Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng đã ký Quyết định số 61/QĐ-HĐĐPĐBSH ngày 18/9/2023 về thành viên của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng.
Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Chủ tịch Hội đồng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng.
5 Phó Chủ tịch Hội đồng là: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Ủy viên Hội đồng điều phối Vùng
Theo Quyết định, các Ủy viên Hội đồng điều phối Vùng Đồng bằng sông Hồng bao gồm:
-
Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an.
-
Trung tướng Huỳnh Chiến Thắng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng.
-
Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao.
-
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
-
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
-
Ông Lê Đức Luận, Thứ trưởng Bộ Y tế.
-
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
-
Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
-
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
-
Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
-
Bà Mai Thị Thu Vân, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
-
Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính.
-
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
-
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng.
-
Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương.
-
Ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên.
-
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
-
Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.
-
Ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam.
-
Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.
-
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình.
-
Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình.
-
Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Chế độ làm việc và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng được quy định tại Điều 4 Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và Điều 4, Điều 5 Quyết định số 45/QĐ-HĐĐPĐBSH ngày 11/7/2023 ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng
Theo Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, việc thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Hồng.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối vùng
1. Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm thực hiện đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Điều phối các hoạt động lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện các Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng Sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
3. Nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng, tiểu vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương.
4. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư; điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước (FDI, vốn doanh nghiệp, tư nhân), thúc đẩy đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP), nhất là trong phát triển hạ tầng chiến lược, quan trọng của vùng.
5. Điều phối các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng.
6. Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng.
7. Phối hợp với các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội có tính chất liên kết giữa các vùng.
8. Điều phối các bộ, ngành trung ương có ý kiến về đầu tư xây dựng phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư xây dựng và bố trí nhà ở, các công trình văn hóa, phúc lợi tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp; giải quyết các tệ nạn xã hội, vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội.
9. Điều phối các bộ, ngành trung ương trong việc phối hợp sử dụng lao động, hỗ trợ giới thiệu việc làm, hợp tác bố trí nguồn lao động và xử lý các vấn đề tranh chấp về lao động (nếu có).
10. Thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển Hiệp hội doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội liên minh, liên minh hợp tác xã của toàn vùng đồng bằng sông Hồng.
11. Quyết định sử dụng nguồn lực tài chính, nguồn lực khác được giao để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng vùng.
12. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định của pháp luật.