Theo kế hoạch, Anh sẽ chính thức rời “mái nhà chung” châu Âu vào ngày 29/3 tới. Tuy nhiên, tiến trình Brexit (Anh rời EU) đang có nguy cơ trở thành một “tiến trình dai dẳng” và cả Anh lẫn EU đều phải trả giá đắt cho sự chậm trễ này.
Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh David Lidington vừa cảnh báo các nghị sĩ nước này rằng tiến trình đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, có thể phải đối mặt với một “tiến trình dai dẳng”. Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh tiến trình Brexit của Anh hiện vẫn “rối như canh hẹ” và không có phương án nào chắc chắn. Nội bộ Anh cũng như Anh và EU hiện vẫn bất đồng về thỏa thuận Brexit.
Theo kế hoạch, Anh sẽ chính thức rời “mái nhà chung” châu Âu vào ngày 29/3 tới. Tuy nhiên, ngày 12/3 vừa qua, Hạ viện Anh đã lần thứ hai bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận Brexit và điều này khiến Thủ tướng May “cực chẳng đã” phải đưa thỏa thuận ra bỏ phiếu lần thứ ba vào ngày 20/3 và sau khi văn bản này được các nghị sĩ thông qua, bà sẽ đề nghị EU gia hạn Brexit "về kỹ thuật" đến tháng 6 tới.
Trong bài viết trên tờ The Sunday Telegraph số ra ngày 17/3, bà May cảnh báo rằng nếu thất bại một lần nữa, Anh chắc chắn sẽ phải tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào tháng 5 tới và Anh "chắc chắn sẽ không rời EU trong nhiều tháng". Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh BBC tuần này, Bộ trưởng Lidington cũng đã đề cập khả năng trì hoãn Brexit trong một thời gian dài là hoàn toàn có thể xảy ra.
Nội bộ nước Anh hiện vẫn bất đồng lớn về thỏa thuận Brexit. Tại cuộc họp nội các hôm 19/3, các bộ trưởng Anh đã có những ý kiến bất đồng xung quanh vấn đề thời hạn xin gia hạn với EU, hoặc đến ngày 30/6 hoặc kéo dài 1 năm và hơn nữa nếu như Hạ viện tiếp tục bỏ phiếu bác lại thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May. Trong khi đó, Hạ viện Anh vẫn phản đối nội dung thỏa thuận Brexit mà Chính phủ đưa ra bỏ phiếu vì chưa có những thay đổi căn bản về nội dung so với bản thỏa thuận đã bị Quốc hội Anh bác bỏ hai lần trước đây.
Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow tuyên bố thỏa thuận sẽ không thể tiếp tục được đưa ra bỏ phiếu nếu không có sự thay đổi căn bản. Ông kết luận rằng việc Chính phủ Anh bê nguyên đề xuất cũ hoặc về cơ bản giống đề xuất cũ ra bỏ phiếu lần ba là không hợp lệ. John Bercow viện dẫn tiền lệ từ năm 1604, theo đó quy định của quốc hội nêu rõ những đề xuất về cơ bản vẫn được giữ nguyên thì không thể mang ra bỏ phiếu tại hạ viện nhiều hơn một lần trong một kỳ họp. Lý giải về sự khác biệt nêu trong kết luận của thỏa thuận nói trên, ông Bercow cho rằng đó không phải là khác biệt trong câu chữ mà phải là khác biệt trong quan điểm và trong bối cảnh đàm phán với các bên khác ngoài nước Anh.
Trong khi Brexit chưa ngã ngũ, những bất đồng giữa Anh và EU về vấn đề này cũng vẫn nghiêm trọng. Các nguồn tin báo chí Anh cho biết, trong tuần này, Thủ tướng Theresa May Anh sẽ chính thức gửi thư đề nghị Liên minh Châu Âu (EU) chấp thuận việc Anh xin gia hạn lùi ngày rời khối này cho đến ngày 30/6 hoặc lâu hơn nữa. Tuy nhiên, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU ông Michel Barnier vừa tuyên bố EU sẽ không chấp thuận cho nước Anh hoãn lùi ngày nếu như Anh không đưa ra được một kế hoạch cụ thể sẽ làm gì trong thời gian xin gia hạn đó.
Giới chức châu Âu những ngày gần đây cũng đã tỏ thái độ “hết chịu nổi” đối với tiến trình Brexit lòng vòng, dai dẳng của nước Anh. Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Đức Michael Roth vừa lên tiếng bày tỏ bức xúc rằng “Brexit không phải là một trò chơi” và EU đã quá mệt mỏi bởi “các cuộc đàm phán quanh co và dai dẳng” suốt 2 năm qua về việc Anh rời khỏi khối này. Phát biểu trong một cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh EU vào tuần này, ông Roth nêu rõ: "Chúng tôi đã thực sự bị kiệt sức bởi các cuộc đàm phán này. Tôi mong đợi những đề xuất rõ ràng và chính xác từ Chính phủ Anh."
Việc tiến trình Brexit kéo dài đang và sẽ khiến Anh cũng như EU phải trả giá. Những ngày gần đây, báo giới châu Âu đã cảnh báo, "Brexit cứng" có thể gây chấn động phần còn lại của châu lục ở nhiều phương diện mà nhiều người dân EU chưa ý thức được, từ giao thông hàng không hỗn loạn tới các cảng biển bị tê liệt và số phận bấp bênh của hàng triệu công nhân.
Riêng với các hãng vận tải, hàng không, việc Anh “trắng tay rời EU” sẽ khiến họ “không kịp trở tay” khi nhiều quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đột ngột thay đổi, việc lưu thông hàng hóa bị việc tái áp đặt các quy định và biên giới ngáng trở, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và phải mất một thời gian Anh và EU mới có thể giải quyết ổn thỏa các “khoảng trống pháp lý”. Mặc dù theo hướng dẫn mới nhất từ EU, lịch trình các chuyến bay hiện nay không bị ảnh hưởng bởi Brexit "cứng", song Hiệp hội Giao thông hàng không quốc tế cảnh báo nguy cơ hành khách phải chịu cảnh tăng giá vé cũng như hành khách từ Anh quá cảnh tại các sân bay EU sẽ lại bị kiểm tra an ninh lần nữa, dẫn tới chậm trễ chuyến bay.
Những thiệt hại từ Brexit và các giải pháp giảm thiểu thiệt hại cũng đã được các nhà lãnh đạo EU dự liệu và tìm cách đối phó. Phát biểu trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra cuối tuần này, Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit, ông Michel Barnier hôm 19/3 đã khẳng định, bất kỳ sự chậm trễ nào của Brexit sẽ gây ra những phí tổn cả về kinh tế và chính trị cho khối, do đó việc này cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng và so sánh với các lợi ích tiềm năng. Ông Barnier nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh Brexit bế tắc như hiện nay, Hội đồng châu Âu sẽ phải đánh giá điều gì là tốt nhất trong lợi ích của EU. Một sự không chắc chắn ngày càng tăng về việc không có kế hoạch rõ ràng sẽ làm tăng thêm chi phí kinh tế cho các doanh nghiệp và cũng có thể kéo theo các mất mát về chính trị cho EU. Ông cho biết phía EU đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống đồng thời chỉ việc lùi thời hạn Brexit chỉ có ý nghĩa nếu nó giúp tăng cơ hội cho thỏa thuận.
Trên thực tế, EU hiện đã chuẩn bị sẵn sàng cho “kịch bản” Anh rời khối này mà không đạt được thỏa thuận. Hôm 19/3, Hội đồng châu Âu đã thông qua một loạt biện pháp tư pháp nhằm chuẩn bị cho kịch bản nói trên. Mục đích của các biện pháp này là nhằm hạn chế những thiệt hại trầm trọng từ các xáo trộn do Brexit gây ra trong các lĩnh vực cụ thể. Các biện pháp này còn bao gồm việc đảm bảo kết nối về đường hàng không, đường bộ và đường sắt trong một giai đoạn giới hạn, cũng như cho phép tiếp tục quyền đánh bắt cá của cả EU và Anh cho đến cuối năm 2019, việc bồi thường cho ngư dân và các nhà khai thác…
Việc tiến trình Brexit diễn ra dai dẳng như trên khiến kinh tế Anh giống như con tàu mất phương hướng và đang chạy song song bên bờ vực thẳm. Đối với chính phủ và các doanh nghiệp Anh cũng như doanh nghiệp châu Âu, giải pháp tối ưu nhất họ có thể làm trong hoàn cảnh hiện nay là chuẩn bị kỹ lưỡng cho một kịch bản “Brexit cứng” (Anh rời EU không thỏa thuận). Bởi vì, một khi kịch bản nói trên xảy ra mà không chuẩn bị đối phó kỹ lưỡng, nó có thể “thổi bay” lợi nhuận của doanh nghiệp cũng như tăng trưởng kinh tế của cả Anh và EU.