Theo Quyết định số 1083/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về Kế hoạch xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001, Bộ Công Thương đề ra mục tiêu cụ thể là duy trì, cải tiến và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 hoặc 9001:2015 đối với các đơn vị trực thuộc Bộ.
Đồng thời, xây dựng mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015; chuyển đổi từ hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc gia phiên bản TCVN ISO 9001:2008 sang phiên bản TCVN ISO 9001:2015 đối với các Cục đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008.
Quyết định cũng nêu rõ, đối tượng triển khai chuyển đổi từ hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc gia phiên bản TCVN ISO 9001:2008 sang xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 gồm: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Công tác phía Nam, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Công Thương địa phương, Cục Xuất Nhập khẩu, Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Hóa chất.
Đối tượng triển khai duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 gồm các Vụ, Văn phòng và Thanh tra Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Điều tiết Điện lực, Cục Công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Phòng vệ thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.
Việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý được thực hiện theo bốn bước cơ bản gồm xây dựng hệ thống quản lý chất lượng: Cơ quan được quy định tại Điều 2 Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 5/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ xây dựng hệ thống văn bản, tài liệu và các quy trình xử lý công việc hợp lý để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
Bên cạnh đó, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trên thực tế hệ thống văn bản, tài liệu và quy trình khi được người đứng đầu cơ quan phê duyệt; thực hiện đánh giá nội bộ, khắc phục các điểm không phù hợp; tiến hành xem xét của lãnh đạo, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng, bảo đảm phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001, quy định của pháp luật và thực tế tại cơ quan; người đứng đầu cơ quan xác nhận hiệu lực của hệ thống quản lý chất lượng.
Mặt khác, công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: Cơ quan áp dụng hệ thống quản lý chất lượng công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 hoặc TCVN ISO 9001:2015, thông báo bằng văn bản đến đơn vị chủ trì quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 12 Quyết định 19/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để theo dõi, tổng hợp; niêm yết tại trụ sở cơ quan và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan.
Đặc biệt, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng như cập nhật các thay đổi của văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động xử lý công việc vào hệ thống quản lý chất lượng để áp dụng trong thời gian chậm nhất là 3 tháng kể từ khi văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành; thực hiện đánh giá nội bộ và xem xét của lãnh đạo tối thiểu một năm/lần để bảo đảm hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001, quy định của pháp luật và thực tế công tác tại cơ quan.
Ngoài ra, Quyết định cũng nêu rõ các cơ quan, đơn vị thực hiện kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin với hệ thống quản lý chất lượng như sau: Số hóa các tài liệu hệ thống, quy trình hệ thống và các quy trình nghiệp vụ đã ban hành trong hệ thống quản lý chất lượng.
Đăng các tài liệu, quy trình này lên trang thông tin điện tử hoặc hệ thống văn phòng điện tử của các cơ quan, đơn vị để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thể dễ dàng truy cập và áp dụng; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các thủ tục hành chính đã được quy trình hóa trong hệ thống quản lý chất lượng./.