Thưa ông, vì sao Bộ Công Thương lại đề xuất cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt trong thời điểm này?
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Trong thời gian qua, trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như trên diễn đàn Quốc hội, nhiều khách hàng sử dụng điện, nhiều cử tri đã có ý kiến về xem xét lại cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Trên cơ sở các ý kiến này, Bộ Công Thương cũng nhận được chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng chính phủ về việc nghiên cứu xem xét đổi mới cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng sinh hoạt.
Thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, trong tháng 3/2020, Bộ Công Thương phải nghiên cứu xây dựng và trình Thủ tướng xem xét đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Đó chính là lý do Bộ Công Thương đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, tập thể, các đơn vị về đề án này. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đơn vị, tổ chức, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trong tháng 3/2020.
Xin ông có thể nói rõ hơn đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt này có đồng nghĩa với việc tăng giá điện hay không, theo một số ý kiến đang xuất hiện trên các diễn đàn? Nguyên tắc của việc cải tiến này là gì?
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này phải khẳng định là chúng tôi giữ nguyên mức giá bán lẻ bình quân đã được bán hành tại Quyết định 648 ngày 20/3/2019. Vậy việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này chỉ với mục đích điều chỉnh lại cơ cấu cho phù hợp nhất với thực tế dùng điện sinh hoạt của các khách hàng sử dụng điện hiện nay, không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân đã được phê duyệt.
Nguyên tắc khi chúng tôi điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt: Đầu tiên là nó phù hợp với thực tế sử dụng điện; Thứ hai là không được thay đổi giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân đã được phê duyệt; Thứ ba là đảm bảo cho khách hàng sử dụng điện có thể dễ dàng theo dõi, tính toán sản lượng điện và mức tăng vào những mùa nắng nóng không có dấu hiệu đột biến.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về các phương án cải tiến mà Bộ Công Thương đề xuất và lợi ích của các phương án này?
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Trong đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này, Bộ Công Thương đưa ra 5 phương án, trong đó có phương án 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc và đối với 5 bậc có 2 phương án. So sánh giữa các phương án, cả 5 phương án này đều có ưu điểm là đơn giản hơn, ít số bậc hơn so với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành.
Tuy nhiên các phương án 1 bậc, 3 bậc hay 4 bậc đều có nhược điểm chung là chi phí trả tiền điện của các khách hàng sử dụng điện dưới 300kWh đều cao hơn, như vậy không thực hiện được mục tiêu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt khuyến khích người dân dùng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Đồng thời, nó cũng sẽ tạo gánh nặng cho phần lớn các khách hàng sử dụng điện, mà theo tính toán của chúng tôi, hiện nay có khoảng 87%, tương ứng 21 triệu khách hàng sử dụng điện dưới 300kWh, sẽ phải trả tiền điện cao hơn.
Trong trường hợp đề án cải tiến này được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ tổ chức triển khai đề án thế nào thưa ông?
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Với phương án hiện nay chúng tôi đang đề xuất là phương án 5 bậc, thì theo ý kiến của Bộ Công Thương sẽ phù hợp nhất với thực tế khách hàng sử dụng điện hiện nay.
Đồng thời, chế độ dành cho hộ nghèo, hộ chính sách sử dụng điện dưới 50kWh sẽ tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ. Theo số liệu báo cáo gần nhất, hàng năm chúng ta có khoảng 1,8 triệu hộ đạt tiêu chuẩn hưởng chế độ của Đảng và Nhà nước thì sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ này với số tiền khoảng trên 1.000 tỷ đồng.
Kế hoạch của Bộ Công Thương là sau khi tổng hợp ý kiến của các Bộ ngành, các đơn vị, Bộ Công Thương sẽ hoàn chỉnh các phương án này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, song song với đó chúng tôi cũng đã dự thảo trình Chính phủ xem xét ban hành Quyết định sửa đổi Quyết định 28 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Sau khi Thủ tướng ban hành, Bộ Công Thương sẽ tiến hành điều chỉnh giá bán lẻ điện sinh hoạt theo đúng Quyết định mới.