Bộ Công Thương tổ chức Đối thoại Công - Tư APEC nhằm thúc đẩy sự phát triển của năng lượng gió

Từ ngày 24- 25/9/2015, Bộ Công Thương tổ chức “Đối thoại Công - Tư APEC nhằm thúc đẩy sự phát triển của năng lượng gió”. Đây là sự kiện tiếp nối những kết quả khả quan trọng của Hội thảo do Bộ Công Th

Thời gian gần đây, việc đảm bảo ổn định về “An ninh năng lượng” là một trong những ưu tiên và mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia. Vì vậy, việc tăng cường nghiên cứu, khai thác và tận dụng triệt để những nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối là thực sự cần thiết, trở thành nhu cầu thực tế và là điều kiện quan trọng nhằm duy trì sự ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các thành viên APEC.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa việc đưa năng lượng gió vào sản xuất và sử dụng phổ biến trên quy mô đại trà trong khu vực, cần phải vượt qua những khó khăn sau: tính bất ổn do năng lượng gió phục thuộc nhiều vào thiên nhiên và vị trí địa lý; Chi phí đầu tư, duy tu, bảo dưỡng thiết bị cao và chưa phổ biến; Chuỗi cung ứng trên thị trường, phục vụ việc sản xuất nguyên liệu đầu vào và phát triển thương mại về năng lượng gió còn nhiều bất cập; Tâm lý người tiêu dùng về tính ưu việt, thân thiện với môi trường của việc sử dụng năng lượng gió… Muốn vậy, việc các Chính phủ và khu vực tư nhân cùng chung tay hợp tác nhằm tháo gỡ những khó khăn, tối đa hiệu quả của các chương trình đầu tư vào năng lượng gió là yếu tố vô cùng quan trọng.

Phát biểu trong Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh: “Trong khi Chính phủ tăng cường đầu tư vào các chương trình quốc gia, xác định và thực thi các chiến lược, kế hoạch và chính sách khuyến khích việc sản xuất và phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng gió, thì cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực đề xuất những sáng kiến của mình, chung tay với Chính phủ cả về mặt kỹ thuật, sáng tạo và đầu tư nguồn tài chính nhằm phát triển ngành năng lượng quan trọng này”.

Các nhà lãnh đạo APEC đã đặt mục tiêu giảm cường độ tiêu thụ năng lượng trong khu vực thêm 45% vào năm 2035, cũng như đẩy nhanh việc phấn đấu để các thành viên APEC sớm trở thành nền kinh tế các - bon thấp.