Bộ Công Thương đang để xuất phương án bổ sung chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp để phân biệt với cồn thực phẩm và phòng ngừa pha chế rượu từ cồn công nghiệp trước khi đưa lưu thông trên thị trường.
Dự thảo Thông tư này hướng dẫn biện pháp phân biệt cồn công nghiệp không dùng trong thực phẩm với cồn thực phẩm để phòng ngừa pha chế rượu từ cồn công nghiệp không dùng trong thực phẩm.
Tại dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án phân biệt cồn công nghiệp với cồn thực phẩm.
Phương án 1 phân biệt cồn công nghiệp với cồn thực phẩm
Dự thảo nêu rõ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, san chiết, đóng gói cồn công nghiệp có trách nhiệm bổ sung chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp để phân biệt với cồn thực phẩm và phòng ngừa pha chế rượu từ cồn công nghiệp trước khi đưa lưu thông trên thị trường.
Chất chỉ thị màu được bổ sung vào cồn công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu: Không thuộc Danh mục hóa chất cấm quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ; cồn công nghiệp sau khi bổ sung chất chỉ thị màu phải có màu sắc phân biệt được bằng mắt thường với cồn thực phẩm trong suốt quá trình lưu thông; không xảy ra phản ứng hóa học với cồn công nghiệp và các chất khác trong hỗn hợp chứa cồn công nghiệp; không gây phát sinh độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Đối với trường hợp pha loãng cồn công nghiệp dẫn đến hàm lượng chất chỉ thị màu giảm, không phân biệt được với cồn thực phẩm, tổ chức cá nhân thực hiện pha loãng có trách nhiệm bổ sung chất chỉ thị màu để đáp ứng yêu cầu.
Thông tin về chất chỉ thị màu được bổ sung vào cồn công nghiệp phải được ghi rõ trên nhãn cồn công nghiệp và Phiếu An toàn hóa chất.
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh cồn công nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.
Phương án 2 phân biệt cồn công nghiệp với cồn thực phẩm
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, san chiết, đóng gói cồn công nghiệp có trách nhiệm áp dụng ít nhất một trong các biện pháp sau đây để phân biệt cồn công nghiệp với cồn thực phẩm và phòng ngừa pha chế rượu từ cồn công nghiệp trước khi đưa lưu thông trên thị trường:
- Bổ sung hình cảnh báo sản phẩm không được uống trên nhãn hoặc bao bì hàng hóa cồn công nghiệp theo hướng dẫn tại Phụ lục của Thông tư này trước khi đưa lưu thông trên thị trường. Thông tin về mục đích sử dụng trong Phiếu an toàn hóa chất đối với cồn công nghiệp phải ghi rõ "không được uống".
- Bổ sung chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp.
- Bổ sung chất tạo mùi, vị vào cồn công nghiệp.
Chất chỉ thị màu được bổ sung vào cồn công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu: Không thuộc Danh mục hóa chất cấm quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ; cồn công nghiệp sau khi bổ sung chất chỉ thị màu phải có màu sắc phân biệt được bằng mắt thường với cồn thực phẩm trong suốt quá trình lưu thông; không xảy ra phản ứng hóa học với cồn công nghiệp và các chất khác trong hỗn hợp chứa cồn công nghiệp; không gây phát sinh độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Chất tạo mùi, vị được bổ sung vào cồn công nghiệp bắt buộc phải đáp ứng các yêu cầu sau: Không thuộc Danh mục hóa chất cấm quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ; tạo mùi, vị khó chịu, khác với mùi, vị đặc trưng của cồn thực phẩm để tránh nguy cơ uống, nuốt nhầm; không xảy ra phản ứng hóa học với cồn công nghiệp và các chất khác trong hỗn hợp chứa cồn công nghiệp; không gây phát sinh độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Đối với trường hợp pha loãng cồn công nghiệp dẫn đến hàm lượng chất chỉ thị màu hoặc chất tạo mùi, vị giảm, không phân biệt được với cồn thực phẩm, tổ chức cá nhân thực hiện pha loãng có trách nhiệm áp dụng biện pháp theo quy định.
Thông tin về chất chỉ thị màu, chất tạo mùi, vị được bổ sung vào cồn công nghiệp phải được ghi rõ trên nhãn cồn công nghiệp và Phiếu An toàn hóa chất.
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh cồn công nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.
Thông tư này không điều chỉnh đối với:
a) Cồn công nghiệp sản xuất để xuất khẩu theo Hợp đồng gia công hàng xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu, theo Hợp đồng sản xuất hàng để xuất khẩu;
b) Cồn công nghiệp do doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp hoạt động trong Khu chế xuất nhập khẩu làm nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu;
c) Cồn công nghiệp phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng;
d) Cồn công nghiệp phục vụ mục đích thí nghiệm, nghiên cứu khoa học;
đ) Cồn y tế;
e) Cồn thực phẩm, sản phẩm đồ uống có cồn.
Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng cồn công nghiệp trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều khoản chuyển tiếp
Cồn công nghiệp được đưa vào lưu thông trên thị trường trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục được lưu thông trên thị trường cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023.