Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts (Anh) cho thấy giá đậu tương xuất đi từ cảng Paranagua (Brazil) đối với các lô hàng giao tháng 3/2022 đã đạt 1.442,93 USD/tấn (giá FOB) – mức cao nhất kể từ hồi tháng 3/2020.
Paranagua là cảng xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất Brazil và giá xuất khẩu đậu tương từ cảng này thường được xem là mức giá tham khảo chuẩn cho các giao dịch đậu tương tại khu vực Nam Mỹ. Nếu tính từ tháng 2/2021 thì giá đậu tương xuất khẩu từ cảng Paranagua đã tăng 40%. Brazil hiện là quốc gia xuất khẩu đậu tương lớn thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ.
Giá đậu tương trên thế giới đang có xu hướng tăng mạnh sau khi Indonesia siết lại hoạt động xuất khẩu dầu cọ nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa kể từ cuối tháng 1 vừa qua. Theo đó, các doanh nghiệp Indonesia phải đảm bảo cung ứng ít nhất 20% sản lượng dầu cọ cho thị trường nội địa thì mới được phép xuất khẩu. Với vị thế là nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, động thái này của Indonesia sẽ khiến những quốc gia nhập khẩu dầu cọ lớn như Ấn Độ và Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu các loại dầu ăn thay thế như dầu đậu nành và dầu hạt hướng dương.
Giá dầu cọ giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hoá phái sinh Bursa Malaysia đã chạm mức cao nhất lịch sử sau việc Indonesia siết chặt việc xuất khẩu dầu cọ. Giá dầu đậu nành giao tháng 3/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) hiện đạt 65 cents/pound, tăng 40% so với hồi đầu năm nay.
Giá đậu tương và giá dầu đậu tương còn được hỗ trợ bởi lo ngại tình trạng leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể khiến nguồn cung dầu hướng dương từ khu vực Biển Đen bị suy giảm. Mặt khác, tình trạng hạn hán kéo dài tại một số khu vực canh tác đậu tương chính của Brazil có thể làm suy giảm sản lượng đậu tương của nước này trong niên vụ 2021/2022.
Trong khi đó, dữ liệu cho thấy lượng dầu ăn được Ấn Độ nhập khẩu trong tháng 1/2022 ước tăng 6% so với tháng 12/2021; nước này cũng đang đẩy mạnh việc nhập khẩu dầu đậu tương và dầu hướng dương tháng thứ ba liên tiếp. Ấn Độ hiên là quốc gia nhập khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới.