Theo đó, Bộ Giao thông vận tải quyết định bổ sung hạng mục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao Thuận Nam (Km113+000) kết nối với đường tỉnh (ĐT709), dạng nút giao khác mức liên thông tách nhập đơn giản, gồm 4 nhánh kết nối, cao tốc đi dưới; bổ sung hệ thống thoát nước; hệ thống an toàn giao thông; điện chiếu sáng và các công trình phục vụ vận hành, khai thác (trạm thu phí không dừng, hệ thống ITS) trong phạm vi nút giao.
Tổng chi phí hạng mục bổ sung nút giao Thuận Nam (Km113+00) kết nối với ĐT.709 là khoảng 125,81 tỷ đồng (đã bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).
Do xuất hiện hạng mục bổ sung, nên tổng mức đầu tư dự án giai đoạn phân kỳ sau điều chỉnh là 8.925,48 tỷ đồng; trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 496,11 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 7.394,44 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 374,60 tỷ đồng; lãi vay trong thời gian xây dựng 246,65 tỷ đồng; chi phí dự phòng 413,68 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án sau điều chỉnh là 5.139,28 tỷ đồng (bao gồm vốn hạng mục bổ sung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao Thuận Nam kết nối với ĐT.709); nguồn vốn nhà đầu tư: 3.786,20 tỷ đồng (bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác để thực hiện dự án) theo Hợp đồng dự án số 316/HĐ.BOT-BGTVT ngày 30/7/2021.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng điều chỉnh thời gian xây dựng dự án. Theo đó, dự án được khởi công năm 2021, hoàn thành các hạng mục đường và cầu của dự án đảm bảo thông xe trước ngày 30/12/2023, hoàn thiện toàn bộ các khối lượng phụ trợ và đưa công trình vào sử dụng trước ngày 30/3/2024; hạng mục hầm Núi Vung hoàn thành trong thời gian 30 tháng.
Thời gian xây dựng hoàn thành hạng mục bổ sung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao Thuận Nam (Km113+000) kết nối với ĐT.709 là 4 tháng.
Bộ Giao thông vận tải giao Ban quản lý dự án 85 thực hiện kiểm tra, rà soát nguồn vốn thực hiện dự án, xây dựng kế hoạch vốn, kịp thời báo Bộ Giao thông vận tải phân bổ nguồn vốn thanh toán cho dự án, bảo đảm đầy đủ, kịp thời theo quy định; thực hiện quản lý, kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư xây dựng; quản lý hợp đồng, sử dụng vốn và nghiệm thu, thanh toán, đảm bảo tiến độ, hiệu quả đầu tư dự án theo quy định.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án 85 chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát phân khai khối lượng, khớp nối phạm vi hạng mục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao Thuận Nam kết nối với ĐT.709, thỏa thuận thống nhất với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tránh trùng lặp.
Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 8.900 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn Nhà nước là 5.139 tỷ; vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư (Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194) là 1.030 tỷ.
Sau khi hoàn thành, đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ giúp nối liền một mạch cao tốc từ TP.HCM đi đến thành phố biển Nha Trang, rút thời gian đi TP.HCM - Nha Trang từ 9 tiếng đồng hồ xuống còn khoảng 5 tiếng đồng hồ cho đoạn đường 450km.
Dự án cao tốc thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 80km, điểm đầu tại Km54, đoạn nút giao Cam Ranh (Khánh Hòa), nối với đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Điểm cuối tại Km134, tại nút giao Vĩnh Hảo (Bình Thuận), nối với điểm đầu của cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Đây là dự án ký hợp đồng BOT sau cùng trong số 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo phương thức PPP (đối tác công- tư) nhưng là công trình đầu tiên thu xếp đủ nguồn vốn và triển khai thành công.