Các giải pháp tham dự Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi được xem xét, chấm điểm dựa trên các tiêu chí gồm tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng và hiệu quả kinh tế - kỹ thuật - xã hội.
Giải pháp “Nâng cao độ tin cậy và tối ưu hóa vận hành trạm giảm ôn giảm áp trong NMLD Dung Quất” của tác giả Nguyễn Ngọc Thanh (Ban Vận hành Sản xuất BSR) đạt Giải Nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 10 đã giải được bài toán khó trong quá trình vận hành mạng hơi cao áp trong NMLD Dung Quất.
NMLD Dung Quất sử dụng nhiều loại hơi, từ các nguồn cung cấp khác nhau. Hơi cao áp sinh ra dùng để vận hành các bơm tuốc bin, máy nén tuốc bin, quạt gió. Các thiết bị này rất quan trọng, nếu có sự cố sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phân xưởng và Nhà máy.
Năm 2009, Trạm giảm ôn giảm áp từ hơi siêu cao áp xuống hơi cao áp được thiết kế 3 van điều khiển, nhưng với thông số vận hành mạng hơi cao áp tính từ lúc chạy thử Nhà máy cùng với phương thức điều khiển được thiết kế ban đầu cho trạm giảm ôn giảm áp từ hơi siêu cao áp xuống hơi cao áp thì chỉ duy nhất 1 van được đặt chế độ tự động, 2 van còn lại phải vận hành theo cơ chế thủ công. Điều này đòi hỏi những người tham gia vận hành phải có kinh nghiệm, phối hợp nhịp nhàng, ứng phó nhanh trong trường hợp mạng hơi cao áp có sự cố. Thực tế, đã có vài lần xảy ra sự cố từ mạng hơi cao áp. Tác giả Nguyễn Ngọc Thanh đã cùng với các đồng nghiệp của mình và chuyên gia nước ngoài luôn trăn trở để tìm giải pháp tối ưu, giúp Nhà máy vận hành ổn định, an toàn.
Tác giả Nguyễn Ngọc Thanh cho biết: “Bằng cách thiết kế lại phương thức điều khiển cho trạm giảm ôn giảm áp từ hơi siêu cao áp xuống hơi cao áp đã đưa được cả 3 van hoạt động chế độ tự động. Qua việc tính toán cân bằng lượng hơi cao áp, tính toán phương thức điều khiển, lượng hơi trung áp tiêu thụ, lượng áp suất… tác giả và các đồng nghiệp đã thành công trong việc nâng cao độ tin cậy, tối ưu hóa vận hành cho NMLD Dung Quất. Giải pháp đã đem đến cho việc vận hành 3 van điều khiển được chủ động, nhanh chóng, dễ dàng khắc phục sự cố. Đồng thời tiết kiệm lượng hơi tiêu thụ, đáp ứng năng lượng sạch, tiết kiệm nhiên liệu, tối ưu hóa hệ thống”. Giải pháp đã chính thức áp dụng từ tháng 7/2016 tại BSR, tiết kiệm chi phí cho Công ty hơn 12 tỷ đồng/năm.
Giải pháp “Loại bỏ tạp chất cặn rắn trong dầu thô tại phân xưởng CDU nhằm giảm hàm lượng kim loại sắt và canxi trong nguyên liệu của phân xưởng RFCC” của nhóm tác giả Nguyễn Mạnh Thịnh (Ban Vận hành Sản xuất BSR, chủ biên) đạt giải Ba trong Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 10.
Trong năm 2012, phân xưởng RFCC của NMLD Dung Quất đã trải qua một sự cố tắc nghẽn nghiêm trọng trong hệ thống đường ống và thiết bị ở khu vực đáy tháp chưng cất chính dẫn đến phải dừng hoàn toàn phân xưởng trong thời gian dài để xử lý. Nguyên nhân gốc rễ của sự cố là sự kết hợp của nhiều yếu tố trong đó yếu tố quan trọng nhất là sự tăng cao bất thường của hàm lượng kim loại sắt và canxi trong nguyên liệu Residue từ phân xưởng CDU.
Giải pháp đã nghiên cứu về vấn đề sử dụng hóa chất để loại bỏ các tạp chất sắt và canxi ra khỏi nguyên liệu cặn khí quyển của phân xưởng RFCC: đáp ứng được yêu cầu đặt ra mà không làm thay đổi lớn cấu hình của nhà máy (với chi phí đầu tư ban đầu thấp).
Sau khi kết thúc quá trình thử nghiệm, chương trình loại bỏ cặn rắn trong dầu thô bằng hóa chất được đưa vào áp dụng dài hạn tại CDU từ đầu năm 2015 cho đến nay, góp phần đảm bảo vận hành an toàn, ổn định cho phân xưởng RFCC nói riêng và toàn Nhà máy nói chung. Giá trị kinh tế của giải pháp ước tính tối thiểu khoảng 6,2 triệu USD/năm (khoảng 130 tỷ đồng). Việc áp dụng thành công giải pháp này tại BSR đã mở ra 1 hướng mới cho ngành lọc hóa dầu trong việc xử lý các tạp chất kim loại trong dầu thô với chi phí rất thấp và hiệu quả kinh tế cao.
Nhóm tác giả chia sẻ thông tin: “Giải pháp này đã được nhà máy lọc dầu SK tại Ulsan – Hàn Quốc mời sang để chia sẻ kinh nghiệm triển khai và đã áp dụng thành công”.
“Giải pháp xử lý vấn đề nước cuốn theo từ thiết bị tách muối (Desalter) đến lò giải nhiệt H.1101 tại phân xưởng chưng cất dầu thô CDU của NMLD Dung Quất” của nhóm tác giả Phan Minh Thành (Ban Vận hành Sản xuất BSR, chủ biên) đạt giải Khuyến khích trong Hội thi. Giải pháp này đã khắc phục được sự cố tại thiết bị tách muối diễn ra nhiều lần trong các năm 2010 – 2011 để đảm bảo công suất của Nhà máy. Đồng thời, nghiên cứu đã giúp cho thiết bị bơm tuần hoàn sử dụng tại CDU không bị hư hỏng, sửa chữa, vấn đề an toàn công nghệ được bảo đảm. Với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 650 triệu đồng, giải pháp đã đem lại lợi nhuận hơn 37 tỷ đồng/năm cho BSR.
“Giải pháp sử dụng nguồn nước công nghệ Process tại bình tách D-1106 làm nước rửa cho thiết bị tách muối Desalter và đường đỉnh tháp chưng cất T-1101 tại phân xưởng chưng cất dầu thô CDU” của tác giả Nguyễn Nhanh (Ban Nghiên cứu Phát triển BSR) cũng đạt giải Khuyến khích trong Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi lần này. Giải pháp được đánh giá là đã giảm bớt năng lượng tiêu thụ đi qua xử lý, tiết kiệm hơi nước, giảm việc sử dụng nguồn nước sạch. Với việc sử dụng chi phí đầu tư không nhiều, nhưng giải pháp đã góp phần thiết thực vào công việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu nguồn nước thải. Giải pháp đã được áp dụng từ tháng 10 năm 2016, góp phần tiết kiệm 20 tỷ đồng/năm cho Công ty.
Đánh giá về sự đóng góp của các tác giả, nhóm tác giả trong việc nghiên cứu, áp dụng các giải pháp tại NMLD Dung Quất, ông Cao Tuấn Sĩ (Phó Trưởng Ban Vận hành Sản xuất BSR) nhấn mạnh: “Các giải pháp được công nhận, áp dụng tại BSR là sự làm việc nghiêm túc của những người nghiên cứu chuyên môn. Đây là những sáng kiến quan trọng, làm lợi cho kinh tế của BSR. Qua quá trình áp dụng, lợi ích kinh tế tính được lên đến gần 200 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, các giải pháp còn đem lại những hiệu quả đáng ghi nhận như việc đảm bảo môi trường, giảm tiêu hao nhiên liệu”.
Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi diễn ra định kỳ 2 năm/1 lần đã khích lệ tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc của các CBCNV BSR, đề cao sức lao động, sáng tạo của các tập thể và cá nhân, góp phần nâng cao năng suất cho NMLD Dung Quất.