Theo Bộ trưởng, mặc dù 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 5,64%, chưa đạt kế hoạch đề ra, nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam nên kết quả như vậy là cả sự nỗ lực lớn.
6 tháng đầu năm toàn ngành Công Thương vẫn ghi nhận 2 điểm sáng, trong đó công nghiệp phát triển mạnh, đạt trên 8%; xuất khẩu cũng tăng 32%. Tuy nhiên, tính chung, 6 tháng đầu năm, nhập siêu vẫn ở mức 1,47 tỷ đô la, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lý giải là vì hầu hết các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc khối phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài về để sản xuất trong nước. Thêm vào đó việc giá cả các nguyên liệu đầu vào, vật tư chiến lược của thế giới, chi phí vận chuyển đều tăng cao; tình trạng thiếu container, đứt gãy chuỗi logistics… cũng là nhân tố khiến Việt Nam nhập siêu trong những tháng đầu năm.
“Điều này cũng không đáng ngại bởi chúng ta nhập khẩu thiết bị, vật tư, nguyên liệu đầu vào để sản xuất trong nước, sau đó lại xuất khẩu đi các quốc gia trên thế giới. Tôi cho rằng bối cảnh dịch bệnh khó khăn chung, chúng ta đạt được kết quả như vậy là cả sự nỗ lực”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2021 cũng hết sức nặng nề khi mục tiêu kép được thực hiện trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp, nguy cơ lây nhiễm tốc độ cao, hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đang phải ưu tiên chống dịch.
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm tập trung ngăn chặn dịch, cung ứng hàng hoá thiết yếu cho người dân, nếu không làm được hai việc đó thì chúng ta chưa thể tính tới việc khác. Chúng ta dự báo kế hoạch cho cả năm 2021 rất khó thực hiện được theo kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra, tuy nhiên, quan trọng nhất là vỡ như TP HCM kiểm soát được đã là thắng lợi.
Về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2026, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết báo cáo Chính phủ đã thể hiện tương đối rõ. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng phần đánh giá giai đoạn 5 năm vừa qua cần bổ sung thêm 3 ý, gồm đánh giá về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó, cần nêu rõ những hạn chế, vướng mắc trong thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa. Giai đoạn vừa qua, có thể thấy, phát triển công nghiệp của chúng ta thiếu tập trung cho phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, nguyên nhân chúng ta còn thiếu một khung pháp lý đủ mạnh làm căn cứ triển khai thực hiện cũng như thu hút và tập trung nguồn lực để đầu tư cho phát triển ngành này.
Thứ 2, bổ sung đánh giá phần hội nhập kinh tế quốc tế. Theo Bộ trưởng, giai đoạn vừa qua có thể đánh giá là chúng ta đã thành công trong đàm phán ký kết được nhiều FTA. Trong đó, một số FTA thế hệ mới đã tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế còn có những mặt trái của nó, nội dung này cũng cần được nhìn nhận đánh giá để chúng ta có sự chủ động xử lý trong giai đoạn tới.
Thứ 3, bổ sung đánh giá vấn đề về hút đầu tư FDI cũng như những hạn chế trong giai đoạn vừa qua. Việc mở cửa hội nhập thời gian qua đã thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI lớn vào đầu tư, tuy nhiên, cũng cần nhìn thẳng là Việt Nam đã dành quá nhiều ưu ái nhưng lại ít có những ràng buộc đối với khối doanh nghiệp này. Vì vậy, mặt được của FDI chủ yếu vẫn là giải quyết việc làm cho người lao động còn về các vấn đề khác như thu ngân sách và chuyển giao công nghệ… chưa đạt được kết quả như mong muốn. Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi của các công ty đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam còn hạn chế. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, vấn đề này cần được nhận định, đánh giá đúng thực trạng để rút kinh nghiệm và chấn chỉnh cho giai đoạn tới.
Về kế hoạch giai đoạn 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nêu ra 4 điểm cơ bản cần tập trung để thực hiện các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đề ra. Thứ nhất là giải pháp về thể chế. Bộ trưởng nhấn mạnh: Cần chú trọng việc xây dựng và hoàn thiện khung chính sách cho phát triển ngành công nghiệp, qua đó làm cơ sở để triển khai phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp từ trung ương đến các địa phương.
Thứ hai là phải tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp lớn để tiến tới mục tiêu Việt Nam dần tự chủ trong sản xuất, nhất là sản xuất nguyên vật liệu. “Chúng ta cần hỗ trợ đối với doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trước mắt là chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI lớn đang đầu tư vào Việt Nam”, Bộ trưởng nêu, đồng thời nhấn mạnh: Cần có cơ chế, chính sách để hạn chế tình trạng doanh nghiệp Việt chuyển sở hữu cho nước ngoài.
Thứ ba, về thu hút vốn đầu tư FDI, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhắc lại: Chúng ta cần rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước để làm tốt hơn cho giai đoạn tiếp theo. Trong đó, hút đầu tư cần có chọn lọc, có sự ràng buộc nhất định để “tranh thủ” được nhiều hơn từ chuyển giao công nghệ; các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi sản xuất… “Muốn thực hiện được điều này, các địa phương ngay từ đầu phải có định hướng trong thu hút đầu tư một cách bài bản, Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư lớn, chúng ta cũng phải quan tâm đến đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, kể cả nguồn nhân lực chất lượng cao là người nước ngoài”, Bộ trưởng lưu ý.
Thứ tư là tận dụng tốt các FTA để thúc đẩy xuất khẩu, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giai đoạn tới cần tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước để khai thác tối đa thị trường 100 triệu dân của Việt Nam. Cùng với đó cần nâng cao tính tự chủ về thị trường để thị trường trong nước là trụ đỡ quan trọng trong tăng trưởng khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Vừa qua, chúng ta tiêu thụ các sản phẩm nông sản từ vải, nhãn đến thanh long và một số mặt hàng rau củ quả khác đã minh chứng cho điều này. Tôi đề nghị giai đoạn tới đây chúng ta phải quan tâm nhiều hơn nữa, bằng nhiều biện pháp để phát triển và tăng sức hấp dẫncủa thị trường trong nước. Đó cũng là cơ sở để phát triển trong tương lai”.