên khác. Vì vậy, CPTPP thiết lập cơ chế tự vệ trong thời gian chuyển tiếp.
Theo đó, tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp cho phép một nước thành viên áp dụng biện pháp tự vệ chỉ trong thời gian chuyển tiếp nếu lượng nhập khẩu gia tăng đột biến do kết quả của việc cắt giảm thuế theo các cam kết trong CPTPP, đồng thời sự gia tăng đó gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước.
Điều cần lưu ý là, CPTPP cấm các thành viên sử dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp bằng cách thức quy định hạn ngạch thuế quan hoặc hạn chế số lượng. Thay vào đó, các bên có thể sử dụng các công cụ tự vệ chuyển tiếp sau: đình chỉ việc tiếp tục giảm thuế theo cam kết đối với mặt hàng đó; tăng thuế suất đối với hàng hóa đó không vượt quá thuế suất theo nguyên tắc tối huệ quốc có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp này hoặc thuế suất theo nguyên tắc tối huệ quốc có hiệu lực vào ngày liền trước ngày Hiệp định có hiệu lực, tùy mức nào thấp hơn6.
Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp không được vượt quá 2 năm. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn áp dụng có thể kéo dài thêm tối đa 1 năm. Tuy nhiên, các bên không được duy trì biện pháp tự vệ chuyển tiếp vượt quá thời hạn của giai đoạn chuyển tiếp. Nếu thời gian áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp nhiều hơn 1 năm, nước áp dụng biện pháp này phải dần nới lỏng biện pháp đó một cách đều đặn trong suốt thời gian áp dụng.
Kết thúc giai đoạn áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp, mức thuế quan đối với loại hàng hóa đó sẽ được điều chỉnh bằng mức được nêu trong biểu cam kết về thuế của các thành viên. Bất kỳ loại hàng hóa nào cũng chỉ có thể bị áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp duy nhất một lần.
Cụ thể, tại Điều 6.3 quy định, một bên có thể áp dụng một biện pháp tự vệ chuyển tiếp, chỉ trong giai đoạn chuyển tiếp, nếu kết quả của việc giảm hoặc miễn thuế quan theo Hiệp định này dẫn đến, thứ nhất, hàng hóa có nguồn gốc từ một bên khác được nhập khẩu vào lãnh thổ của bên đó với số lượng tăng tuyệt đối hoặc tăng tương đối so với hàng hóa sản xuất nội địa của bên nhập khẩu, và với điều kiện gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước. Hoặc, hàng hóa có nguồn gốc từ hai hoặc nhiều bên, cùng lúc được nhập khẩu vào lãnh thổ của bên kia với số lượng tăng lên một cách tuyệt đối hoặc tương đối so với ngành sản xuất trong nước, và với điều kiện gây ra hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước, bên áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp chứng minh được rằng hàng hóa nhập khẩu xuất xứ từ bên khác đã tăng tuyệt đối hoặc tương đối so với ngành sản xuất trong nước kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực.
Nếu các điều kiện trong Đoạn “thứ nhất” được đáp ứng, một bên có thể ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng trong phạm vi cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh các vấn đề sau:
(a) đình chỉ việc tiếp tục giảm bất kỳ thuế suất nào theo quy định của Hiệp định này đối với hàng hóa đó; hoặc
(b) tăng thuế suất đối với hàng hóa đó đến một mức không cao hơn mức thấp hơn trong các mức sau:
(i) thuế suất theo nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp này; và
(ii) thuế suất theo nguyên tắc tối huệ quốc có hiệu lực vào ngày liền trước ngày Hiệp định này có hiệu lực cho bên đó.
Điều 6.3 cũng quy định rất rõ, hạn ngạch thuế quan và biện pháp hạn chế số lượng đều không phải là một biện pháp tự vệ chuyển tiếp được cho phép.
Tiêu chuẩn áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp được quy định như sau: Một Bên chỉ được duy trì một biện pháp tự vệ chuyển tiếp trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng và nhằm tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh.Thời hạn này không được vượt quá hai năm, trừ trường hợp nếu cơ quan có thẩm quyền của bên áp dụng biện pháp quyết định rằng, phù hợp với các thủ tục quy định tại Điều 6.5 (Thủ tục Điều tra và Yêu cầu Minh bạch hóa), việc duy trì các biện pháp tự vệ chuyển tiếp là cần thiết để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng và tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh thì khoảng thời gian này có thể được kéo dài thêm tối đa một năm. Không Bên nào được duy trì một biện pháp tự vệ chuyển tiếp vượt quá thời hạn của giai đoạn chuyển tiếp.
Đồng thời, để tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh trong trường hợp thời gian dự kiến của việc áp dụng biện pháp tự vệ chuyển đổi nhiều hơn một năm, Hiệp định CPTPP quy định bên áp dụng biện pháp phải dần nới lỏng biện pháp tự vệ chuyển đổi một cách đều đặn trong suốt thời gian áp dụng biện pháp. Khi chấm dứt một biện pháp tự vệ chuyển tiếp, Bên áp dụng biện pháp này phải áp dụng mức thuế quan được nêu trong Biểu cam kết của bên đó (Cam kết Thuế) như chưa từng áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp Không Bên nào được áp dụng một biện pháp tự vệ chuyển tiếp nhiều hơn một lần đối với cùng một hàng hóa.
Đối với thủ tục thông báo và tham vấn, Hiệp định CPTPP quy định, một bên sẽ phải ngay lập tức thông báo cho các bên khác, bằng văn bản, nếu bên đó khởi xướng một cuộc điều tra tự vệ chuyển tiếp; đưa ra kết luận về thiệt hại nghiêm trọng, hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng do việc hàng nhập khẩu gia tăng gây ra; đưa ra quyết định áp dụng hoặc gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp; và đưa ra quyết định sửa đổi biện pháp tự vệ chuyển tiếp đã được thực hiện trước đó.
Một bên phải cung cấp cho các bên khác bản sao các bản báo cáo công khai của cơ quan có thẩm quyền của mình. Khi một bên tiến hành thông báo rằng bên đó đang áp dụng hoặc gia hạn áp dụng một biện pháp tự vệ chuyển tiếp, thì bên đó phải đưa vào trong thông báo bằng chứng thiệt hại nghiêm trọng hoặc nguy cơ gây ra thiệt hại nghiệm trọng do việc tăng lên của hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ một hoặc nhiều bên khác do việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan theo Hiệp định CPTPP; cũng như phải mô tả chính xác về hàng hóa có nguồn gốc thuộc đối tượng áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp bao gồm nhóm và phân nhóm của hàng hóa này theo mã HS là cơ sở của các biểu cam kết thuế; mô tả chính xác về biện pháp tự vệ chuyển tiếp; thông báo ngày áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp, thời hạn áp dụng dự kiến và nếu có thể, thời gian biểu cho việc nới lỏng từng bước biện pháp đó, và trong trường hợp gia hạn áp dụng biện pháp, thì đưa ra bằng chứng cho thấy ngành sản xuất trong nước có liên quan đang điều chỉnh.
Cuối cùng, theo yêu cầu của một bên có hàng hóa thuộc đối tượng của trình tự áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp theo Chương này, Bên thực hiện phải tham vấn với bên yêu cầu để xem xét thông báo; hoặc bất kỳ thông báo hoặc báo cáo công khai nào do cơ quan điều tra có thẩm quyền đưa ra liên quan đến cuộc điều tra.