Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, với việc Hiệp định CPTPP có hiệu lực vào năm 2019 cũng như môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh được từng bước nâng cao, Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều biện pháp, giải pháp tổ chức tốt hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu (XK, NK) phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Xin Bộ trưởng cho biết, nội dung hội nhập kinh tế quốc tế sẽ được Bộ Công Thương chú trọng đẩy mạnh như thế nào trong bối cảnh mới?
- Về công tác nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, Bộ Công Thương sẽ tập trung phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế trong hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, cộng đồng DN và toàn xã hội; thực hiện các biện pháp chính sách để phát huy, tận dụng các cơ hội phát triển và hạn chế tác động tiêu cực do mặt trái của hội nhập gây ra. Trong đó, Bộ tập trung nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để thực hiện Hiệp định CPTPP; thúc đẩy việc ký kết và phê chuẩn các FTA then chốt, tập trung vào FTA với EU (EVFTA); chủ động, tích cực vận dụng Cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các FTA để bảo vệ lợi ích hợp pháp của DN trong nước. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tiếp tục nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp và phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích chính đáng của DN, người dân.
Năm 2019, XNK hàng hóa của Việt Nam sẽ có sự đổi thay như thế nào, đặc biệt là về cơ cấu mặt hàng XK, thưa Bộ trưởng?
- Năm 2019 được dự báo là sẽ có nhiều khó khăn, biến động đến kinh tế thế giới nói chung, qua đó sẽ có những tác động đến hoạt động XK, NK của Việt Nam. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như chu kỳ 10 năm của kinh tế toàn cầu là nỗi lo của nhiều thị trường tài chính, nhiều nền kinh tế. Các báo cáo gần đây của nhiều tổ chức như IMF, OECD, Oxford Economics đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, với việc Hiệp định CPTPP có hiệu lực vào năm 2019 cũng như môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh được từng bước nâng cao, Quốc hội vẫn giao Chính phủ, Bộ Công Thương phấn đấu chỉ tiêu tổng kim ngạch XK tăng 7 - 8% so với năm 2018; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch XK dưới 3%. Trong chỉ đạo điều hành, Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều biện pháp, giải pháp tổ chức tốt hoạt động XK, NK phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu này.
Cơ cấu các mặt hàng XK hiện đang chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng tại Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 là tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến và giảm dần nhóm hàng nông sản, thủy sản và nhiên liệu, khoáng sản. Nhiều mặt hàng XK chủ lực đạt mức tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng XK. Năm 2018, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, trong đó nhóm nông sản, thủy sản đóng góp 6 mặt hàng, nhóm công nghiệp đóng góp 22 mặt hàng. Các mặt hàng XK chủ lực đều thâm nhập được vào các thị trường lớn và có mức tăng trưởng XK tốt như gạo tăng 16%; dệt may tăng 16,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 15%; sắt thép tăng 44,8%; sản phẩm từ sắt thép tăng 31,6%. Nhờ sự tăng trưởng XK của nhiều mặt hàng trên, XK cả nước đã tăng nhanh và vững chắc, không còn phụ thuộc lớn vào tăng trưởng XK điện thoại.
Dự kiến, cơ cấu các mặt hàng XK trong thời gian tới sẽ tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng của Chiến lược XNK hàng hóa. Ngoài ra, với tác động của việc thực hiện các FTA mới, những mặt hàng như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ được cho là những mặt hàng sẽ được hưởng lợi lớn và có khả năng tăng trưởng tốt trong thời gian tới.
Có ý kiến cho rằng, Việt Nam tham gia khá nhiều FTA, song việc tận dụng chưa thực sự tốt. Theo Bộ trưởng, làm sao để khắc phục hiệu quả tình trạng này trong thời gian tới?
- Theo số liệu thống kê, tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi để XK hàng hóa của Việt Nam trong các FTA đạt trung bình 34%, tương đương 33 tỷ USD. Khả năng tận dụng ưu đãi của DN mặc dù đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua nhưng vẫn chưa cao (đặc biệt là với các thị trường láng giềng như ASEAN đạt 20,7% và Trung Quốc khoảng 27%). Việc tận dụng ưu đãi của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dường như cũng tốt hơn so với các DN trong nước, đặc biệt là đối với sản xuất công nghiệp.
Nhằm tận dụng tối đa lợi thế của các FTA, hỗ trợ DN, mở rộng thị trường, đẩy mạnh XK trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, tôi cho rằng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:
Về phía Chính phủ: Tiếp tục thực hiện các chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô một cách kịp thời, linh hoạt, hợp lý và củng cố, ổn định hệ thống và thị trường tài chính trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới; phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm XK nhằm giải quyết vấn đề nhập siêu và bình ổn cán cân thanh toán; vận dụng các biện pháp phi thuế như các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại được phép áp dụng trong WTO và các FTA để hỗ trợ các ngành trong nước cần bảo hộ trước cạnh tranh để phát triển và XK. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần chủ động nghiên cứu, lựa chọn các đối tác có nền kinh tế bổ sung với Việt Nam và những đối tác có tiềm lực về khoa học, công nghệ để tiến tới đàm phán FTA trong tương lai; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia để từ đó thúc đẩy hoạt động của các DN đáp ứng các yêu cầu môi trường trong nước và nâng cao sức cạnh tranh, uy tín DN khi tham gia hội nhập quốc tế.
Về phía DN XK, để tận dụng lợi ích và lợi thế các FTA mà Việt Nam đã tham gia, DN cần chủ động nâng cao tính cạnh tranh và năng suất thông qua mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ nhằm nâng cao chất lượng hàng hoá và giảm giá thành sản phẩm. Để mở rộng quy mô sản xuất, DN cần huy động sự đầu tư về vốn, nhân lực, công nghệ. Đặc biệt, đầu tư phát triển công nghệ sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng giúp DN tăng năng suất và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, trình độ công nghệ của các DN XK Việt Nam còn lạc hậu, nên phát triển công nghiệp chủ yếu qua con đường chuyển giao công nghệ. DN cần nghiên cứu và xác định được vị trí của mình và đối thủ trong phân khúc cạnh tranh trên thị trường để có hướng phát triển công nghệ phù hợp với khả năng.
Ngoài ra, DN Việt Nam cần có chiến lược dài hạn xây dựng thương hiệu về sản phẩm và DN nhằm tăng cường sự tham gia hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu. DN nên xem xét, tích cực tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm, các kênh báo chí, truyền hình, đặc biệt tận dụng cơ hội mà thương mại điện tử và kỷ nguyên thương mại số mang lại nhằm giúp DN nắm bắt thời cơ, quảng bá và đẩy mạnh XK...
(Tittle bài do TCCT đặt )
Việc Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng XK khá cao với mức tăng trưởng vào khoảng 13,9% (vượt kế hoạch đề ra là 7-8%) và xuất siêu kỷ lục cho thấy hiệu quả trong thực hiện các giải pháp thúc đẩy XK suốt thời gian qua, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán và ổn định các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong nước. Điều này cũng góp phần bảo đảm kiểm soát tốt cơ cấu NK theo hướng tập trung vào nhóm hàng hóa cần NK, hàng hóa phục vụ sản xuất trong nước.