Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh chóng số lượng người mắc tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân, để đảm bảo oxy y tế cho điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 là nhiệm vụ cấp bách lúc này.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất cho biết, cùng với Chính phủ, Bộ Công Thương nỗ lực đẩy mạnh, tập trung nguồn oxy cho các cơ sở y tế của Việt Nam.
Trên thực tế, Oxy sản xuất được dùng cho nhiều mục đích, đặc biệt dùng trong công nghiệp (thực phẩm, thép…) và một phần sử dụng trong các cơ sở y tế. Trên thực tế, oxy là loại hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất, vận chuyển, bảo quản, vận hành hệ thống đòi hỏi có chuyên môn, trình độ và kỹ thuật cao.
Xét về tổng thể các nguồn sản xuất oxy công nghiệp của Việt Nam cao, dư so với nhu cầu oxy cho sử dụng y tế (sau khi đã chuyển đổi), tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, với nhu cầu tại các tỉnh khu vực phía Nam là 350 tấn/ngày đã xảy ra tình trạng thiếu hụt cục bộ, ảnh hưởng đến công tác hỗ trợ điều trị bệnh nhân covid phải sử dụng bình oxy.
Việc thiếu hụt cục bộ này xảy ra có một số nguyên nhân cơ bản:
Oxy vốn tập trung cho sản xuất công nghiệp, các nhà máy, trạm nạp chủ yếu nằm sát và cung ứng trực tiếp bằng đường ống cho các nhà máy công nghiệp. Thời điểm trước tháng 11/2021, do tác động của dịch bệnh, các cơ sở sản xuất chưa thể vận hành nên nhu cầu cung ứng oxy công nghiệp thấp, đảm bảo lượng oxy cấp cho y tế. Tuy nhiên, khi nền kinh tế đang vận hành trở lại, nhu cầu gia tăng kèm theo các đơn hàng, hợp đồng kinh tế đã ràng buộc và hạn chế việc cung ứng oxy cho y tế. Đây cũng là một khó khăn cho các đơn vị sản xuất, cung ứng và sử dụng oxy.
Do một số cơ sở tạm dừng hoạt động, 2 tuần vừa qua, một số trạm, nhà máy đã bảo hành, bảo trì nên ảnh hưởng đến công suất của cả hệ thống.
Việc sử dụng oxy cho y tế, ngoài đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn, cần có việc chuyển đổi trạng thái (oxy sản xuất ra dạng khí được hóa lỏng, chuyển theo các bình, bồn tiêu chuẩn đến các trạm chiết nạp, đến các cơ sở để chiết tách dưới dạng lỏng hoặc dạng khí tùy vào mục đích sử dụng; đối với các cơ sở y tế, cần có chuyển đổi từ trạng thái lỏng sang trạng thái khí để cung cấp đến bệnh nhân). Do nhiều công trình sử dụng cho công nghiệp nên không phải cơ sở sản xuất nào cũng có thể chuyển sang thể lỏng để vận chuyển đi.
Mặt khác, về dự trữ, mặc dù đã có sự chuẩn bị, tuy nhiên, không lường trước được mức độ diễn biến và nhu cầu của oxy dùng cho y tế. Mặt khác, nhiều thiết bị chứa dạng chai không được luân chuyển hợp lý đến các nơi sử dụng dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Hiện Việt Nam chưa có cơ sở sản xuất bồn chứa oxy lỏng cao áp, việc sản xuất các trạm sản xuất di động đòi hỏi thời gian và hiện nay chưa triển khai được ở quy mô công nghiệp do thiếu vốn, nhân lực, điều kiện sản xuất và công tác dự trữ không có hiệu quả.
Về vận chuyển, việc vận chuyển từ miền Bắc chỉ mang tính thời điểm, không đảm bảo hiệu quả lâu dài do cung đường quá xa (tập trung tại miền Bắc, miền Trung chỉ có 1 nhà máy của Công ty Messer tại Quảng Ngãi) thiếu phương tiện, thời gian vận chuyển dài ngày nếu sử dụng ôto (tối thiểu 4-5 ngày/1 chiều), phương án vận chuyển tàu biển, đường sắt, hàng không là không khả thi làm tăng chi phí, người lao động, tài xế và doanh nghiệp khá vất vả sau một thời gian làm việc đã có phần làm giảm động lực mặc dù rất nhiều doanh nghiệp nỗ lực cung ứng, vận chuyển và cung cấp miễn phí, song với năng lực hạn chế, khi các doanh nghiệp sản xuất khí có quy mô lớn đang cung ứng cho ngành công nghiệp thì những nỗ lực hiện tại chưa thể bù đắp được nhu cầu.
Mặc dù đã xây dựng và vận hành phần mềm oxy, tuy nhiên, cần có thời gian để các cơ sở làm quen, điều tiết và chủ động chia sẻ oxy cho các cơ sở xung quanh.
Với những nguyên nhân nêu trên, vấn đề này đặt ra bài toán về việc cung cấp oxy lỏng cho các cơ sở y tế đang thiếu hụt nghiêm trọng, cũng như phương án đảm bảo đầy đủ việc cung cấp oxy lỏng cho các cơ sở y tế cả nước trong dài hạn.
Thực tế, vấn đề oxy, hiện nay không chỉ của ngành Công Thương, ngành Y tế mà nó là vấn đề và trách nhiệm của toàn xã hội và Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế từ nhiều tháng trước.
Ngay từ tháng 7/2021, Bộ Công Thương đã cử đại diện tham gia Tổ oxy do Bộ Y tế chủ trì, đã chỉ đạo rà soát, cung cấp đầy đủ số liệu về sản xuất, cung ứng oxy theo đề nghị của Bộ Y tế để cập nhật trong phần mềm và công tác điều phối của Bộ Y tế và Tổ oxy. Đồng thời đã có văn bản chỉ đạo EVN về việc duy trì việc cung ứng điện cho sản xuất và sản xuất oxy, tham gia phối hợp trong các hoạt động điều hành của Bộ Y tế để điều trị bệnh nhân covid.
Những ngày vừa qua, Bộ Công Thương liên tục có các văn bản yêu cầu các cơ sở sản xuất ôxy lỏng tăng hết năng lực sản xuất, sản xuất liên tục 3 ca/ngày ưu tiên phục vụ điều trị y tế; ban hành văn bản đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội (cụ thể như Hiệp hội thép) điều tiết công suất, sản lượng để ưu tiên cung ứng oxy cho ngành y tế.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ, không để tình trạng găm hàng, nâng giá, ép giá đối với mặt hàng oxy lỏng.
Với ba yêu cầu này của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng triển khai, thực hiện. Như doanh nghiệp thép đã cho biết sẽ điều chỉnh công xuất sản xuất để hỗ trợ cho việc sử dụng oxy lỏng cho y tế; các doanh nghiệp vận chuyển cũng đã vào cuộc.
Trước đó, ngày 26/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã họp với Thủ tướng Chính phủ và các doanh nghiệp về cung cấp oxy lỏng cho các bệnh viện. Với sự chỉ đạo hết sức quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương, ngày 27/12, Bộ Công Thương đã trực tiếp liên hệ với các công ty sản xuất, vẩn chuyển để điều phối việc cung cấp oxy lỏng cho các cơ sở y tế đang gặp tình trạng thiếu hụt.
Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, ngày 27/12/2021, Công ty TNHH MTV Hơi kỹ nghệ Que hàn (Sovigaz), một thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã cam kết cắt toàn bộ sử dụng oxy lỏng của các lĩnh vực để cung cấp cho y tế cho các tỉnh miền Tây Nam bộ và TP.Hồ Chí Minh, thấp nhất là 115 tấn/ngày.
Theo tính toán, đến ngày 28/12 sẽ có chi viện từ miền Bắc vào thêm 50 tấn tới TP.Hồ Chí Minh. Trên cơ sở này sẽ phân phối nhỏ lẻ cho các bệnh viện. Ngày 29/12 trở đi, mỗi một ngày oxy tăng cường từ miền Bắc vào là từ 50-70 tấn và có thể nhiều hơn nếu điều kiện cho phép.
Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh khí cũng đang tập trung tối đa các phương tiện, như téc bồn để vận chuyển oxy lỏng. Việc vận chuyển ôxy lỏng rất ngặt nghèo, chặt chẽ, do đây là chất dễ cháy nổ và không tồn tại ở điều kiện bình thường mà phải chứa trong téc đảm bảo áp suất, nhiệt độ.
Mặt khác, việc tìm kiếm các nguồn cung cấp oxy hiện cũng đã giao cho một số đơn vị thuộc Hiệp hội Khí công nghiệp tăng cường lượng cung ứng tại chỗ oxy lỏng. Đơn cử như từ Vũng Tàu, từ TP. Hồ Chí Minh, tất cả các doanh nghiệp sản xuất khí ôxy lỏng là sẽ phải cung cấp tối đa cho TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh hiện nay đang gặp khó khăn về ôxy.
Trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để nắm bắt nhu cầu sử dụng, chủ động giải pháp đảm bảo nguồn cung ôxy cho các cơ sở y tế: chỉ đạo các đơn vị sản xuất sớm đưa các dự án đang xây dựng vào hoạt động, xây dựng phương án đẩy mạnh sản xuất tối đa oxy y tế theo công suất cho phép, xây dựng phương án lưu trữ, vận chuyển để cung ứng oxy y tế trong cả nước, kể cả phương án vận chuyển từ Bắc vào Nam và ngược lại khi có nhu cầu cấp bách.
Về lâu dài, cần tính toán để các cơ sở y tế cần chủ động đầu tư các trang thiết bị sản xuất oxy di động, các bồn chứa có sức chứa dài ngày, thông tin về nhu cầu ooxxy dự trữ để qua đó các nhà sản xuất cân đối, tính toán đầu tư bổ sung, nâng công suất cho phù hợp với nhu cầu.