Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương, ngày 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn đầu đoàn công tác Trung ương chủ trì buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV vủa Đảng.
Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đồng tình cao với báo cáo của tỉnh và các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc về tiềm năng, dư địa phát triển và những thành tựu nổi bật về kinh tế xã hội của địa phương thời gian qua, thống nhất nhận định về những khó khăn, hạn chế và nút thắt lớn nhất của Đồng Tháp là hạ tầng giao thông của tỉnh. Ủng hộ những mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời dưới góc độ ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất một số giải pháp để tỉnh khai thác, phát huy tiềm năng giúp tỉnh tăng tưởng 2 con số trong thời gian tới. Cụ thể:
Trước hết, địa phương tập trung nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch tỉnh phù hợp với Quy hoạch tổng thể Quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành; cùng với đó, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất trong kỳ để có thể sẵn sàng đón nhận các dự án trọng điểm trong thời gian tới. Đồng thời xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương dựa trên tiềm năng thế mạnh, dựa trên nhu cầu xu hướng của thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế để tiến hành rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, áp dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ để chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thứ hai, địa phương cần chú trọng xây dựng, củng cố quảng bá thương hiệu sản phẩm, nhất là sản phẩm chủ lực ở cả thị trường trong nước, quốc tế. Phối hợp với Thương vụ Việt Nam để tập trung khai thác thị trường các nước mà Việt Nam là thành viên trong các FTA, nhất là các thị trường Trung Quốc, Đông Bắc Á, Tây Á, Trung Đông. Đó là những thị trường còn nhiều tiềm năng đối với các sản phẩm nông thủy sản, nhất là sản phẩm Halal.
Thứ ba, là địa phương có tiềm năng du lịch đa dạng, vì vậy, Đồng Tháp cần quy hoạch, đầu tư, thu hút đầu tư để phát triển du lịch gắn với thương mại, gắn du lịch thương mại với hình thức xuất khẩu tại chỗ thông qua việc trao đổi, mua bán các sản vật, sản phẩm chủ lực của địa phương và các địa phương trong vùng.
Thứ tư, đề nghị Đồng Tháp chú trọng quy hoạch, đầu tư, thu hút đầu tư, mạng lưới và hạ tầng logistics (bãi tập kết, kho bảo quản hàng hóa) để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành và tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng, nút thắt hiện tại của Đồng Tháp là hạ tầng giao thông không thuận lợi, năng lực vận tải thấp. Tuy nhiên, là tỉnh có đường biên giới đất liền 50km với Campuchia, và dự kiến tỉnh sẽ triển khai thêm một số tuyến giao thông và loại hình giao thông trong thời gian tới.
Thứ năm, trong điều hiện, hoàn cảnh cụ thể của Đồng Tháp, Bộ Công Thương kiến nghị Đồng Tháp tập trung phát triển các ngành công nghiệp phát thải thấp, ngành chế biến các sản phẩm chủ lực và công nghiệp phụ trợ các ngành chủ lực tại địa phương. Đồng thời, quan tâm khai thác loại hình thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh để giải quyết tốt đầu ra cho các sản phẩm địa phương.
Thứ sáu, là địa phương có tiềm năng về năng lượng tái tạo nhất là điện gió trên bờ, điện mặt trời nổi, điện mặt trời áp mái, vì vậy, Đồng Tháp cần chú ý khai thác phát triển tiềm năng này, vừa tăng dư địa phát triển địa phương, vừa tạo điều kiện hình thành các trung tâm cơ sở dữ liệu vùng phục vụ cho kinh tế xã hội của địa phương và các địa phương trong vùng.
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã giải đáp các kiến nghị, đề xuất của Đồng Tháp. Đối với đề nghị thành lập Khu kinh tế chuyên biệt quy mô từ 5.000 ha trở lên thuộc Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp, Bộ trưởng cho biết, theo khoản 16 điều 2 của Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu kinh tế chuyên biệt là khu kinh tế được thành lập ở Vùng kinh tế trọng điểm, hành lang phát triển, khu động lực phát triển; hoặc ở khu vực có vai trò tương tự được xác định trong Quy hoạch vùng. Trong khi Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp đã được thành lập 2008 và tiếp tục được xác định trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Đối với kiến nghị liên quan Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia, Hiệp định được Chính phủ hai nước ký ngày 8/11/2022 (có hiệu lực 20/7/2023) cho phép đầu tư, khai thác thế mạnh kinh tế cửa khẩu 2 nước. Điều này rất phù hợp với Kết luận số 10, ngày 8/7/2021 của Bộ Chính trị về tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh kết hợp với phát triển kinh tế xã hội trên tuyến chiến lược Tây - Nam của Tổ quốc. Qua nghiên cứu, khảo sát của đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương (Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương, Cục Công Thương địa phương, Cục Xuất nhập khẩu) cho thấy còn rất nhiều tiềm năng, dư địa phát triển về kinh tế - thương mại giữa 2 nước và với Thái Lan.
Vì vậy, Bộ Công Thương ủng hộ cao đề xuất này. Ở góc độ ngành, Bộ Công Thương sẽ giao Viện Chiến lược chính sách Công Thương, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp địa phương, các bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện đề án trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Về đề nghị sớm triển khai xây dựng Trung tâm đầu mối nông sản, thủy sản nước ngọt vùng Đồng Tháp mười tại Đồng Tháp, kết nối với Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu long tại Cần Thơ, Bộ trưởng cho biết, đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến thăm và làm việc với Đồng Tháp vào tháng 8/2023 và cũng được thể hiện trong Quy hoạch vùng Tây Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của Đồng Tháp cũng như các địa phương khác trong vùng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để làm được những điều trên thì ngoài chủ trương, Quy hoạch đã được duyệt cũng cần có cơ chế, chính sách, nguồn lực từ Nhà nước. Với vai trò đầu mối quản lý nhà nước về logistics, thị trường trong nước, hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Đồng Tháp, các bộ ngành liên quan để triển khai thực hiện sau khi có cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể của Trung ương, địa phương.