Ngày 27/9/2023, tại ga Sóng Thần, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương, Cục Hải quan Bình Dương phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ra mắt đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc.
Nâng cao năng lực phục vụ vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế của ga Sóng Thần
Ngày 27/9/2023, tại ga Sóng Thần, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương, Cục Hải quan Bình Dương phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ra mắt đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc.
Theo Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, lô hàng xuất khẩu là tinh bột sắn, loại dùng làm thực phẩm với số lượng 499,7 tấn, được đóng trong 19 container 40” thuộc tờ khai xuất khẩu số 305837401940/B11 ngày 25/9/2023. Tờ khai được Hệ thống xử lý dữ liệu tự động (VNACCS-VSIS) phân luồng xanh (miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa và được thông quan tự động).
Theo lịch trình vận chuyển, ngày 27/9/2023, lô hàng được vận chuyển đến ga Sóng Thần và được xếp lên các toa tàu để vận chuyển đến ga Yên Viên (Hà Nội). Tại đây, lô hàng tiếp tục được chuyển toa sang toa tàu khổ 1.400 mm để vận chuyển đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) và làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc.
Dự kiến trong những ngày tới, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ có lô hàng (thử nghiệm, 1-2 container của nhiều chủ hàng khác nhau) nhập khẩu từ Trung Quốc vào kho CFS - TBS Tân Vạn (thuộc quản lý Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng tổng hợp Bình Dương – trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Bình Dương). Sau đó, tùy theo tình hình, mục đích sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, doanh nghiệp (chủ hàng) thực hiện đăng ký tờ khai hải quan theo các loại hình tương ứng (kinh doanh, gia công, sản xuất, xuất khẩu…) để phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Cùng với Lễ ra mắt đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc, ngày 28/9/2023, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) tổ chức Hội nghị giới thiệu về hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua ga Sóng Thần.
Theo Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, ga Sóng Thần là ga đường sắt liên vận quốc tế (thuộc địa bàn TP.Dĩ An) và là ga hàng hóa lớn nhất phía Nam, đồng thời là ga kỹ thuật, có 13 đường xếp dỡ và 07 bãi hàng hóa với tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 1.726 km, đường đơn khổ 1.000 mm, chạy trục Bắc - Nam là một lợi thế giao thông lớn của tỉnh.
Tuy nhiên, đến nay, ga Sóng Thần chỉ mới phục vụ vận chuyển hàng hóa nội địa, chưa tham gia vào hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, chưa phát huy được tiềm năng vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu. Hiện tại, tuyến vận chuyển chính là từ ga Sóng Thần đi đến ga Yên Viên, Giáp Bát (Hà Nội) sau đó chuyển tiếp vào các đoàn tàu liên vận quốc tế đi Trung Quốc và quá cảnh qua nước thứ 3 (Nga, Mông Cổ, Trung Á và châu Âu) qua các cửa khẩu Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) và cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai). Năng lực hiện tại của ga Sóng Thần đáp ứng được 1,6 triệu tấn hàng hóa/năm. Hàng hóa vận chuyển chủ yếu là hàng tiêu dùng, dệt may, điện tử, ô tô - xe máy và nông sản, thực phẩm.
Do đó, việc nâng cao năng lực ga Sóng Thần phục vụ vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương nói chung và nỗ lực thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu qua đường sắt nói riêng.
Phát triển Ga liên vận quốc tế Sóng Thần thành trung tâm logistics lớn của khu vực phía Nam
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết, trong tương lai, Bình Dương quy hoạch ga liên vận quốc tế Sóng Thần trở thành trung tâm logistics quy mô lớn của khu vực phía Nam, mở ra phương thức vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu mới hiệu quả hơn, an toàn hơn, tiết kiệm chi phí, có thể dễ dàng tiếp cận đến các trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phụ trợ của Trung Quốc như Quảng Châu, Côn Minh...
Với vị trí địa lý thuận lợi, ga Sóng Thần hoàn toàn có thể đóng vai trò là nơi tập kết và phân phối hàng hóa xuất, nhập khẩu đi các cửa khẩu biên giới phía Bắc và phía Nam không chỉ của các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương mà còn các doanh nghiệp cả vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, tạo điều kiện hình thành trung tâm logistics của tỉnh và cả vùng Nam bộ, gia tăng cung ứng các dịch vụ kèm theo, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách của tỉnh, tăng trưởng kinh tế, góp phần đạt được mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trước những trao đổi của đại diện doanh nghiệp tại Hội thảo mong muốn khai thác được những ưu điểm của phương thức này về chi phí, thuận tiện trong việc lưu thông hàng hóa, Lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung, việc hướng doanh nghiệp mở rộng thêm phương thức vận chuyển bằng đường sắt sẽ giúp tiết giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa.
Ngoài ra, hàng hóa vận chuyển đảm bảo an toàn, không bị va đập, hư hỏng và đảm bảo hàng hóa vận chuyển đúng lịch trình không bị hoãn chuyến như những phương thức vận chuyển khác như đường biển, đường bộ, hàng không. Một lợi ích quan trọng khác là hàng hóa xuất khẩu vận chuyển bằng đường sắt sẽ được vận chuyển thẳng qua biên giới, không bị ách tắc tại cửa khẩu như khi vận chuyển bằng đường bộ trong thời gian qua.
Đặc biệt đối với hàng hóa nông sản có thời gian bảo quản ngắn, cần thời gian vận chuyển nhanh để kịp giao hàng cho khách hàng Trung Quốc qua các cửa khẩu phía Bắc, việc sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt là phương án tối ưu nhất giúp tiết giảm chi phí đồng thời gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Qua đó, giúp nâng cao sức cạnh tranh cũng như uy tín, vị thế của doanh nghiệp với các đối tác nước ngoài.