Đà Nẵng: Chia sẻ giải pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch hướng tới phát triển bền vững

Ngày 23/5, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chứng chỉ năng lượng tái tạo trong xu thế phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm tài nguyên thiên nhiên đang là những thách thức toàn cầu. Đứng trước yêu cầu phát triển bền vững, Việt Nam đã xác định rõ định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp và sử dụng hiệu quả tài nguyên.

Đà Nẵng - trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển năng lượng tái tạo luôn được xác định là hướng đi chiến lược.
Ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển năng lượng tái tạo luôn được xác định là hướng đi chiến lược của thành phố.

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 (Net Zero). Tháng 12/2022, Việt Nam tiếp tục ký kết Thỏa thuận đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước phát triển, thể hiện quyết tâm hành động mạnh mẽ vì khí hậu.

Để hiện thực hóa các cam kết, Trung ương và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2022 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa với trụ cột chuyển đổi xanh; Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định 1658/QĐ-TTg năm 2021); Quy hoạch điện VIII (Quyết định 768/QĐ-TTg năm 2025), định hướng phát triển năng lượng tái tạo và thị trường chứng chỉ năng lượng tái tạo (RECs).

Theo ông Nguyễn Văn Trừ, đối với Đà Nẵng - trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển năng lượng tái tạo luôn được xác định là hướng đi chiến lược. Thành phố đã và đang triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, xây dựng nhà máy thông minh, phát triển năng lượng mặt trời mái nhà và thí điểm cơ chế chứng chỉ điện xanh.

“Thông qua Hội thảo, cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp cập nhật chính sách về phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ số trong quản trị và tối ưu hóa sử dụng năng lượng; đồng thời thảo luận về vai trò của chứng chỉ năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất xanh và hội nhập thị trường quốc tế”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng thông tin và tin tưởng rằng, việc lan tỏa nhận thức, thúc đẩy liên kết và hành động cụ thể sẽ góp phần xây dựng hệ sinh thái phát triển bền vững, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Chia sẻ kinh nghiệm năng lượng sạch
Các đơn vị chia sẻ giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả đến các đại biểu.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã mang đến nhiều kiến thức hữu ích về công nghệ, tính năng và các tiêu chuẩn an toàn trong lĩnh vực điện mặt trời. Đặc biệt, phần trình bày về những quy định mới về điện năng lượng tái tạo và những thủ tục đăng ký phát triển điện mặt trời, cách lắp đặt và vận hành điện năng lượng mặt trời thu hút nhiều sự quan tâm. Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, hệ thống điện mặt trời tích hợp lưu trữ được xem là giải pháp thông minh giúp tiết kiệm chi phí, đồng thời hướng đến một cuộc sống xanh và bền vững.

Giới thiệu về giải pháp điện mặt trời thông minh dành cho khối thương mại, công nghiệp và hộ gia đình, ông Lê Bá Thông - Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh Công ty Huawei Digital Power cho biết: Giải pháp này mang tính toàn diện, hỗ trợ tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo, giảm chi phí vận hành và góp phần ổn định hệ thống lưới điện. Giải pháp điện mặt trời thông minh của Huawei tích hợp hệ thống quản lý năng lượng cho cả ngôi nhà, cho phép người dùng đồng thời là người tiêu thụ và nhà sản xuất điện năng. Đáng chú ý, Huawei hiện đang giữ vị trí dẫn đầu thị phần inverter toàn cầu suốt 10 năm liên tiếp kể từ năm 2015.

Trong khuôn khổ hội thảo, JA Solar đã trình bày dòng sản phẩm pin mặt trời tích hợp công nghệ DeepBlue 5.0 - một bước đột phá về mặt kỹ thuật. Với những cải tiến đáng kể về hiệu suất hoạt động và độ bền lâu dài, dòng pin này được đánh giá là giải pháp tối ưu giúp tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng mặt trời và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, SUN Energy trình bày về quỹ đầu tư năng lượng sạch với các giải pháp năng lượng tái tạo hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy xu hướng phát triển điện xanh thế hệ mới. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chia sẻ về chứng chỉ năng lượng quốc tế I-REC - một tiêu chuẩn uy tín đã được nhiều tập đoàn doanh nghiệp FDI và các quốc gia châu Âu công nhận, nhằm khẳng định tính minh bạch và trách nhiệm trong quá trình chuyển đổi năng lượng...

Hội thảo là diễn đàn để doanh nghiệp và cộng đồng cùng nhau tiếp cận, thảo luận về các giải pháp và công nghệ hiện đại trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng như những chính sách mới về điện mặt trời theo Nghị định 58/2025/NĐ-CP. Đây không chỉ là cơ hội chia sẻ kiến thức, mà còn là hoạt động thiết thực thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong lộ trình chuyển dịch sang năng lượng sạch, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Hạ Vĩ