Ngày 20/12/2024, tại trụ sở Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã diễn ra Kỳ họp lần thứ 7 Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Muto Yoji đồng chủ trì Kỳ họp. Đây là một trong những hoạt động quan trọng khuôn khổ chuyến công tác của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương tại Nhật Bản.
Cùng tham dự Kỳ họp, có Thứ trưởng Phan Thị Thắng cùng lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương cùng đại diện lãnh đạo một số Tập đoàn, Tổng công ty của Việt Nam.
Về phía Nhật Bản có sự tham dự của đại diện lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.
Dư địa hợp tác phát triển thị trường còn rất lớn
Phát biểu tại Kỳ họp, Bộ trưởng Muto Yoji chào mừng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn Bộ Công Thương đang có chuyến công tác tại Nhật Bản. Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian qua nói chung và quan hệ hợp tác giữa hai Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và Bộ Công Thương Việt Nam nói riêng.
Bộ trưởng Muto Yoji cho biết, quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, song dư địa thị trường vẫn còn rất lớn. Do vậy, trong Kỳ họp này, Bộ trưởng Muto Yoji đề nghị hai Bên cùng nhau trao đổi, thảo luận, đưa ra các giải pháp để thúc đẩy hợp tác phát triển ngành công nghiệp, năng lượng, hợp tác đầu tư... giữa hai quốc gia.
Cảm ơn những ý kiến của Bộ trưởng Muto Yoji, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự phối hợp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại, Công nghiệp Nhật Bản đã thường xuyên duy trì các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ song phương và đa phương kể từ Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 6 tổ chức tháng 12/2023.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, việc hai nước thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng là hết sức quan trọng và cần thiết, góp phần giúp doanh nghiệp hai nước có thêm dư địa phát triển thị trường, giúp hai nền kinh tế tăng cường sức chống chịu, vượt qua khó khăn.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đẩy mạnh đầu tư tại thị trường Việt Nam. Luỹ kế hết tháng 11/2024, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 của Việt Nam với gần 5.500 dự án có tổng vốn đăng ký đạt 77,7 tỷ USD chiếm 15,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sản xuất, góp phần giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng, phân phối của doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian qua.
“Việt Nam có mong muốn tham gia sâu hơn và trở thành một trong các mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Để hiện thực hóa được mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị hai nước Việt Nam - Nhật Bản thúc đẩy các giải pháp hợp tác trong phát triển công nghiệp, thương mại và năng lượng.
Các giải pháp phát triển hợp tác các ngành công nghiệp
Liên quan đến hợp tác tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, Bộ trưởng đề nghị phía Nhật Bản xem xét phối hợp xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật các ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong các ngành mà Việt Nam và Nhật Bản có nhu cầu hợp tác như: Hóa chất, khoáng sản, cơ khí, linh kiện điện tử, dệt may... để lựa chọn các doanh nghiệp Việt Nam đủ tiềm năng, năng lực tham gia chuỗi cung ứng.
Đề nghị phía Nhật Bản xem xét phối hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào chuỗi cung ứng, sản xuất tại Việt Nam, nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sáng kiến đơn giản hóa thủ tục thương mại trên nền tảng số. Đồng thời hoan nghênh việc nâng cấp hơn nữa chuỗi cung ứng thông qua việc tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử - nơi các doanh nghiệp có thể trao đổi giấy tờ, thủ tục một cách tiện lợi, nhanh chóng vẫn bảo đảm sự uy tín.
Liên quan đến hoạt động hợp tác công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh việc khởi động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong Kỷ nguyên mới và kỳ vọng về những tiến triển hơn nữa trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giúp Việt Nam trở thành nước công nghiệp trong năm 2045.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng đánh giá cao những nỗ lực liên tục nhằm phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thông qua việc tổ chức các triển lãm mua sắm phụ tùng (ví dụ như Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ 2024 của JETRO) và các cuộc đàm phán kinh doanh, thúc đẩy các nỗ lực của các công ty Nhật Bản trong lĩnh vực ô tô và các lĩnh vực khác để phát triển năng lực cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.
Để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giữa hai nước, Bộ trưởng đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hoạch định chính sách, kinh nghiệm xây dựng luật phục vụ phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Hiện nay, Bộ Công Thương Việt Nam đang nghiên cứu, xây dựng Luật chuyên ngành về sản phẩm công nghiệp trọng điểm trong đó chúng tôi sẽ xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách, chương trình, chiến lược về công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên rất mong nhận được sự hỗ trợ tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong lĩnh vực này.
Liên quan đến hợp tác nguồn nhân lực và khả năng cạnh tranh trong công nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Nhật Bản tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cán bộ của Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương thông qua các hoạt động phái cử chuyên gia, liên kết hợp tác với các Trung tâm của Nhật Bản...
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đạo tạo mới thông qua các cơ sở đào tạo của Bộ Công Thương như Đại học Điện lực để khi dự án hoàn thành, phía Việt Nam sẵn sàng nhân lực vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Liên quan đến hợp tác hướng tới phát triển các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao, Bộ trưởng đề nghị hai Bên tăng cường hợp tác hướng tới phát triển các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao (ô tô, điện tử, công nghiệp xanh...).
Trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung phát triển dự án đường sắt tốc độ cao, điều cốt lõi là các đơn vị trong nước phải được chuyển giao công nghệ vận hành, sản xuất, đề nghị Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ chuyển giao công nghệ liên quan đến xây dựng đường sắt cao tốc để các doanh nghiệp Việt Nam dần dần làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực và tự chủ trong quá trình thực hiện dự án.
Cùng với đó, đề nghị hai Bên tăng cường quy mô các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hiện nay thành các chương trình, dự án cụ thể, với phạm vi lớn hớn và thời gian dài hơn nhằm đạt kết quả tốt và tạo tính lan tỏa cao.
Thúc đẩy phát triển thương mại Việt Nam - Nhật Bản
Về tăng cường thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ: Việt Nam đánh giá cao vai trò của Nhật Bản với vai trò dẫn dắt, thúc đẩy hợp tác đa phương và hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương với Nhật Bản, cũng như cùng với Nhật Bản trong hợp tác với các nước khác thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực sâu hơn, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Về hợp tác trong khuôn khổ CPTPP, Bộ trưởng bày tỏ, trong quá trình thực thi và mở rộng Hiệp định CPTPP thời gian qua, Nhật Bản đã thể hiện vai trò hết sức tích cực, chủ động. Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp với Nhật Bản và các Thành viên CPTPP khác trong việc thúc đẩy và nâng tầm Hiệp định, cũng như bảo đảm việc thực thi Hiệp định được đầy đủ và hiệu quả nhất, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân của tất cả các nước thành viên.
Đối với việc xem xét gia nhập của các nền kinh tế khác, Việt Nam cho rằng cần dựa trên cơ sở duy trì các tiêu chuẩn và mức độ mở cửa thị trường cao của Hiệp định, cũng như những kinh nghiệm mà các Thành viên CPTPP đã đúc kết được từ việc xem xét gia nhập của Vương quốc Anh.
Về hợp tác trong khuôn khổ IPEF (Hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương), Bộ trưởng hoan nghênh kết quả mà các nhiều thành viên IPEF, trong đó có Nhật Bản đạt được trong việc ký kết, phê chuẩn Hiệp định Trụ cột III, IV của IPEF. Hiện nay Việt Nam cũng đang tích cực triển khai thủ tục trong nước để ký Hiệp định Trụ cột III, IV và Hiệp định tổng thể IPEF.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đánh giá cao những đóng góp của Nhật Bản trong việc xây dựng một khuôn khổ IPEF có tính chất linh hoạt, bao trùm và đạt tiêu chuẩn cao. Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Nhật Bản và các nước thành viên IPEF trong quá trình đàm phán các nội dung còn lại để đạt được những kết quả thuận lợi.
Đối với hợp tác về thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ trưởng khẳng định phát triển kinh tế số có vai trò quan trọng để phát triển kinh tế Việt Nam, cũng là xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bộ trưởng đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục phối hợp chặt chẽ và sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách trong lĩnh vực này, đặc biệt tạo thuận lợi, đảm bảo an toàn trong phát triển thương mại điện tử và kinh tế số.
Liên quan đến các biện pháp tăng cường thương mại song phương và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, Bộ trưởng đề nghị hai Bên tiếp tục phối hợp, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và đa phương, tận dụng các FTA mà hai bên là thành viên, nhằm sớm đạt mục tiêu tiếp tục nâng cao kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng; tạo thuận lợi và thúc đẩy xuất nhập khẩu các mặt hàng có thế mạnh của mỗi nước sang thị trường nước bên kia; hỗ trợ đưa các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng Nhật Bản trực tiếp qua các hệ thống bán lẻ/thương mại điện tử.
Đề nghị Nhật Bản tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động liên kết mở rộng thị trường nhằm nâng cao hiệu quả kết nối hạ tầng logistics, trong đó ưu tiên phát triển logistics xanh, áp dụng công nghệ AI trong hoạt động logistics; tăng cường trao đổi kinh nghiệm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về logistics và phối hợp trong đào tạo nguồn nhân lực logistics.
Liên quan đến thúc đẩy hợp tác giữa Tổng cục Quản lý thị trường Việt Nam và Diễn đàn Bảo vệ Sở hữu Trí tuệ Quốc tế Nhật Bản (IIPPF), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoàn toàn nhất trí với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Muto Yoji về việc thúc đẩy hợp tác giữa Tổng cục Quản lý thị trường Việt Nam và Diễn đàn Bảo vệ Sở hữu Trí tuệ Quốc tế Nhật Bản (IIPPF) nhằm bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khỏi hàng giả, hàng kém chất lượng và thúc đẩy thương mại hợp pháp tại thị trường Việt Nam. Trong chuyến công tác này, Tổng cục Quản lý thị trường cũng sẽ ký MOU hợp tác với Diễn đàn Bảo vệ sở hữu trí tuệ quốc gia Nhật Bản.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng đây sẽ là tiền đề vững chắc để hai Bên hợp tác hiệu quả trong thời gian sắp tới.
Các giải pháp thúc đẩy hợp tác năng lượng
Đối với hợp tác trong khuôn khổ AZEC, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương và Bộ METI tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả hoạt động của Nhóm Công tác thúc đẩy AZEC trong thời gian tới, cụ thể đề nghị hai Bên tiếp tục trao đổi, phối hợp làm rõ và thống nhất các nội dung về thời gian, kinh phí, cách thức thực hiện, cơ chế triển khai giám sát việc thực hiện các hoạt động/dự án, vai trò và trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan.
Đối với hợp tác trong khuôn khổ JETP, để có thể chuyển đổi năng lượng công bằng, Bộ trưởng cho rằng, các nước phát triển và các nước đang phát triển cần tích cực hỗ trợ nhau về cơ chế tài chính, công nghệ. Bộ trưởng đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), lựa chọn phù hợp các dự án cụ thể để cùng nhau hoàn thiện cơ chế và công nghệ.
Về hợp tác hỗ trợ lộ trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, Bộ trưởng nhắc lại việc tháng 11/2023, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về chuyển dịch năng lượng. Tuy nhiên, đến nay, phía Việt Nam vẫn đang chờ đợi những hỗ trợ cụ thể của Nhật Bản trong khuôn khổ MOU cũng như theo khuôn khổ Quỹ hỗ trợ Chuyển dịch năng lượng châu Á mà Nhật Bản đưa ra. Do đó, Bộ trưởng đề nghị hai Bên tích cực sớm triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể, hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi năng lượng, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực hướng tới mục tiêu trung hòa cac-bon của Việt Nam.
Về hợp tác phát triển điện hạt nhân, Bộ trưởng đã thông báo việc Việt Nam tuyên bố tái khởi động các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam.
Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 do EVN làm chủ đầu tư, đã đàm phán với phía Nhật Bản để ký thỏa thuận hỗ trợ vốn và công nghệ xây dựng.
Để quá trình tái khởi động dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ninh Thuận 2 được thuận lợi, Bộ trưởng đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan phía Nhật Bản xem xét rà soát các cam kết theo thỏa thuận đã ký kết năm 2011, tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và tài chính cho Việt Nam để triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đồng thời, tiếp tục đào tạo lại lượng nhân lực cũ đã được đào tạo tại Nhật Bản trước đây nếu họ còn đủ điều kiện và có nguyện vọng.
Về hợp tác trong lĩnh vực điều tiết điện lực, Bộ trưởng đề nghị Nhật Bản tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên ngành của Việt Nam nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn công tác hoàn thiện quy định pháp luật về điều tiết điện lực và phát triển thị trường điện, trong bối cảnh mới về chuyển dịch năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh, phù hợp với xu thế chung của toàn cầu và Việt Nam.
Về hợp tác trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, Bộ trưởng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam xây dựng định mức tiêu hao năng lượng trong các ngành công nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và triển khai chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các giải pháp tiết kiệm năng lượng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.