Cùng tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Đặng Thị Ngọc Thu - Tổng Biên tập Tạp chí Công Thương - đã nêu khái quát việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí cũng như thực hiện nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 3761/QĐ-BCT ngày 2/10/2017 của Bộ Công Thương.
Những năm qua, Tạp chí Công Thương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; bám sát chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các hoạt động của ngành Công Thương.
Trong đó, các ấn phẩm của Tạp chí như Tạp chí Công Thương kinh tế được hầu hết các địa phương và các tập đoàn, doanh nghiệp trong ngành đặt mua vì tính hệ thống và chuyên sâu; Tạp chí Công Thương chuyên đề khoa học sau 8 năm hoạt động đã tạo dựng được uy tín, đều đặn tăng trang, tăng kỳ qua các năm; Tạp chí Công Thương điện tử có lượng người truy cập ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, Tạp chí Công Thương được Bộ lựa chọn là đơn vị tổ chức nhiều sự kiện thường niên. Các sự kiện Tạp chí tổ chức tập trung vào các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Nhiều sự kiện có quy mô toàn quốc và là các hoạt động thường niên như: Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam; Hành động vì an toàn thực phẩm ngành Công Thương; Diễn đàn Năng suất chất lượng ngành Công Thương.
Tạp chí Công Thương cũng được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ, biên soạn nhiều ấn phẩm có chất lượng cao như: Ngành Công Thương với phong trào thi đua yêu nước, Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú… và hiện nay là bộ sách Lịch sử ngành Công Thương 1945-2010; Biên niên sự kiện ngành Công Thương 2011-2020.
Đặc biệt, hơn 1 năm qua, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Tạp chí đã bám sát chặt chẽ các chủ trương, hoạt động của Bộ Công Thương, chấp hành nghiêm quy định của Bộ Công Thương trong bảo đảm an toàn phòng chống dịch khi tác nghiệp; qua đó, duy trì các hoạt động chuyên môn thường xuyên, ổn định việc làm, thu nhập cho tập thể cán bộ, phóng viên và biên tập viên.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Tổng Biên tập Tạp chí Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, đồng thời đưa ra các giải pháp - phương hướng khắc phục trong thời gian tới, gồm: Xây dựng nội dung chuyên sâu, độc quyền trên nền tảng chuyên môn cao; Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động chuyên môn của Tạp chí và phục vụ bạn đọc cần thông tin chuyên sâu và hệ thống; Đưa ra những nội dung hấp dẫn để tổ chức sự kiện, hội thảo, tọa đàm…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đại diện các đơn vị trong Bộ ghi nhận các kết quả của Tạp chí đạt được trong thời gian qua; nhất là những chuyên đề có tính chất lý luận của ngành, với những bài viết gắn nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn; các hoạt động biên soạn sách, tổ chức sự kiện được tổ chức bài bản, quy mô…
Đồng thời đề nghị Tạp chí tiếp tục bám sát chặt chẽ các chủ trương, hoạt động của Bộ, cũng như phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các chuyên gia kinh tế nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông chuyên sâu, hệ thống… góp phần định hướng dư luận bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những kết quả mà Tạp chí Công Thương đã làm được trong thời gian vừa qua.
Bộ trưởng ghi nhận, trong những năm qua, thực hiện quyết định của lãnh đạo Bộ về chức năng, nhiệm vụ, Tạp chí Công Thương đã hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, đúng định hướng, bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh nội dung, hình thức của các ấn phẩm do Tạp chí sản xuất có nhiều đổi mới, thiết thực, hấp dẫn hơn với bạn đọc. “Tạp chí Công Thương điện tử có bước phát triển khá ngoạn mục, đáp ứng được nhu cầu thông tin của độc giả trong các lĩnh vực của ngành Công Thương. Đây là thành quả rất đáng khen ngợi”, Bộ trưởng biểu dương.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận việc chủ động, tích cực tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong triển khai, tổ chức các sự kiện của ngành Công Thương, các sự kiện của đất nước có liên quan đến trách nhiệm của ngành.
Cùng với đó, người đứng đầu ngành Công Thương cũng đánh giá cao việc từng bước kiện toàn, sắp xếp bộ máy hoạt động của Tạp chí. Nội bộ Tạp chí đoàn kết, thống nhất, đồng lòng vượt khó, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Ngoài hoạt động chuyên môn, các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện; công tác chăm lo đời sống cho cán bộ, nhân viên cũng được lãnh đạo Tạp chí quan tâm và đạt được những kết quả nhất định.
Dù đạt được những kết quả nổi bật, đáng ghi nhận, song Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn chỉ ra những tổn tại, hạn chế trong quá trình hoạt động của Tạp chí. Đó là việc chưa phát huy, chưa khai thác hết vai trò, chức năng nhiệm vụ của Tạp chí, trong công tác khai thác thông tin từ các Cục, Vụ, các trường đại học trực thuộc Bộ…
Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi, thời cơ và thách thức trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ, mục tiêu quan trọng hàng đầu của Tạp chí Công Thương là phải xây dựng được một Tạp chí lý luận, Tạp chí khoa học chuyên ngành hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Cùng với đó, phải tiến tới truyền thông đa phương tiện.
“Tạp chí không chỉ là cơ quan của Bộ Công Thương mà còn là Tạp chí của ngành Công Thương, do vậy, Tạp chí Công Thương cần có nhiều tuyến bài, chuyên đề chuyên sâu về tất cả các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để thực hiện mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu và giao cho Tạp chí Công Thương 6 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển hoàn thiện trong thời gian tới, cụ thể:
Thứ nhất, Tạp chí cần cần bám sát tôn chỉ, mục đích, chú trọng giáo dục tư tưởng chính trị, quy định pháp luật, nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên để đáp ứng yêu cầu của cơ quan có chức năng hoạt động về báo chí, truyền thông. Đặc biệt chú trọng đến chức năng nghiên cứu lý luận, khoa học của Tạp chí.
Thứ hai, Tạp chí cần phải nắm chắc quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và chiến lược phát triển của ngành Công Thương để có được chương trình, đề án, kế hoạch truyền thông cho phù hợp và hiệu quả.
Thứ ba, tiếp tục sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn. Xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại hoặc tuyển dụng mới phóng viên, biên tập viên có đủ trình độ đáp ứng yêu cầu công việc.
Thứ tư, tiếp tục chủ động và tích cực tham mưu, tham gia và phối hợp với các đơn vị trong Bộ tổ chức tốt các sự kiện, hội nghị, hội thảo.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các ấn phẩm của Tạp chí cả về nội dung và hình thức để thu hút nhiều hơn lượng bạn đọc, trong đó chú trọng nâng cấp Tạp chí điện tử.
Phải có kế hoạch đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị cho hoạt động của Tạp chí từ các nguồn thu hợp pháp.
Thứ sáu, thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố khối đoàn kết nội bộ. Cùng với đó, phải xây dựng và thực hiện các quy chế, quy định dân chủ, kịp thời. Chú trọng xây dựng môi trường làm việc tốt nhằm phát huy sức sáng tạo, trách nhiệm và thúc đẩy khát khao cống hiến của mỗi người trong đơn vị.
Tiếp tục củng cố, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp Ủy, tổ chức Đảng; nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đơn vị và trưởng, phó các phòng ban.
Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Những gì chúng ta làm được và chưa làm được đều là bài học. Mong rằng, chúng ta sẽ phát huy những điểm tốt. Những gì chưa đạt chúng ta cố gắng khắc phục để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao - xây dựng Tạp chí Công Thương ngày càng lớn mạnh”.
Dưới đây là một số hình ảnh khác trong buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với Tạp chí Công Thương: