Chiều 5/7/2024, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 03/7/2024 của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA). Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì.
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài; Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương; đại diện các cơ quan, các tổ chức quốc tế; các Cục, Vụ và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương; các Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, các Hiệp hội, doanh nghiệp cùng đại diện UBND 63 tỉnh/thành phố và các sở, ngành địa phương.
Giúp thúc đẩy đầu tư vào chuyển dịch năng lượng, hướng tới mục tiêu NetZero
Tại Hội nghị, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị và tổ chức quốc tế, khách hàng sử dụng điện lớn như Samsung và đại diện lãnh đạo các địa phương đều bảy tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao về những nỗ lực của Bộ Công Thương và ý nghĩa quan trọng, kịp thời của việc ban hành cơ chế DPPA, coi đây không chỉ là một cơ chế góp phần bảo đảm an ninh cung cấp điện, mà còn là cơ chế giúp khách hàng đạt được các mục tiêu sản xuất và tăng trưởng xanh.
Thực hiện cơ chế DPPA, khách hàng sử dụng điện sẽ đáp ứng mục tiêu và xu hướng sử dụng năng lượng sạch, qua đó góp phần thu hút đầu tư không chỉ trong ngành năng lượng tái tạo mà còn cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhu cầu tiêu thụ điện lớn.
Cơ chế DPPA cũng góp phần không nhỏ trong việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam; nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và mức độ cạnh tranh trong hoạt động mua bán điện nói chung và thị trường điện nói riêng.
"DPPA sẽ giúp các doanh nghiệp quốc tế và trong nước tại Việt Nam đạt được mức cắt giảm carbon lớn hơn hướng tới mục tiêu không phát thải khí carbon, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của đất nước", Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper nhận định. Đại sứ cũng cho rằng, với lộ trình rõ ràng hướng tới mục tiêu NetZero, Việt Nam không chỉ đóng góp vào các mục tiêu về khí hậu toàn cầu mà còn làm gương cho các quốc gia khác trong khu vực. Và cơ chế DPPA này chính là một bước quan trọng để đạt được những cam kết đó, cho phép tiếp cận nhiều hơn với các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực năng lượng.
Chia sẻ với quan điểm này, ông Stuart Livesey - Đại diện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Copenhagen Offshore Partners Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Điện gió La Gàn đánh giá, Nghị định 80/2024/NĐ-CP sẽ giúp thúc đẩy đầu tư vào chuyển dịch năng lượng và tăng cường chuỗi cung ứng, thu hút thêm đầu tư FDI vào Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Bước tiến quan trọng trong việc hình thành, phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế phát triển năng động trong khu vực và thế giới, có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định. Vì vậy, nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam tăng lên rất nhanh (hiện tại tăng từ 12 đến 13%/năm) và dự kiến sẽ còn tăng cao hơn trong thời gian tới. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần gấp đôi công suất đặt của hệ thống so với hiện nay (150.424 MW, tương đương tăng trên 14%/năm) và dự kiến đến năm 2050 đạt trên 500.000 MW, gấp 6-7 lần công suất hiện nay.
Để bảo đảm cung ứng điện theo Quy hoạch điện VIII và đạt mục tiêu yêu cầu trung hòa carbon vào năm 2050 theo cam kết tại COP26, một mặt Việt Nam cần tăng cường huy động mọi nguồn lực để thu hút đầu tư vào phát triển nguồn và hệ thống truyền tải, cũng như đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện hay lưới điện thông minh; mặt khác, phải đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách đủ mạnh, khả thi để có thể thu hút đầu tư, thay đổi cơ chế vận hành và tổ chức quản lý để thực hiện được các mục tiêu này.
Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) đã chính thức được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 03/7/2024. Đây là bước tiến quan trọng trong việc hình thành, phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam trong tương lai.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng, ban hành, vận hành cơ chế này do đó chắc chắn không tránh khỏi hạn chế nhất định về nội dung và bỡ ngỡ trong vận hành giai đoạn đầu, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng và khó lường.
“Bộ Công Thương và Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tiếp tục đón nhận những góp ý của xã hội đối với nội dung của Nghị định để từng bước hoàn thiện cơ chế này”, Bộ trưởng khẳng định và nhấn mạnh, cơ chế DPPA đối với Việt Nam là mới nhưng với một số quốc gia không còn mới nhưng DPPA ở Việt Nam cũng không thể giống tuyệt đối như các quốc gia khác, vì vậy quá trình hình thành, triển khai thực hiện chính sách này cũng cần có bước đi, lộ trình cụ thể.
Khởi động việc xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần để kịp thời song hành với cơ chế DPPA
Thông tin đến Hội nghị về tiến độ của việc hoàn thiện cơ chế, chính sách lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới để thảo luận, nếu như đạt được thống nhất cao rất có thể dự thảo Luật sẽ được đề xuất ban hành trong một kỳ họp, hoặc nếu theo đúng chương trình sẽ được Quốc hội thông qua và ban hành tại kỳ họp tiếp theo đó vào tháng 5/2025.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đang tiếp tục xây dựng và tham mưu ban hành các cơ chế như: phát triển thị trường điện cạnh tranh một cách đầy đủ ở cả 3 cấp độ: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh; cơ chế khuyến khích phát triển mặt trời mái nhà; cơ chế giá điện hai thành phần (giá công suất và giá điện năng); cơ chế hỗ trợ để thu hút đầu tư vào các nguồn điện mới như điện gió ngoài khơi, điện khí,…; tách bạch giá, phí truyền tải ra khỏi cơ cấu giá thành điện năng;…
Nhấn mạnh cơ chế giá điện hai thành phần là cơ chế bắt buộc phải được ban hành đồng thời với những cơ chế như DPPA, cơ chế phát triển mặt trời mái nhà nhằm đảm bảo công bằng giữa các thành phần tham gia thị trường điện và tạo điều kiện thu hút đầu tư vào phát triển thị trường điện cạnh tranh tốt hơn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công Thương đã chính thức khởi động việc xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần và sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất.
“Những cơ chế đó, cùng với cơ chế chúng ta đang triển khai hôm nay, sẽ giúp cho Việt Nam có thị trường điện cạnh tranh một cách đầy đủ, giúp cho Việt Nam thực hiện được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và thực hiện được Quy hoạch điện VIII hiệu quả”, Bộ trưởng cho biết.
Tuân thủ nghiêm Quy hoạch điện VIII trong quá trình triển khai Nghị định
Để kịp thời triển khai thực hiện Nghị định đồng bộ, thống nhất trong phạm vi cả nước, Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị:
Thứ nhất, đối với các Bộ, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước, cần nghiên cứu thật kỹ các nội dung được quy định trong Nghị định để một mặt chủ động tiến hành các công việc theo yêu cầu và phân công của Nghị định này; mặt khác, phải lập kế hoạch thực hiện trong phạm vi Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội mình sao cho phù hợp. Đồng thời, tiếp tục phát hiện, đề xuất những bất cập, vướng mắc nếu có, chủ động giải quyết những vướng mắc theo thẩm quyền và kịp thời kiến nghị lên cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Thứ hai, Cục Điều tiết điện lực và Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, ngay sau Hội nghị này, tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các Thông tư hướng dẫn thuộc trách nhiệm Bộ Công Thương. Đồng thời, tham mưu, kiến nghị các Bộ, ngành hữu quan sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các thông tư hướng dẫn nếu cần để bảo đảm việc triển khai thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp mà Chính phủ vừa ban hành không có vướng mắc và trở ngại lớn.
Khẩn trương nghiên cứu đề xuất cơ chế thí điểm giá điện hai thành phần (giá công suất và giá điện năng) và trình cấp có thẩm quyền ban hành trong tháng 8. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất cơ chế tách giá và phí truyền tải ra khỏi giá thành điện năng trước tháng 9.
“Vì đây là hai cơ chế có liên hệ rất mật thiết với cơ chế DPPA và cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà sắp tới chúng ta ban hành. Hay nói cách khác, đó là những cơ chế rất quan trọng để bảo đảm vận hành thị trường điện cạnh tranh một cách hoàn hảo ở Việt Nam trong tương lai gần”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, cho biết việc xây dựng cơ chế điện hai thành phần và tách bạch giá, phí truyền tải ra khỏi giá thành điện năng sẽ tạo sự đồng bộ, thuận lợi trong triển khai thực hiện những cơ chế này và bảo đảm công bằng giữa các đơn vị mua và bán điện, trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các nhà sản xuất điện và đơn vị sử dụng điện.
Thứ ba, các bên liên quan cần tuân thủ nghiêm ngặt Quy hoạch điện VIII, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch đã được ban hành và quy định về đối tượng, phạm vi mua bán điện trực tiếp được quy định trong Nghị định này. Bộ trưởng nhấn mạnh đây là điểm rất căn bản, then chốt cần lưu ý. Trong khi Quy hoạch điện VIII chưa được rà soát, sửa đổi, bổ sung theo quy định của Luật Quy hoạch thì room mua bán điện trực tiếp không được vượt room năng lượng tái tạo được ghi trong Quy hoạch điện VIII.
EVN và các bên mua bán điện cần chủ động rà soát các điều kiện về kỹ thuật thuộc phạm vi trách nhiệm của mình để bảo đảm rằng khi vận hành cơ chế này không làm ảnh hưởng đến an toàn hệ thống điện quốc gia và không ảnh hưởng đến quá trình thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Thứ tư, đề nghị các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền để tạo đồng thuận xã hội trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định; thông qua phản ánh thực tiễn triển khai, tiếp tục phát hiện, đề xuất những giải pháp đến các cơ quan chức năng để xem xét, sửa đổi, bổ sung trong tương lai cho phù hợp.
Thứ năm, đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước khẩn trương triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch tỉnh cho phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia. Trong đó bốn quy hoạch thuộc ngành công thương, bao gồm: quy hoạch năng lượng quốc gia, quy hoạch điện lực quốc gia, quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản và quy hoạch về hạ tầng xăng dầu, khí đốt quốc gia.
Đồng thời, đề nghị các địa phương quyết liệt triển khai việc lựa chọn các chủ đầu tư cho những dự án điện đã được xác định trong Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch trên phạm vi lãnh thổ của mình, nhất là các dự án điện nền, các dự án truyền tải liên miền và các dự án nguồn ưu tiên theo địa bàn cụ thể.
Một lần nữa gửi lời cảm ơn đại diện các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đã ủng hộ, giúp đỡ để Chính phủ và Bộ Công Thương xây dựng và hoàn thiện cơ chế DPPA, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong rằng tiếp tục nhận được sự hợp tác trong quá trình triển khai để cơ chế DPPA đi vào thực tiễn và có những điều chỉnh phù hợp trong tương lai.