Theo sách "Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010" sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ngành Công Thương cùng với các ngành khác thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế sau chiến tranh và cải tạo phát triển kinh tế, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại. Hoạt động công nghiệp, thương mại ngày càng thể hiện rõ vị trí, vai trò có ý nghĩa quyết định trong nền kinh tế. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực sau:
- Khôi phục và xây dựng công nghiệp theo hướng hiện đại, quan tâm đến cân đối cơ cấu hoàn chỉnh giữa công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ.
- Chú trọng đặc biệt tới ngành năng lượng (điện và than).
- Phát triển công nghiệp địa phương, tiểu thủ công nghiệp phục vụ nông nghiệp.
- Phát triển mạng lưới mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán.
- Thu mua và cung cấp hàng hóa để điều tiết thị trường.
- Cung ứng nguyên, nhiên liệu và giúp đỡ về trang bị kỹ thuật, gia công, bao tiêu sản phẩm hàng hóa cho các cơ sở tiểu thủ công nghiệp.
- Tăng cường đấu tranh chống đầu cơ về kinh tế.
Đây cũng là thời kỳ hệ thống tổ chức của Ngành có nhiều thay đổi:
- Năm 1955, Bộ Công Thương tách ra thành Bộ Công nghiệp (Bộ trưởng Lê Thanh Nghị) và Bộ Thương nghiệp (Bộ trưởng Phan Anh). Đây là lần đầu tiên nước ta có Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp.
- Năm 1958, Bộ Thương nghiệp tách ra thành Bộ Nội thương (Bộ trưởng Đỗ Mười) và Bộ Ngoại thương (Bộ trưởng Phan Anh).
- Năm 1960, tách Bộ Công nghiệp thành Bộ Công nghiệp nặng (Bộ trưởng Nguyễn Văn Trân), Bộ Công nghiệp nhẹ (Bộ trưởng Kha Vạng Cân).
Như vậy, cho đến năm 1960, hệ thống tổ chức và quản lý ngành Công Thương gồm có 4 bộ: Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Nội thương và Bộ Ngoại thương.
Điểm đáng ghi nhớ trong giai đoạn này là năm 1955, Nha Khoáng sản và Kỹ nghệ đổi thành Sở Địa chất thuộc Bộ Công thương, năm 1957 đổi thành Cục Địa chất, thuộc Bộ Công nghiệp; đến năm 1960, cùng với việc tách Bộ Công nghiệp thành Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Tổng cục Địa chất được thành lập, trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
Ông Lê Văn Đức là Tổng cục trưởng từ tháng 7/1960 đến năm 1961. Tiếp đến, năm 1962 đến 1979, ông Nguyễn Văn Điệp là Tổng cục trưởng.
Trước đó, ngày 21/7/1955, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra Quyết định số 169-BCT/ND/KB (Thứ trưởng Đặng Việt Châu ký) thành lập Cục Điện lực trực thuộc Bộ Công Thương và bổ nhiệm ông Hồ Quý Diện làm Cục trưởng. Sự kiện này đặt dấu mốc pháp lý về hoạt động chỉ đạo, quản lý của cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về lĩnh vực điện lực.
Sau đó, Cục Điện lực nhiều lần thay đổi tên gọi và chuyển thành đơn vị trực thuộc của nhiều bộ. Cụ thể, ngày 21/2/1961, Bộ Thủy lợi và Điện lực ra Quyết định số 86-TLĐL/QĐ chuyển Cục Điện lực thành Tổng cục Điện lực.
Ngày 28/12/1962, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định tách Tổng cục Điện lực Khỏi Bộ Thủy lợi và Điện lực về trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng. Sau đó lại đổi tên là Cục Điện lực.
Ngày 6/10/1969, Bộ Điện và Than ra Quyết định số 106/QĐ/TC thành lập Công ty Điện lực (nay là Công ty Điện lực 1) trực thuộc Bộ Điện và Than với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh điện năng và hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế.
Năm 1981, Bộ Điện lực được thành lập theo Nghị định số 170-CP ngày 23/4/1981 của Hội đồng Chính phủ.