Các hồ sơ này phải được đăng ký lại hai năm một lần, vào các năm chẵn (ví dụ năm 2018) trong khoảng thời gian từ 1/10 đến 31/12 của các năm đó. FDA sẽ liên lạc với các doanh nghiệp thông qua Người đại diện của doanh nghiệp tại Hoa Kỳ để lên lịch thanh kiểm tra và thông báo các vấn đề liên quan khác.
Theo thống kê của Công ty Registrar Corp, một công ty chuyên tư vấn, trợ giúp thủ tục cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, trong đó có thực phẩm, dược phẩm, và mỹ phẩm, vào Hoa Kỳ, từ tháng 12/2018 đến tháng 2/2019, số lượng các cơ sở xuất khẩu của Việt Nam đăng ký với FDA đã giảm 20%, từ 1650 xuống 1318 cơ sở. Nguyên nhân của sự sụt giảm có thể do một số doanh nghiệp không có kế hoạch tiếp tục xuất khẩu sang Hoa Kỳ hoặc các doanh nghiệp không hoàn thành thủ tục đăng ký lại với cơ quan này trước ngày 31/12/2018.
Nếu đăng ký Cơ sở sản xuất bị quá hạn, cơ quan FDA có thể thu giữ hàng tại cảng cho đến khi doanh nghiệp hoàn thành thủ tục đăng ký lại. Thời gian qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu chỉ đến khi gặp vướng mắc tại cảng nhập khẩu mới biết đăng ký Cơ sở sản xuất của mình đã quá hạn. Một số doanh nghiệp khác tuy đã làm thủ tục đăng ký lại với FDA nhưng chưa hoàn tất nên hồ sơ không có trong cơ sở dữ liệu của FDA.
Để tránh thiệt hại do bị thu giữ hàng hóa hoặc áp dụng các biện pháp bảo đảm thực thi khác, các doanh nghiệp cần kiểm tra chắc chắn việc hoàn thành thủ tục đăng ký với FDA.
Các doanh nghiệp có thể sử dụng công cụ hỗ trợ miễn phí của Công ty Registrar Corp để kiểm tra thông tin tại trang web: https://www.registrarcorp.com/fda-food/registration/verification/ hoặc www.registrarcorp.com/verify.