Xuất phát từ thực tiễn
Trong suốt những năm qua, Viện Nghiên cứu chế tạo máy nông nghiệp đã tập trung nghiên cứu chế tạo các thiết bị sấy nông sản, dùng công nghệ chuyển đổi sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp thành năng lượng sạch quy mô công nghiệp được điều khiển tự động, tức là phía trên lò được cấp tự động nguyên liệu rắn là lõi ngô vào, phía dưới ra khí tổng hợp, sau đó khí này được đốt cháy thành năng lượng nhiệt sạch có thể sử dụng để chế biến nông sản/sấy các sản phẩm nông nghiệp, đốt nồi hơi, sấy phân bón NPK…
Toàn bộ quá trình từ cấp nguyên liệu lõi ngô vào lò (vào thiết bị), cấp gió sơ cấp (cấp ôxy sơ cấp), cấp gió thứ cấp (cấp ôxy thứ cấp), xả tro, liên động điều chỉnh nhiệt độ tác nhân sấy (khi gắn hệ thống chuyển đổi năng lượng này cùng với hệ thống sấy nông sản) đều được thực hiện tự động liên hoàn với nhau.
Sơ đồ hệ thống chuyển đổi phụ phẩm nông nghiệp thành khí tổng hợpHệ thống tự động khép kín này hiệu quả hơn so với đốt thông thường về sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường mà sản phẩm tạo ra lại là sản phẩm sạch. Mặt khác, khi bán sản phẩm cho các công ty nước ngoài, chỉ cần nhìn bề mặt, ngửi và sờ sản phẩm là họ biết sản phẩm được chế biến sâu, công nghệ cao, bán mới được giá. Các công nghệ áp dụng với nguyên liệu sắn, lạc và các nông sản khác… cũng tương tự.
Hay
như một sản phẩm khác là vỏ trấu. Hiện nay, nhiều đơn vị đã sử dụng thanh trấu
ép, hoặc viên pellet thay thế nhiên liệu đầu vào là than, giúp bảo vệ môi trường.
Nhưng như thế chưa đủ, vì còn phải qua công đoạn ép trấu trực tiếp thành thanh
nhiên liệu, hoặc nghiền nhỏ để ép thành viên pellet, chi phí năng lượng cho công
đoạn nghiền nhỏ, hoặc công đoạn ép rất lớn, tỉ lệ silic trong vỏ trấu rất cao,
nên nhanh mài mòn thiết bị. Cuối cùng vẫn ra năng lượng nhưng phải mất công đoạn
trung gian rất tốn kém về đầu tư. Xuất phát từ nhu cầu bức thiết đó, Viện đã
nghiên cứu và chế tạo thành công hệ thống chuyển đổi trực tiếp nguyên liệu vỏ
trấu sau xay xát thành khí đốt tổng hợp. Với hệ thống này, trên cấp nguyên liệu
vỏ trấu sống vào, đầu dưới là ra tro, sang ngang là ra khí gas, khí này sẽ được
đốt cháy triệt để để lấy năng lượng nhiệt, toàn bộ quá trình cũng được giám sát
và điều khiển tự động tương tự như hệ thống lò khí hóa lõi ngô. Công nghệ này vừa
đảm bảo là công nghệ sạch, lại tiết kiệm được rất nhiều năng lượng và thân thiện
môi trường.
So với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan thì giá bán của Viện Nghiên cứu chế tạo máy nông nghiệp chỉ bằng khoảng 60%, trong khi chất lượng bằng hoặc hơn, chế độ bảo hành và dịch vụ khách hàng được đặc biệt quan tâm.
Vẫn vướng câu chuyện chuyển giao
Trò chuyện với chúng tôi, điều mà ông Viện trưởng trăn trở nhất vẫn là câu chuyện chuyển giao. Hiện tại, điều vướng nhất của những người làm công tác nghiên cứu chế tạo là đưa sản phẩm từ qui mô phòng thí nghiệm ra sản xuất đại trà. Nhiều khách hàng không dám và cũng không đủ điều kiện tài chính để đầu tư công nghệ mới, vì vậy, rất cần Nhà nước làm cầu nối đứng ra bảo lãnh lòng tin cho khách hàng, cho họ vay không lãi hoặc hỗ trợ để những khách hàng đầu tiên mạnh dạn đầu tư. Vì công nghệ càng mới, càng hiện đại, càng khó khăn trong chuyển giao. Ở nước ngoài thường có quĩ đầu tư mạo hiểm nên các nhà sáng chế rất thuận lợi. Công nghệ càng cao, càng cần chính sách hỗ trợ.
Về phía doanh nghiệp, Viện cũng sẵn sàng chia sẻ rủi ro tài chính với khách hàng bằng cách đầu tư trước, khi có hiệu quả mới thu tiền. Nhưng thực sự, con đường đi đến cuộc cách mạng khoa học công nghệ trong nền nông nghiệp Việt Nam còn rất chông gai. Các doanh nghiệp khoa học công nghệ vẫn đang rất khó khăn trong việc thương mại hóa sản phẩm và cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước để các nhà khoa học tự tin triển khai các nghiên cứu của mình vào cuộc sống.
Hy vọng rằng, với gói hỗ trợ 100.000 tỉ đồng mà Chính phủ cam kết dành cho nông nghiệp công nghệ cao, các nhà khoa học, các nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội hiện thực hóa các dự án ứng dụng công nghệ cao phát triển nền nông nghiệp Việt Nam.