Các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện trong giai đoạn vừa qua được quản lý, điều hành theo các quy định tại Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2016.
Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho thấy một số quy định còn bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.
Mặt khác, căn cứ pháp lý để ban hành Quyết định 41 là Luật Đầu tư công năm 2014 đã được thay thế bởi Luật Đầu tư công năm 2019. Do đó, một số nội dung quy định về công tác tổng hợp, giao kế hoạch nguồn vốn ngân sách nhà nước; công tác giám sát chương trình theo quy định tại Quyết định 41 cần được sửa đổi phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công năm 2019.
Đồng thời, Nghị định số 161/2016/NĐ-CP chỉ có hiệu lực áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, không còn hiệu lực pháp lý áp dụng được cho các năm giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là nguyên nhân khiến Chính phủ thúc đẩy ban hành quy định mới để tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù theo quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP trong giai đoạn 2021-2025.
Mới đây, cơ quan soạn thảo đã đăng tải toàn văn Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để lấy ý kiến rộng rãi từ các tổ chức, cá nhân.
Dự thảo Nghị định được kết cấu thành 7 Chương, gồm 43 điều, cụ thể như sau:
Chương I. “Quy định chung”, gồm 4 điều (từ Điều 1 đến Điều 4).
Chương II. “Lập và giao kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm và hằng năm” gồm 4 điều (từ Điều 5 đến Điều 8). Nội dung quy định tại Chương này cơ bản kế thừa quy định tại Chương II (từ Điều 5 đến Điều 7) Quy chế 41; đồng thời, bổ sung làm rõ nguyên tắc lập kế hoạch giai đoạn 5 năm và hằng năm, điều chỉnh và bổ sung quy trình lập kế hoạch giai đoạn 5 năm và hằng năm phù hợp với quy định Luật Đầu tư công năm 2019, quy định phương thức lập kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng.
Chương III. “Huy động và sử dụng nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”, gồm 04 điều (từ Điều 9 đến Điều 12). Nội dung quy định tại Chương này có sự kế thừa một phần nội dung quy định tại Chương III (từ Điều 8 đến Điều 12) Quy chế 41; đồng thời, bổ sung một số quy định cụ thể hóa yêu cầu của Quốc hội (tại các Nghị quyết số: 120/2020/QH14; 24/2021/QH15; 25/2021/QH15) và khắc phục một số tồn tại, hạn chế rút ra từ quá trình áp dụng thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, cụ thể:
Chương IV. “Cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư có sự tham gia thực hiện của cộng đồng”, gồm 7 điều (từ Điều 13 đến Điều 19). Nội dung quy định của Chương này là cơ chế đặc thù, được thiết kế trên cơ sở có sự kế thừa và cơ cấu lại các nội dung quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP (Điều 2, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9).
Việc rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy định về cơ chế đặc thù trong thực hiện một số dự án đầu tư có sự tham gia thực hiện của người dân hưởng lợi cũng để cụ thể hóa yêu cầu của Quốc hội tại các Nghị quyết số: 120/2020/QH14, 24/2021/QH15, 25/2021/QH15.
Chương V. “Cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia”, gồm 6 điều (từ Điều 20 đến Điều 25). Nội dung của Chương là nội dung đề xuất mới nhằm cụ thể hóa yêu cầu của Quốc hội tại các Nghị quyết số: 120/2020/QH14, 24/2021/QH15, 25/2021/QH15 và giải quyết các vấn đề sau:
(i) Thống nhất một giải pháp để thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập của của người dân thuộc đối tượng hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội giao.
(ii) Hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế để nâng cao thu nhập của người dân đều là hoạt động thuộc nội dung thực hiện của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa có một cơ chế thống nhất trong quản lý, tổ chức thực hiện nội dung này đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn cao nhất, tránh sự dàn trải, trùng chéo gây lãng phí trong sử dụng nguồn lực.
(iii) Thống nhất cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng tăng cường phân cấp, trao quyền là một giải pháp quan trọng để thực hiện được cơ chế lồng ghép theo yêu cầu của Quốc hội Nghị quyết số 25/2021/QH15.
Chương VI. “Tổ chức quản lý và giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia”, gồm 8 điều (từ Điều 26, Điều 33). Nội dung Chương này được kế thừa quy định tại Chương IV (từ Điều 13 đến Điều 15) và Chương V (từ Điều 16 đến Điều 19) Quy chế 41; đồng thời bổ sung, điều chỉnh cụ thể hóa quy định Luật Đầu tư công, các Nghị quyết số: 24/2021/QH15, 25/2021/QH15 của Quốc hội. Cụ thể như sau:
(i) Thống nhất quản lý nhà nước về các chương trình mục tiêu quốc gia; mỗi cấp chỉ thành lập 1 Ban Chỉ đạo để điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình (tại Điều 26 dự thảo Nghị định). Nội dung quy định vừa có tính kế thừa quy định tại Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg (Điều 13, Điều 14) và cụ thể hóa yêu cầu của Quốc hội tại điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 24/2021/QH15, điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội.
(ii) Quy định cụ thể về giám sát đầu tư, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định Luật Đầu tư công; đồng thời, cụ thể hóa nội dung quy định tại Chương VI, Chương VII Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư để đảm bảo sự phù hợp với nội dung quản lý đối với các chương trình mục tiêu quốc gia.
Chương VII. “Tổ chức thực hiện”, gồm 10 điều (từ Điều 34 đến Điều 43). Nội dung quy định của Chương này để phân định rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong quản lý, tổ chức thực hiện chương trình trình mục tiêu quốc gia; điều khoản thi hành và thời hạn hiệu lực.